Ô nhiễm không khí Hà Nội: Những khoảng trống dữ liệu

Sau hơn 20 năm kể từ khi xuất bản những nghiên cứu đầu tiên về ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng như một số vùng lân cận, các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn chật vật để có dữ liệu đầu vào.

Hà Nội trong những ngày ô nhiễm. Nguồn: vtv.vn

Câu chuyện dựa vào dữ liệu để ra quyết định không còn mới mẻ. Hãy thử hình dung đến một ngày nào đó, ngoài những tiêu chí thông thường như “đường xá thuận lợi, gần nhà trẻ, trường học, siêu thị…” thì người ta có thể cân nhắc thêm những yếu tố môi trường, từ chung chung như “rất ô nhiễm” đến như “nồng độ PM2.5, NOx, SO2” từ các loại bản đồ ô nhiễm không khí trước khi quyết định mua bán nhà cửa.

Tuy nhiên, từ nay đến khi đó còn là một khoảng cách rất xa, không chỉ vì những nghiên cứu gần gũi như thế vẫn còn đang trên đà thực hiện, ví dụ như “Mô hình hóa bản đồ PM2.5 cho thành phố Hà Nội” của PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (ĐH Công nghệ, ĐHQGHN) hay “Đánh giá tác động của ô nhiễm PM2.5 bên ngoài lên sức khỏe” của TS. Nguyễn Thị Trang Nhung (ĐH Y tế công cộng, Bộ Y tế) vừa mới chỉ báo cáo một số kết quả sơ bộ vào giữa tháng 12/2020, khi Hà Nội rơi vào cao điểm ô nhiễm theo quy luật khí tượng. Quan trọng hơn là những người làm nghiên cứu về ô nhiễm không khí vẫn còn chưa có điều kiện tiếp cận các nguồn dữ liệu đầu vào tốt như mong muốn. “Cho đến hiện nay thì tất cả nguồn số liệu này tại Việt Nam còn tản mát, không nhất quán theo quy chuẩn lưu và công bố số liệu đang rất khó khăn, cả về chất lượng và nơi có thể tiếp cận”, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung chia sẻ qua email với chúng tôi như vậy.

“Có hai nguyên nhân khiến người ta không muốn chia sẻ dữ liệu là vốn dĩ trước đây nhà nước không có thói quen công khai số liệu, bây giờ cũng không muốn vì sợ số liệu không đủ chất lượng, số liệu không đồng đều do thiết bị quan trắc cũng thường trục trặc, mỗi lần như thế phải ngừng vận hành mà ngừng vận hành thì trống dữ liệu thu thập” (TS Hoàng Dương Tùng).

Ai cần dữ liệu?

Nếu mang câu hỏi “anh/chị có cần dữ liệu?” cho bất cứ nhóm nghiên cứu nào thì có lẽ, ai cũng nhận được cái nhìn sửng sốt “chuyện đương nhiên như thế còn phải hỏi”. Từ nhiều năm nay, nhu cầu về những bộ dữ liệu được thu thập trong thời gian đủ dài, chính xác, đáng tin cậy đã tồn tại âm thầm trong lòng cộng đồng các nhà khoa học. Trong cuộc trò chuyện vào năm ngoái, giáo sư Hoàng Xuân Cơ (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết, vào năm 2003, ông đã thực hiện một đề tài về việc sử dụng số liệu từ các trạm quan trắc để tìm hiểu xem những ai sử dụng số liệu đó. Điều ông phát hiện ra là “nhà quản lý cần số liệu nhưng là dữ liệu đã được xử lý để phục vụ cho việc quản lý chất lượng môi trường không khí quốc gia; nhà nghiên cứu dùng rất nhiều loại dữ liệu khác nhau để nghiên cứu, tìm ra quy luật của chúng và đưa ra những công cụ tiếp theo, phục vụ cho vấn đề quản lý; doanh nghiệp/tổ chức cần số liệu thông qua đặt hàng; còn cộng đồng cần dữ liệu đã qua xử lý như dưới dạng chỉ số ô nhiễm để có thể hiểu được chất lượng môi trường không khí nơi mình sinh sống như thế nào”.

