Nỗi lo nấm độc nguy hại

ThienNhien.Net – Theo Tạp chí New Science cho biết, một loại nấm độc nguy hại đang lan rộng trên các cánh đồng lúa mì từ Châu Phi sang Iran và có thể sẽ xuất hiện ở Pakistan, nơi dân cư sống chủ yếu dựa vào lúa mì.

Mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm này gọi là Ug99, bắt đầu xuất hiện ở Uganda năm 1999, sau đó lan sang Kenya năm 2001, Ethiopia năm 2003 và sau đó là Yemen. Mầm bệnh này được phát tán nhờ gió từ Cyclone Gonu vào tháng 07/2007.

Theo nguồn tin từ Anh, loại nấm này hiện đã được tìm thấy ở Iran và có thể sẽ xuất hiện ở Pakistan. Nếu đúng như vậy thì đây là một tin tồi tệ vì Pakistan không chỉ chủ yếu sống dựa vào lúa mì mà còn là cửa ngõ lúa mì của châu Á, trong đó có cả vùng trọng yếu Punjab.

Các chuyên gia cũng đã tiến hành một cuộc họp ở Syria để đưa ra những biện pháp kịp thời nhằm theo dõi và kìm hãm sự phát triển của Ug99 bằng cách phun thuốc diệt nấm hay đề nghị nông dân ngừng hẳn việc trồng lúa mì trên các ruộng đã có mầm bệnh.

Lo sợ loại nấm Ug99 có thể tấn công vào vựa lúa mì của mình, Canada và Mỹ đã khuyến khích các nông trại tăng cường loại gen có khả năng kháng Ug99 ở lúa mì.

Tuy nhiên, một số báo cáo cho biết, để thực hiện được công việc này cần ít nhất 5 năm để theo dõi diễn biến kháng bệnh trên nhiều giống lúa mì lai khác nhau mà có thể thích ứng với điều kiện thời tiết từng vùng, và sau đó còn đợi cho các giống này đủ lớn để trồng lại các cánh đồng lúa mì từng bị loại nấm này xâm hại.

Theo ông Rich Ward, Viện lương thực và lúa mì tại Mexico, người có vai trò chủ chốt trong cuộc Cách mạng Xanh, đã phát biểu rằng: “Người dân sẽ rơi vào cảnh nghèo đói nếu nấm Ug99 phá hoại mùa màng và đẩy giá hạt giống lên cao”.