Miền đá khát

Càng lên những bản cheo leo sườn núi đá như Xùa Nhè Lử, Săm Pun, Lẻng Pù càng thấy mùa này Mèo Vạc (Hà Giang) chỉ có mật ong bạc hà và nước sông Nho Quế là hai dòng chảy còn sót lại ở đỉnh cực bắc.

Đi tìm nguồn nước

Nho Quế thì xa, xa lắm, chảy hút hoáy dưới chân núi đá, đứng trên Mã Pì Lèng, bờ nam, nhìn xuống chỉ thấy một thung mây, giống như ngồi trên máy bay nhìn ra, không thấy sông…

Tháng mười hai Đồng Văn, Mèo Vạc hai huyện núi đá cực bắc mới chỉ là đầu mùa khô mà nước đã khan hiếm vậy. Mùa khô còn kéo dài đến tận năm sau. Cơn khát vắt kiệt những lạch nước hiếm hoi còn lại trong vài khe núi, làm cho cả vùng mênh mông chỉ phơi một màu đá trắng xác…

Nghèo vì đá khát. Ông Lập, Tỉnh ủy viên tỉnh Hà Giang nói, xóa đói giảm nghèo ở các huyện vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc là đi tìm nguồn nước.

Không có nước, năm nào tỉnh cũng lo cứu đói cho bà con, không nói gì đến các mục tiêu phát triển kinh tế. Hộ nghèo, mỗi khẩu được cấp cứu đói hai lần trong năm, mỗi lần mười cân gạo. Tìm nguồn nước để sản xuất là việc khó, khó lắm. Nói như ông Lập là bí lắm…

Mới rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên chỉ đạo Hà Giang, bài toán nước lại được đặt ra trên bàn hội nghị. Trước mắt, Thủ tướng đồng ý cấp cho tỉnh 22 tỷ làm 12 bể nước treo để tích nước, cấp nước cho bà con những vùng khô cạn.

Nhưng, ông Lập nói, có khi cũng chỉ triển khai được vài ba bể treo trong số 12 bể Thủ tướng cấp kinh phí, bởi tìm ra khe núi đá để xây bể treo đâu phải dễ. Phải khảo sát nguồn nước, dù chỉ là mạch nhỏ thì mới có thể xây bể. Nếu không khảo sát kỹ, xây xong, thì bỏ bể khô…

Rồi vượt dốc lên đỉnh cực bắc, đi chìm dần vào con đường trong mây núi để đến vùng được xem là khát quanh năm… Ở đỉnh Xín Cái, trung úy bộ đội biên phòng Phạm Trung Hoài dẫn đến thăm cột mốc 476 rồi, thả bộ chừng hai trăm mét đến gờ núi có tầm nhìn rộng, bao quát để ngắm quang cảnh bên kia xứ bạn.

Vẫn là núi đá pha chút đất chạy dài từ Xín Cái vắt sang, nhưng bên ta là núi hoang, cây dại, với những chòm bản chơ vơ như người cởi trần đứng trên núi đá, còn bên bạn núi được phủ xanh, làng với những nóc nhà thấp thoáng trong rừng và con đường trải nhựa chạy theo bình độ núi phủ xanh nhìn mát mắt.

Ở đây, phía sau lưng, nghĩa là bên cạnh cột mốc biên giới một đoạn ngắn, có gia đình người Hmông đang trình tường, đẽo cột dựng nhà.

Ngôi nhà mới sẽ dựng ở lườn núi chóp nón cực bắc, như chiếc mũ nhỏ bé đội trên đầu đất nước. Chủ của chiếc mũ này là ông Chảng, trung niên, phong phanh áo chàm trong gió se lạnh, đang đẽo những cây sa mu cỡ bắp đùi người lớn để dựng làm cột nhà.

Ông nói, gỗ này do ông trồng, mười năm rồi đấy. Khi được hỏi, bản ta còn nhiều người trồng sa mu không? Ông lắc đầu, không, chỉ có người đi chặt cây làm củi đốt thôi. Củi sa mu cháy thơm lắm.

Ông Chảng rót bát nước màu vàng nhạt mời khách: Chè núi đá đấy, ngon lắm, uống thấy ngọt trong họng. Ngày trước núi rợp bóng cây sa mu, chè bị cớm nắng không ngon. Nay chỉ còn núi đá không thôi, chè cằn, nước ngọt. Nhưng núi không có cây thì sống khổ lắm, lấy nước đâu mà dùng? Ông cười, không khổ, không phải người Hmông.

Trong lúc ngồi uống nướcc, thấy dọc cột bếp ngôi nhà cũ của ông Chảng có chiếc nỏ ám khói bếp đen hun. Biên giới đang là những ngày thanh bình, người canh giữ chỉ có trong tay thứ vũ khí cổ xưa thường chỉ để bắn chim.

