Tăng trưởng kinh tế và thách thức khoảng cách giàu – nghèo

Trong vòng 10 năm qua, tăng trưởng GDP của nước ta đạt trung bình khoảng 8%/năm. Xét về giá trị tương đối, đây là mức tăng trưởng khá cao, đứng thứ hai châu á (sau Trung Quốc). Tổ chức Lương – Nông Liên Hợp quốc (FAO) từng nhận xét: Bức tranh xóa đói giảm nghèo của Việt Nam thật ngoạn mục. Còn đại diện tập đoàn Intel (Mỹ) khi quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào nước ta đã nói: Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là rất đáng khâm phục. Tuy nhiên, đồng hành với điều đó khoảng cách giàu – nghèo vẫn còn khá lớn.

Tăng trưởng cao

Có được mức tăng trưởng cao và ổn định như trên là nhờ sự nỗ lực vượt khó cùng chính sách mở cửa thông thoáng và sự góp sức của tất cả các thành phần kinh tế. Cũng chính sự tăng trưởng cao, ổn định trong thời gian dài đã giúp nước ta trở thành một trong số ít quốc gia thu hút được sự quan tâm đầu tư của thế giới.

Hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn đa quốc gia đã có mặt ở nước ta. Năm 2007, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã lên tới 21 tỷ USD. Cứ đà này, chẳng bao lâu ước mơ thu nhập 960USD/người/năm sẽ trở thành hiện thực, khi đó thu nhập bình quân của nước ta sẽ thoát khỏi danh sách nước nghèo (mức tình bình quân 900USD/người/năm theo chuẩn quốc tế). Nếu mức tăng trưởng hiện nay được duy trì liên tục thì 10 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài nhiều, song cán cân thương mại nước ta vẫn ở tình trạng nhập siêu, điều này sẽ làm kinh tế mất cân bằng. Xét cho cùng đó cũng là lo lắng hợp lý, song ở thời buổi kinh tế thị trường, không ai có thể một mình một chợ, nếu cứ giữ mãi “chiêu” tự cung tự cấp như trước kia thì thực tế đã chứng minh, một thời gian dài kinh tế nước ta trì trệ, đời sống vật chất và tinh thần thua xa các nước trong khu vực.

Nếu không có công nghệ, nguồn vốn nước ngoài thì một đất nước xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam không thể thoát khỏi đói nghèo chứ chưa nói đến việc vươn cánh trên trường thế giới ở hầu khắp các lĩnh vực như hiện nay. Vì thế, vay nhiều không phải là vấn đề mà điều đáng lo là kinh tế nước nhà có hấp thụ được nguồn vốn vay không.

Và những băn khoăn, lo lắng của ngày hôm qua, thực tế của ngày hôm nay đã trả lời, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo, cao su, hồ tiêu, cà phê hàng đầu. Ngoài ra, các sản phẩm thủy – hải sản của nước ta cũng lọt vào top 10 nước dẫn đầu thế giới. Sản phẩm ngành da, may mặc cũng đã khẳng định thương hiệu Made in Viet Nam, cạnh tranh ngang sức với các quốc gia vốn độc quyền trong các lĩnh vực này. Nếu nhìn ở góc độ tương đối, Việt Nam đã trở thành một ngôi sao mai trên bầu trời kinh tế thế giới.

Khoảng cách vẫn là thách thức

Thành công là vậy, song đồng hành với nó vẫn là khoảng cách giữa các vùng miền. Bởi sự phát triển không đồng đều, sự đầu tư chưa thực sự trải rộng đã tạo ra thực trạng lệch lạc giữa nông thôn và thành thị, mà rõ rệt nhất là vùng núi cao phía Bắc -nơi điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Thách thức còn thể hiện ở khoảng cách giàu nghèo. Cơn bão giá bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài cho đến nay là minh chứng để chúng ta thấy rõ nhất khoảng cách đó. Và những người phải thắt lưng buộc bụng nhiều nhất không ai khác chính là người có thu nhập thấp.

Vẫn biết không thể dễ dàng cân bằng và rút ngắn khoảng cách trên nhưng chúng ta cần đãi ngộ, ưu ái cho những vùng miền còn nhiều khó khăn để họ có thêm sức mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tự thân mỗi người dân phải biết vận động, “cho cần câu chứ không cho con cá” – đó luôn là phương châm đúng trong mọi tình huống. Và bên cạnh đó là một chính sách xã hội hợp lý, tạo điều kiện về vốn, công cụ sản xuất, về nghề nghiệp, học vấn… cho người dân.

Để có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, Chính phủ cần sớm đảo cách, thay vì đầu tư vào vùng đồng bằng, đô thị – nơi có điều kiện thuận lợi, bằng việc đầu tư vào trung du, miền núi, nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng kết cấu hạ tầng còn yếu. Đối với khoảng cách giàu nghèo giữa người dân ở nông thôn và thành thị, cần chú trọng tạo việc làm cho những nông dân bị thu hồi đất để đô thị hoá, xây dựng khu công nghiệp.