Giải quyết ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn

Thời gian qua, không ít lần người dân địa phương bức xúc chặn xe vận chuyển rác và các phương tiện khác lưu thông trên đường Hoàng Văn Thái đến bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng. Nguyên nhân chính là do bãi rác đang làm ô nhiễm môi trường sống.

Cuộc sống của người dân đang bị ảnh hưởng bởi rác

Bãi rác Khánh Sơn có diện tích gần 49 ha thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu do Công ty Môi trường đô thị (MTÐT) Ðà Nẵng tiếp nhận quản lý, khai thác từ đầu năm 2007.

Việc một số người dân có hành động tự ý chặn xe vận chuyển đang lưu thông trên đường Hoàng Văn Thái đến bãi rác Khánh Sơn là vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm. Nhưng qua đây cũng phản ánh một thực tế là con đường Hoàng Văn Thái với lưu lượng xe ô-tô và các phương tiện tham gia giao thông hằng ngày rất lớn, nhưng chưa được chú ý đầu tư nâng cấp.

Từ nhiều năm nay cuộc sống các hộ dân dọc hai bên con đường này luôn phải chịu cảnh “nắng bụi mưa bùn”. Bên cạnh đó bãi rác Khánh Sơn chỉ cách khu dân cư khoảng 300-500 m, nhưng rác thải lại chưa xử lý được mùi hôi thối và nước “cốt” chảy ra gây ô nhiễm môi trường. Nhất là khu dân cư ở đây chưa có nước máy chỉ dựa vào nước giếng đào.

Công tác đền bù giải tỏa vẫn chưa thỏa đáng. Tháng 01/2008, UBND thành phố Ðà Nẵng chỉ đạo Công ty cấp nước phối hợp các bên liên quan tiến hành lắp đặt hệ thống nước máy cung cấp cho 500 hộ dân khu vực Ðà Sơn (đến gần Tết Mậu Tý 2008 đã hoàn thành đưa vào sử dụng).

Cùng thời gian nói trên việc sửa chữa, nâng cấp đường Hoàng Văn Thái được đưa vào kế hoạch. Theo ông Trưởng Ban quản lý phát triển giao thông Ðà Nẵng, do thiếu kinh phí, trước mắt mới nâng cấp được gần 2 km; hiện đang tổ chức đấu thầu và sẽ cố gắng hoàn thành trong dịp cuối năm nay.

Như vậy, trên thực tế việc triển khai được thực hiện không chỉ rất chậm mà còn rất hạn chế về kinh phí… UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND quận Liên Chiểu và các cơ quan liên quan tiến hành xác định cụ thể mức độ ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn để trên cơ sở đó có biện pháp xử lý cụ thể; chọn Công ty Khoa học-công nghệ triển khai lắp đặt lò đốt chất thải y tế (dạng lò tĩnh, công suất 200kg/giờ) thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng theo kế hoạch là cuối tháng 02/2008 (hiện tại đang trong giai đoạn thi công).

Ngày 16/01, UBND thành phố Ðà Nẵng chỉ đạo quận Liên Chiểu tổ chức gặp các hộ dân diện giải tỏa khu vực bãi rác Khánh Sơn để thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về công tác giải tỏa đền bù. Có mặt tại cuộc gặp này, nhận thấy, phần lớn những kiến nghị chính của người dân đến thời điểm đó cơ bản đã được giải quyết.

Chính quyền thành phố tiếp tục tiếp nhận để xem xét những kiến nghị của người dân về những vấn đề mới phát sinh.Trong quá trình thanh tra, kiểm tra về một số trường hợp diện tích đất đền bù, UBND thành phố cho rằng, trước hết người dân phải chứng minh được tính pháp lý trong việc sử dụng đất.

Thiết nghĩ, yêu cầu UBND thành phố đặt ra là đúng nguyên tắc nhưng lại rất khó đối với người dân (nhất là ở khu vực xã mới lên phường) bởi trên thực tế không ít diện tích đất ở nông thôn trước đây mấy ai được cấp và chứng thực đầy đủ bằng văn bản.