Từ Xín Cái, đến Phố Là, thuộc Phó Bảng, quê hương của hai ngàn người Pù Péo còn lại trên đất nước. Nơi đây, đường biên giới chạy dọc nóc núi. Sườn đông, bên ta chỉ có đá, cỏ và những bãi đất pha đá đỏ au, thấp thoáng một vài bóng cây. Sườn bắc, bên bạn là rừng cây sa mu xanh tốt.

Ông Củng Chuẩn Tráng, người Pu Péo, Phó chủ tịch xã, dẫn đi thăm bà con trong bản, gặp những người vác gỗ từ đỉnh núi đi xuống. Ông bảo, bà con đi mua gỗ bên Trung Quốc đấy, 30 ngàn đồng một cây, để làm cột nhà.

Đi dọc vùng đỉnh, đứng bên ni, ngó bên tê, thấp thoáng thôi, rất có thể chúng ta tìm được cách giải bài toán nước vốn rất khó ở miền đá khát này, ấy là cách giải mà Bác Hồ đã dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây”.

Chợt nghĩ đến quãng thời gian ngắn hơn, bằng tuổi của cây sa mu ông Chảng làm cột nhà trên đỉnh Xín Cái mà thôi, nếu vùng cực bắc trở thành một lâm trường lớn.

Thay vì hàng năm Nhà nước vẫn cấp gạo cứu đói 60% hộ nghèo trong mùa giáp hạt dài 6 tháng cho bà con ngồi chờ mưa thì nên chăng có kế hoạch dài hạn mười năm, cấp gạo cả năm để bà con trở thành công nhân đại lâm trường phủ xanh vùng đá?

 
Sông nho Quế mùa cạn. (Ảnh Đỗ Doãn Hoàng).

Giải bài toán nước từ trồng cây thiết nghĩ là cơ bản và lâu dài. Không có rừng thì ngay cả hệ thống thủy điện đang triển khai ở bên cầu Tràng Hương, trên sông Nho Quế, với tính toán bơm liên tiếp năm bậc đưa nước lên phục vụ nhu cầu dân sinh chỉ cho thị trấn Mèo Vạc đã tốn 5 tỷ đồng/năm, cũng chỉ là cách tính cua trong lỗ. Bởi hết rừng, dọc sông còn đá là đá, thì nước cho máy phát điện rồi cũng phải chờ trời!

Gieo chữ trên đá

Ở lưng con dốc lên Đồn Biên phòng Săm Pun, gặp chú bé Hmông ôm con lợn nhỏ như cái phích nước, nói là xuống chợ Mèo Vạc họp vào ngày mai. Ở đây đi chợ thường mất hai ngày… Chú bé nói rằng, chú nghỉ học để đi chợ, khi về sẽ được cô giáo dạy học tiếp…

Về việc học ở vùng cực bắc, ông Phó chủ tịch phụ trách văn hóa giáo dục huyện Đồng Văn, Cù Huy Man kể cứ mỗi lần về quê thăm ông bà nội ngoại, gặp bà con trong bản, mình tự thấy ngượng.

Vì mình bị sức ép của cấp trên không cưỡng lại được, nên làm liều, khai không đúng sự thật là đã hoàn thành việc phổ cập cấp một để lấy thành tích giáo dục.

Thực tế, nhiều người cầm tờ giấy chứng nhận phổ cập cấp một về nhà, dán ngược mà không biết. Cả Đồng Văn, Mèo Vạc đều như nhau vì để học sinh học mất gốc.

Trừ vài trường tập trung ở thị trấn huyện, còn trường xã, trường bản hầu hết học sinh lớp năm mới chỉ biết vẽ chữ, nhìn chữ cô giáo trên bảng thì vẽ theo…

Đi đến các xã Xín Cái, Tả Phìn, Lũng Cú, Phố Là, thấy ở những địa bàn xa khuất trên vùng cao này, nơi nào cũng có điện, có nối mạng internet, có sóng điện thoại di động, trụ sở, trạm xá và trường cấp một hai xây dựng khang trang, thường là hai tầng, bàn ghế mới, đẹp và sạch.

Cơ sở vật chất của các xã vùng cao cực bắc đầy đủ, bề thế hơn nhiều các xã đồng bằng, trung du. Ấy là chưa kể hệ thống giao thông từ huyện xuống xã, từ xã xuống bản mới được khai mở, nơi đã trải nhựa, nơi còn rải cấp phối, thậm chí có nơi mới thông luồng… nhưng, tất cả đều là những công trình, nói như các cô giáo vùng xuôi mới lên cực bắc, là kỳ quan trên vách đá…

…Sau đó, được gặp bảy cô giáo vùng xuôi lên dạy cấp một hai ở Xừ Nhè Lử mới hiểu thêm cái học khó ở vùng cực bắc thật sự là sự bất cập của giáo dục đại trà, chưa có chương trình thật phù hợp với học sinh dân tộc vùng cao.

Là thế này, các em vào lớp một hầu hết chưa biết tiếng phổ thông, nên chỉ học nghe, học nói như là học ngoại ngữ, hết cả năm vẫn chưa thạo, nói gì đến học chữ.

