Nồng độ bụi bẩn ngày một tăng cao

Hà Nội hiện như một công trường lớn, hiện có hơn 1.000 công trình xây dựng lớn, nhỏ được thi công. Trong đó có hàng chục dự án cải tạo, xây dựng các nút giao thông, các khu đô thị mới… kéo dài hàng năm, gây ô nhiễm bụi cả khu vực rộng. Tỉ lệ hộ mắc bệnh chiếm 72,6%.

Ô nhiễm bụi ngày một tăng…

Theo Cục Bảo vệ môi trường, nồng độ bụi bẩn ở HN có nơi vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TTCP) từ 2-4 lần. Ô nhiễm bụi nặng nhất là các khu vực đang xây dựng hoặc cải tạo như Láng – Hoà Lạc, Bắc Thăng Long… Tình trạng ô nhiễm bụi xảy ra cao nhất là vào những ngày hanh khô.

Kết quả quan trắc năm 2005 của Sở Tài nguyên – Môi truờng – Nhà đất (TNMTNĐ) cho thấy, nồng độ bụi tại các khu dân cư gần công trường xây dựng và đường giao thông lớn như khu Kim Liên, Thanh Xuân, Mai Động, Cầu Giấy đều vượt TTCP từ 1,5-3 lần; tại các công trường đang xây dựng nồng độ bụi vượt quá từ 20-30 lần.

Từ đầu năm 2006 đến nay, sở đã tiến hành 2 đợt đo, cho thấy hàm lượng bụi đều vượt TCCP và có xu thế tăng so với đợt đo cuối năm 2005. Kết quả quan trắc ở 7 tuyến đường của quận Cầu Giấy cho thấy, hàm lượng bụi đều vượt TCCP ở tất cả các vị trí đo, tập trung chủ yếu ở đường Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Phạm Văn Đồng, lớn nhất gấp 7,5 lần. Tại quận Đống Đa, hàm lượng bụi đo được ở một số tuyến phố cũng vượt 7 lần TCCP.

Ba tuyến đường thuộc quận Thanh Xuân là Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi và Trường Chinh – trong 2 đợt quan trắc – hàm lượng bụi đo được cũng gấp từ 2-6,75 lần TTCP.

Quận Hoàn Kiếm và Ba Đình cũng đang phải chịu hàm lượng bụi tương đối cao: Kết quả 2 đợt quan trắc tại một số tuyến phố trọng điểm cho thấy, trị số bụi đều vượt quá TCCP 6,3 lần…

Sức khoẻ người dân bị ảnh hưởng

Mật độ xây dựng cao của Hà Nội là tác nhân nghiêm trọng thải ra lượng bụi PM10 lớn (gồm bụi do phá dỡ, thi công công trình, bụi do đốt nhiên liệu thải ra, hoặc do khí axít ngưng đọng lại trên bề mặt của chúng…).

Theo thống kê của Sở GTCC Hà Nội, trên địa bàn TP luôn có hơn 1.000 công trình xây dựng lớn, nhỏ được thi công. Trong đó có hàng chục dự án cải tạo, xây dựng các nút giao thông, các khu đô thị mới, quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài hàng năm.

Sự gia tăng của các công trình xây dựng kéo theo hàng loạt các dịch vụ như kinh doanh vật liệu xây dựng, vận chuyển vật liệu, đất phế thải xây dựng… Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên ô nhiễm bụi trên địa bàn thủ đô.

Qua điều tra, khảo sát của các cơ quan chức năng, hầu hết các biện pháp giảm thiểu bụi được các nhà thầu đưa ra chủ yếu theo kinh nghiệm bản thân, rất thô sơ và chưa đạt hiệu quả cao trong việc giảm bụi. Những biện pháp giảm bụi bắt buộc bên ngoài như hàng rào bao quanh công trường hay màn che chắn cho công trình đều được thực hiện, tuy nhiên bên trong các công trường, chỉ có hai biện pháp chủ yếu được các đơn vị thi công thực hiện là ống gom phế thải xây dựng treo trục đứng và phun nước tưới ẩm. Thực tế, bên trong các công trường xây dựng đều rất bẩn, đất cát chất thành từng đống không được che phủ, phần nền bên ngoài công trình đầy sình lầy…

TS Phạm Lê Tuấn – Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội – cho biết, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy xu hướng sức khoẻ người dân ngày càng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường không khí. Những người có thời gian sống tại thành phố hơn mười năm có tỉ lệ mắc các bệnh mạn tính về tai, mũi, họng, cảm cúm cao hơn những người sống dưới ba năm.

Tại một số khu vực, tỉ lệ hộ mắc bệnh chiếm 72,6% và 43% số người mắc bệnh mạn tính về tai – mũi – họng, viêm mũi dị ứng, hen phế quả, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, các bệnh ngoài da và bệnh về mắt.

Theo GS Phạm Ngọc Đăng – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật môi trường đô thị và khu công nghiệp, Đại học Xây dựng Hà Nội: “Những hạt bụi cỡ 10 micromet và 2,5 micromet đi sâu vào trong các phế nang của phổi, gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho hệ thống hô hấp”.