Có một nguồn dữ liệu đầu vào như vậy là niềm mơ ước của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Không chỉ những người cần số liệu đưa vào các mô hình tính toán lan truyền ô nhiễm, lập bản đồ ô nhiễm hay tìm sự ảnh hưởng của ô nhiễm tới các vấn đề như sức khỏe, thu thập… mà những nhà nghiên cứu ở lĩnh vực khác cũng cần số liệu. “Nhiệm vụ kiểm kê phát thải, tính hệ số phát thải của một chất ô nhiễm nào đó hay quản lý chất lượng môi trường dưới góc độ tính toán khả năng nền của môi trường không khí… thì càng cần số liệu. Việc có nhiều số liệu từ nhiều nguồn khác nhau giúp mở rộng cơ hội nghiên cứu, ví dụ như đánh giá xu thế biến đổi của chất lượng môi trường không khí theo không gian, thời gian, hay ảnh hưởng của từng chính sách, phương thức quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí có thực sự hiệu quả hay không?”, PGS. TS Hoàng Anh Lê, trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), cho biết như vậy.

Ngày 27/5, Hà Nội tổ chức tiếp nhận 24 trạm quan trắc không khí tự động do Công ty TNHH THT (Hàn Quốc) tài trợ, đưa tổng số trạm quan trắc của Hà Nội lên con số 35. Ảnh: dangcongsan.vn.
“Về dữ liệu dùng để đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí cần ít nhất hai nguồn chính: phân bố nồng độ ô nhiễm (mức độ ô nhiễm ở các vùng, cần chi tiết càng tốt) và mô hình bệnh tật và tử vong. Ngoài ra chúng tôi cần các số liệu phụ trợ nhằm giúp các đánh giá/ước tính chính xác hơn như dân số, mật độ dân số, bản đồ sử dụng đất, mật độ giao thông và lưu lượng xe. Mặc dù đây là những nguồn số liệu được thu thập theo ngân sách/hỗ trợ của nhà nước nhưng các nhóm như chúng tôi vẫn chưa được tạo điều kiện, nếu không nói là đang rất khó trong tiếp cận số liệu cho mục đích nghiên cứu phục vụ cho đề xuất chính sách và phục vụ cho người dân. Vì vậy chúng tôi đề nghị nên xây dựng quy trình công khai số liệu phục vụ cho các mục đích khác nhau như nghiên cứu hay quản lý” (TS. Nguyễn Thị Trang Nhung).

Là trưởng một nhóm nghiên cứu về thống kê y tế, hơn ai hết TS Nguyễn Thị Trang Nhung hiểu giá trị của dữ liệu với chất lượng nghiên cứu của mình. Một trong những mơ ước của chị là có thể hợp tác với nhiều nhóm khác để có thể tìm hiểu “tác động của ô nhiễm không khí lên các tế bào của con người, qua đó giúp giải thích các kết quả đánh giá mối liên quan của sự gia tăng ô nhiễm không khí lên các bệnh không lây như tiểu đường, ung thư, tim mạch hay là ảnh hưởng lên các biến chứng thai kỳ như sinh non, sinh con nhẹ cân”.

Tại Việt Nam, do những nghiên cứu liên quan đến tế bào hay bio-marker còn rất hiếm hoi nên chị chọn cách thực hiện hướng xác định mối liên quan giữa ô nhiễm không khí lên các bệnh không lây để khảo sát các tác động dài hạn (long term effect). Vì vậy điều chị cần là “độ chính xác của nguồn dữ liệu môi trường, cụ thể là phân bố nồng độ ô nhiễm, để có thể áp dụng các hướng dẫn của WHO trong tính toán tác động sức khỏe bên cạnh mô hình bệnh tật của địa bàn đánh giá” bên cạnh các số liệu phụ trợ khác.

Ở đâu nguồn dữ liệu?

