Thế giới tranh cãi về giảm khí thải

Các quan chức cấp cao từ 20 nước thải ra lượng Carbon dioxit nhiều nhất thế giới (G-20) vừa có cuộc gặp gỡ tại Chiba, Nhật Bản, để tìm giải pháp hợp tác ngăn chặn biến đổi khí hậu. Nhưng các nước chưa thể thống nhất được mục tiêu, nhiệm vụ… cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Đại diện các nước thừa nhận, phải mất một thời gian dài nữa, họ mới có thể hợp tác để thiết lập khuôn khổ quốc tế mới về ngăn chặn biến đổi khí hậu sau khi Nghị định thư Kyoto hết hạn năm 2012.

Hội nghị kéo dài 2 ngày và kết thúc vào 16/03, các đại biểu đã tập trung thảo luận biện pháp ngăn chặn tình trạng ấm lên của trái đất thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển và thiết lập khuôn khổ hậu Nghị định thư Kyoto.

Đề xuất của Nhật Bản chưa thuyết phục

Nước chủ nhà Nhật Bản yêu cầu đặt ra mục tiêu bắt buộc về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với từng ngành công nghiệp. Nhưng các nước đang phát triển bày tỏ nghi ngờ và cho rằng đề xuất đó chưa rõ ràng, khó có thể là giải pháp hữu hiệu để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trung Quốc và Ấn Độ, cho rằng các nước giàu cần hỗ trợ công nghệ và tài chính cho họ, chứ không nên đưa ra những điều kiện bắt buộc giống nhau về cắt giảm khí thải.

Trung Quốc còn muốn cùng tham gia nghiên cứu chứ không chỉ đơn thuần tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ những nước phát triển. Nam Phi và một số nước đang phát triển khác thì tỏ ý không hài lòng khi họ bị xếp vào danh sách những nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, cho rằng lượng khí thải tính theo đầu người ở những nước này thấp hơn nhiều so với những nước giàu.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã kêu gọi những nước thải ra nhiều khí thải nhất thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, tham gia thực hiện cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời nhấn mạnh việc không tham gia các hành động ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu là “sự thiếu trách nhiệm không thể tha thứ”.

Theo ông, các nước cần nhất trí với mục tiêu bắt buộc giảm ít nhất 50% lượng khí thải vào năm 2050, đồng thời đưa ra những nguyên tắc cho một thỏa thuận để thực hiện mục tiêu đó.

Khí thải CO2 đang tăng với tốc độ báo động

Báo cáo do các tổ chức môi trường thế giới soạn thảo được Cục sinh thái toàn cầu thuộc Viện nghiên cứu Canije cho biết, trong thập kỷ 1990 của thế kỷ trước, lượng khí thải CO2 trên toàn cầu tăng với tốc độ trung bình 1,3%/ năm, từ năm 2000 tới nay đã vọt lên mức 3,3%/năm.

Chuyên gia của Tổ chức nghiên cứu công nghiệp và khoa học của Australia, ông Josep Canadell, tác giả chính của dự án nghiên cứu, cảnh báo nếu không được kịp thời ngăn chặn thì đến cuối thế kỷ 21 này nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm từ 1,1 – 6,40C.

Nhiệt độ trái đất tăng đã khiến tốc độ tan chảy băng trên các dòng sông băng của thế giới đang ở mức báo động. Lời cảnh báo này được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra trong báo cáo mang tên “Tình trạng băng tan trong các dãy núi” công bố ngày 16/03.

Báo cáo kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến các sông băng ngày càng thu hẹp. Đo độ dày các lớp băng từ 30 dòng sông băng nằm trong 9 dãy núi, UNEP kết luận trong khoảng thời gian 2004-2005 và 2005-2006, tỷ lệ băng tan trung bình đã tăng gấp đôi.

Băng tan gây tác động tiêu cực đối với nông nghiệp, sản xuất điện, gây gián đoạn nguồn nước sinh hoạt, khiến mực nước biển dâng cao. Các quan chức UNEP cho biết, hiệp định về khí hậu năm 2009 sắp tới tại Copenhagen (Đan Mạch) sẽ đóng vai trò một “chất thử” đo mức độ tin cậy trong các cam kết của các chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu là khí CO2 thải ra từ việc đốt nhiên liệu hoá thạch.

Tại Hội nghị G-20, dù còn nhiều bất đồng, nhưng đa số đại biểu tham dự cũng đều cho rằng, cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng giải quyết những mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy các nỗ lực để thiết lập khuôn khổ mới thay thế Nghị định thư Kyoto.