Tạo việc làm cho người dân và xử lý ô nhiễm môi trường

Hai vấn đề cơ bản nổi lên cần được tập trung giải quyết tại bãi rác Khánh Sơn, đó là: việc làm cho người dân và xử lý ô nhiễm môi trường.

Trao đổi ý kiến với ông Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty MT-ÐT Ðà Nẵng cho biết: Hằng ngày ở bãi rác Khánh Sơn có khoảng từ 300 đến 400 người (trong độ tuổi lao động khoảng 150 người) tham gia thu gom rác phế liệu. Từ rất lâu, số lao động này và gia đình họ sống nhờ cả vào bãi rác. Mặc dù đã có sự sắp xếp của công ty nhưng tình trạng tranh giành, trộm cắp thường xuyên xảy ra, làm cho trật tự an ninh tại đây hết sức phức tạp.

Cách đây ba năm, UBND thành phố cũng đã xây dựng đề án chuyển đổi việc làm cho những lao động nhặt rác phế thải ở bãi rác Khánh Sơn với mức hỗ trợ một triệu đồng/người và yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực chung quanh tiếp nhận lao động nhưng không đạt kết quả. Công ty MT-ÐT Ðà Nẵng đã tiếp nhận hơn 30 lao động (trong đó khu vực Ðà Sơn là 17 người). Nhưng để chuyển đổi nghề cho những người nhặt rác là không dễ, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc khó có thể hoàn thành kế hoạch của thành phố là đến cuối năm nay không còn người nhặt rác thải trên bãi rác Khánh Sơn.

Cùng quan điểm nói trên, ông Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, Dương Thành Thị cho rằng, nếu không có sự tiếp sức, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thì quận cũng… “bó tay”! Xem ra đến thời điểm này thì mọi động thái chung quanh đề án chuyển đổi nghề hầu như vẫn còn nguyên trong “ý tưởng”…

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, yêu cầu đặt ra ở đây là rác thải (nhất là rác thải y tế) phải được xử lý theo công nghệ tiên tiến với quy mô nhà máy hiện đại. Theo ông Lê Thanh Bình, việc đầu tư kinh phí cho xử lý rác thải còn thấp, chỉ ở mức 19 nghìn đồng/m3).

Năm 2007, công ty đề nghị thành phố nâng mức đầu tư lên 29 nghìn đồng/m3 nhưng chưa được duyệt. Năm 2007, UBND thành phố “đặt hàng”cho công ty trị giá 29 tỷ, năm nay là 32 tỷ trong khi xăng dầu, tiền lương tăng… hạn chế kinh phí hoạt động của đơn vị.

Nhưng, ông Bình cũng cho rằng, chưa hẳn nâng tiền đầu tư xử lý rác thải đã mang lại hiệu quả như mong muốn mà điều cốt lõi là rác phải được xử lý bằng công nghệ tiên tiến (hiện tại vẫn còn xử lý theo công nghệ lạc hậu: chôn lấp).

Việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại ở đô thị Ðà Nẵng đã được nói đến từ hơn 10 năm nay và không ít nhà đầu tư nước ngoài đã đến tận nơi nghiên cứu, xem xét nhưng rồi không hiểu sao “một đi không trở lại”.

Mặc dù các đơn vị chức năng của thành phố có vẻ khá sốt sắng trong việc tìm kiếm nhà đầu tư nhưng cho đến lúc này hầu như chưa có tín hiệu lạc quan từ nhà đầu tư đủ năng lực, “mặn mà” với dự án nói trên.

Có người bảo, Ðà Nẵng một thành phố phát triển khá sôi động, nhất là trên lĩnh vực chỉnh trang đô thị với nhiều dự án lớn – hoành tráng như dự án thoát nước vệ sinh môi trường thành phố với kinh phí hơn 41 triệu USD nhưng có phần “sao nhãng” nhiều dự án nhỏ, trong đó có dự án liên quan trực tiếp đời sống sinh hoạt hằng ngày của hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Mong sao điều này sớm được điều chỉnh…