Có thể thấy, điểm hội tụ của các nhà khoa học ở nhiều hướng nghiên cứu đều là cần số liệu thu thập đầu vào đủ tin cậy và đủ dài theo thời gian. “Muốn hiểu được diễn biến của chất lượng không khí như thế nào thì cần phải có chuỗi số liệu đủ dài, chuỗi số liệu ngắn hạn thì rất khó đánh giá”, PGS. TS Hoàng Anh Lê cho biết. Thế nào là đủ dài? “Đối với chất lượng môi trường không khí, chuỗi số liệu  cũng phải từ năm năm trở lên, hoặc ít nhất cũng phải ba năm liên tục thì mới có thể bắt đầu đánh giá được. Chuỗi số liệu như vậy hiện tại chỉ có thể có được từ các trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí quốc gia. Có lẽ cũng rất nhiều người mong muốn có được bộ số liệu của trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí quốc gia để đánh giá, thế nhưng các nhà khoa học cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập được nguồn số liệu này”.

Một bảng biểu thị chất lượng không khí Hà Nội và TPHCM vào tháng 9/2019 của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường). Nguồn: Tổng cục Môi trường.

Vậy tại sao ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu chưa được cung cấp những dữ liệu cần thiết như vậy? Dưới góc độ của người từng làm quản lý trong lĩnh vực môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng giải thích qua điện thoại “Ở Việt Nam thực sự chưa có thói quen chia sẻ dữ liệu môi trường, nhà nghiên cứu cũng không biết nguồn cung ở đâu để tiếp cận. Theo tôi hiểu, có hai nguyên nhân khiến người ta không muốn chia sẻ dữ liệu là vốn dĩ trước đây nhà nước không có thói quen công khai số liệu, bây giờ cũng không muốn vì sợ số liệu không đủ chất lượng, số liệu không đồng đều do thiết bị quan trắc cũng thường trục trặc, mỗi lần như thế phải ngừng vận hành mà ngừng vận hành thì trống dữ liệu thu thập”.

Từng đề cập đến trạm chuẩn đặt ở khuôn viên Tổng cục Môi trường trong cuộc trao đổi với chúng tôi vào tháng 3/2020, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, thiết bị hiện đại đó không chỉ đo được bụi PM2.5 mà còn đo được cả SO2, NO2, VOCs (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi)… và cả điều kiện khí tượng nhưng nhưng ngặt một nỗi, chi phí vận hành vào khoảng tỷ đồng/năm. “Cơ chế tài chính của Việt Nam là mua được máy thì dễ nhưng để máy vận hành và chạy tốt thì khó vì khó đề nghị được kinh phí vận hành. Xin mãi mới được chừng 400 triệu đồng, tức là 40%, đùng cái nó hỏng, hỏng thì phải thay, thay bằng cách nào? Mỗi lần đề xuất phê duyệt tiền, nhanh cũng mất ba bốn tháng và quãng thời gian hỏng đó thì chúng tôi không có số liệu. Rồi đến kiểm chuẩn, vì có những yếu tố không thể kiểm chuẩn ở Việt Nam được, phải mang sang hãng sản xuất, người ta tháo ra mang về mất mấy tháng, nghĩa là thời gian đó không có số liệu”, anh bổ sung.

“Việc lắp một hay nhiều trạm còn tùy thuộc vào từng quy mô thành phố, ví dụ chúng ta có những thành phố nhỏ, thành phần môi trường tương đối đồng nhất thì chúng ta có thể lắp một trạm. Tuy nhiên với những thành phố lớn như thành phố Hà Nội, TP HCM thì không thể nói là một trạm đại diện cho chất lượng môi trường không khí toàn thành phố được. Theo tôi, đối với thành phố Hà Nội hay TPHCM, số trạm phải tăng lên. Mặt khác, ở hai thành phố này, các nguồn phát thải rất đa dạng và thay đổi liên tục nên giữa khu vực này với khu vực kia thì có lẽ phải có thêm trạm để rõ hơn về biến đổi chất lượng môi trường không khí.  Tuy nhiên việc lắp đặt các trạm phải đi kèm với việc đảm bảo được chất lượng số liệu, vốn phụ thuộc vào thiết bị, nguồn nhân lực vận hành thiết bị và nguồn kinh phí để vận hành, bảo dưỡng nó. Nhìn chung nguồn kinh phí này đối với Việt Nam thường khá eo hẹp, vì thế cứ “giật gấu vá vai”, cho nên chuỗi số liệu có thể thiếu ổn định, không liên tục” (PGS. TS Hoàng Anh Lê).

Trong khi chưa có được dữ liệu như mong muốn thì nhiều nhóm nghiên cứu đã tự tìm nguồn dữ liệu đầu vào cho mình, đó là phát triển các hệ thống ghi đo chi phí thấp (low-cost sensor). “Có lẽ cũng phải đầu tư vài tỷ mới có thể làm được trạm có thiết bị tương tự như trạm quan trắc quốc gia. Rõ ràng với các nhóm nghiên cứu thì rất khó, nếu không muốn nói là không thể có được một trạm quan trắc quy mô như vậy”, PGS. TS. Hoàng Anh Lê cho biết thêm.

Tuy vậy đây không phải là giải pháp hoàn hảo cho các nhà nghiên cứu. “Các quốc gia muốn phát triển công nghệ cảm biến trong quan trắc chất lượng không khí vì chi phí thấp hơn nhiều và cộng đồng hoàn toàn có thể tiếp cận để có được thiết bị này, nó giống như cái nhiệt kế để biết nhiệt độ của phòng là bao nhiêu. Hiện tại các cảm biến đo chất lượng không khí vẫn còn nhiều hạn chế, độ chính xác chưa cao. Tuy vậy càng ngày với sự tiến bộ của khoa học công nghệ giúp cho các cảm biến càng ngày có số liệu càng chính xác hơn. Nhưng tôi cho là về mặt ý nghĩa khoa học thì nó không hoàn toàn thay thế được các trạm quan trắc truyền thống. Ví dụ trường hợp với bụi, các cảm biến chỉ đưa ra cho chúng ta con số mà thôi, còn  nồng độ của một số chất ô nhiễm trong hạt bụi đó là bao nhiêu thì hệ thống đó chưa thực hiện được”, ông giải thích thêm.

Trong khi chưa có được dữ liệu như mong muốn thì nhiều nhóm nghiên cứu đã tự tim nguồn dữ liệu đầu vào cho mình, đó là phát triển các hệ thống ghi đo chi phí thấp (low-cost sensor).

Con đường nào cũng dẫn đến kiểm kê

Tất cả các cuộc trao đổi của chúng tôi với những nhà khoa học đang rất năng động trong nghiên cứu về ô nhiễm không khí ở Hà Nội rút cục đều quy về cụm từ “kiểm kê phát thải”, một phương thức mà theo họ không chỉ đem lại được số liệu chính xác hơn mà quan trọng hơn giúp các nhà quản lý có thể xác định được các nguồn phát thải và phần đóng góp của mỗi nguồn vào bầu không khí ô nhiễm của Thủ đô.

Đó là câu chuyện mà các nhà khoa học đã tư vấn cho các cơ quan quản lý môi trường nhiều năm qua. “Chúng tôi đã nói rất nhiều ý kiến về kiểm kê phát thải. Nó là công cụ bản lề cho các công cụ khác, đặc biệt cho công tác quản lý về chất lượng môi trường, không chỉ riêng không khí. Lâu nay, chúng ta rất loay hoay với quản lý môi trường vì chúng ta thiếu công cụ kiểm kê khí thải trong đó. Chỉ lúc đó chúng ta mới biết được nguồn nào là nguồn đóng góp chính, chủ yếu, nguồn nào là nguồn phát thải các chất nguy hại trong môi trường và mới có giải pháp quản lý cho đúng chứ không phải bây giờ đùng cái chúng ta đưa ra cấm loại phương tiện này, cấm phương tiện kia”, PGS. TS Hoàng Anh Lê nhấn mạnh đến vai trò của kiểm kê và cho biết, các nhà nghiên cứu ở những quốc gia đã tiến hành hoạt động này ở gần Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan… đều có những công bố về vấn đề rất hay và số liệu hết sức thuyết phục.

Về tổng thể, kiểm kê ô nhiễm không khí là một vấn đề hết sức phức tạp và tốn kém nhưng “đây là việc mà các quốc gia đều phải làm, bắt buộc phải làm, không làm không được”, TS Hoàng Dương Tùng nói. Dù được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhưng hiện chưa địa phương nào ở Việt Nam triển khai kiểm kê ô nhiễm không khí cả.

Với một việc làm chưa có tiền lệ thì Việt Nam có phải tự ‘mò mẫm” thực hiện được không? Theo góc nhìn PGS. TS Hoàng Anh Lê, “chúng ta hoàn toàn làm được chứ không phải không làm được. Các nhà khoa học Việt Nam có đủ trình độ, phương pháp tính toán và có thể tiếp cận được các công cụ phục vụ cho kiểm kê phát thải”.

Về tổng thể, kiểm kê ô nhiễm không khí là một vấn đề hết sức phức tạp và tốn kém nhưng “đây là việc mà các quốc gia đều phải làm, bắt buộc phải làm, không làm không được”, TS Hoàng Dương Tùng nói.

Ở các đô thị lớn như Hà Nội, nguồn đóng góp vào ô nhiễm hết sức phức tạp, không chỉ những nguồn phát sinh tại chỗ như khí thải xe máy, ô tô, xây dựng, giao thông… đến đốt rơm rạ theo mùa vụ, sản xuất công nghiệp ở vùng lân cận hay những nguồn xuyên biên giới… Do đó chắc hẳn việc tiến hành kiểm kê sẽ phức tạp và tốn kém. Vậy Hà Nội có nên kiểm kê từng phần? “Việc nên hay không nên phụ thuộc vào mục tiêu của thành phố Hà Nội. Nếu Hà Nội đặt đầu bài là kiểm kê phát thải cho toàn thành phố thì cần có sự tham gia của tất cả các ngành, các lĩnh vực khác mà không chỉ có các đơn vị về môi trường”. Nhìn chung khá phức tạp và nguồn kinh phí lớn nhưng về mặt khoa học thì hoàn toàn làm được”, PGS. TS Hoàng Anh Lê nêu.

Dù công việc kiểm kê ô nhiễm đòi hỏi một lượng kinh phí lớn và cần nhiều ngành nghệ cùng tham gia nhưng điều thú vị của nó là đem lại một bức tranh toàn cảnh về ô nhiễm, “nhìn vào đó các nhà quản lý sẽ thấy ngay nguồn phát thải nào cần được giảm thiểu, ví dụ nếu thấy ô nhiễm quá từ nguồn giao thông thì phải có giải pháp tăng các phương tiện công cộng lên, hạn chế xe cá nhân xuống”, TS. Hoàng Dương Tùng lưu ý.

Đó là một con đường dài mà một người gắn bó với ngành môi trường kể từ khi làm việc tại Tổng cục Môi trường cho đến khi làm chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Hà Nội như TS. Hoàng Dương Tùng mong muốn thấy ở Hà Nội. “Tôi nghĩ làm được điều đó sẽ thay đổi rất nhiều trong nhận thức của nhiều người, từ người dân đến nhà quản lý. Sau khi thực hiện, các nhà quản lý sẽ phải công bố rộng rãi kết quả và công khai dữ liệu. Và điều đó sẽ có lợi cho họ bởi càng công khai bao nhiêu thì người dân càng có ý thức giữ gìn môi trường hơn còn nhà khoa học sẽ có nhiều dữ liệu tốt để nghiên cứu, qua đó đề xuất trở lại nhiều khuyến nghị với nhà quản lý”.