Ấy là chưa kể, một lớp học có học sinh của ba, bốn dân tộc khác nhau, nói tiếng khác nhau, chưa biết tiếng phổ thông, cô giáo dạy thế nào đây để hoàn thành chương trình quy định trong sách giáo khoa, trong khi sách giáo khoa vàchương trình không có giờ nào cho học sinh lớp một học ngoại ngữ tiếng phổ thông cả.

Các em đọc chưa thông, viết chưa thạo, nhưng cuối năm vẫn cứ phải đẩy lên lớp trên, phần vì để cô giáo lớp trên có học sinh mà dạy, phần vì phải hoàn thành kế họạch đã được phân bổ… Nhiều em học đến lớp năm, nghĩa là cuối cấp một vẫn vẽ chữ là vậy.

Các em lên cấp hai, kéo theo lỗ hổng kiến thức từ cấp một, tiếp tục kéo lê lên lớp chín. Học xong lớp 9, các em buộc phải đi học xa nhà, nhiều em phải xuống tỉnh học tập trung, vì xã và huyện chưa có hoặc không đủ chỗ học cho đối tượng học sinh này.

Đi học tập trung Nhà nước nuôi ăn, cấp quần áo mặc, còn các sinh hoạt phí chừng độ 50 nghìn đồng một tháng bà con cũng không lo được, nhiều em bỏ học. Bỏ học một vài năm thì học lực lớp chín đọc tờ báo cũng còn đánh vần.

Phó bí thư đảng ủy xã Xín Cái, anh Nguyễn Hữu Dậu nói với chúng tôi về cải cách giáo dục nang cao chất lượng học sinh ở nơi anh là phải làm lại từ đầu, nghĩa là, lớp năm có thể dạy lại từ lớp một…

Bên trong trường lớp được xây dựng khá khang trang cùng với sự ưu đãi đặc biệt là dân nuôi, Nhà nước nuôi ăn học nhưng chất lượng học sinh còn thấp. Vì sự bất cập của chương trình học.

Ở đây, con em các dân tộc vùng cực bắc cần một chương trình học phù hợp, có tính đặc thù, chứ không thể học đại trà, để lớp 9 đọc báo vẫn phải đánh vần…

Lên Mèo Vạc, Đồng Văn đường sá khó khăn, nhưng các nhà cải cách giáo dục nếu cần đi, thì cũng chỉ mất một ngày đi từ Hà Nội là tới.

Một khoảng cách chỉ cần ba ngày cho một chuyến công tác, mà cớ sao bao nhiêu năm nay cả một vùng trọng yếu của đất nước trẻ em có nguy cơ thất học mà các nhà giáo dục tâm huyết đã bỏ quên?

Cái khó bó cái khôn, theo ông Phó Bí thư huyện ủy Mèo Vạc lại khởi từ cái sự có học mà vẫn như thất học này. Thiếu nhất của vùng cực bắc bây giờ là tri thức, thiếu lớp trẻ có học hành tử tế để đào tạo cán bộ, để hướng dẫn cho bà con thay đổi lối canh tác sao cho có hiệu quả.

Chuyện mười mươi ai cũng biết, đó là cây ngô trên núi đá Đồng Văn, Mèo Vạc vẫn là giống ngô, giống đậu bà con quen trồng từ mấy chục năm nay, đã thoái hóa dần, hạt càng ngày càng nhỏ, càng lép.

Bảo bà con trồng giống mới, thì phải có người hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, miệng nói tay làm, để bà con noi theo, chứ không thì bà con cứ làm theo cách cũ.

Chăn nuôi cũng vậy, con lợn vùng cao bây giờ thoái hoá, nhỏ như cái phích nước, nuôi mấy cũng không làm giàu được. Sự đổi đời của vùng cao cần văn hóa, mà văn hoá thì… Ông Phó Bí thư nói, học hành cứ như đánh đố, nhiều nơi có cũng như không.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tuyên dương các nhà giáo đang bám bản, bám trường lớp, bám trò trên vùng cao cực bắc nhiều thách thức này.

Họ, đội ngũ giáo viên có từ 47 đến 52 người ở một xã là tập thể trẻ trung, tươi tắn, lành mạnh làm sinh động các bản làng. Không chỉ dạy chữ, mà phong cách, lối sống của các nhà giáo là những tấm gương ảnh hưởng không ít đến bà con trong việc tổ chức cuộc sống mới ở các bản làng.

Hầu hết trong đội ngũ giáo viên ở đây là nữ giáo viên trẻ, mới tốt nghiệp ở các trường sư phạm. Buổi trưa, do đường sá khó khăn, bị lỡ, lại được các cô giáo gặp trên đường thịnh tình mời cùng dùng bữa.

Cơm rau muối thôi, nhưng mấy cô giáo ngồi ăn cũng không yên. Đang ăn thì có bà con dân tộc đến cửa gọi một cô ra nói gì đó. Cô giáo vội buông bát đũa, đeo cái túi vải đi ngay. Thì ra, cô phải vào bản gấp, vì nghe tin có mấy em chiều nay định đi chơi mà không đến lớp. Cô phải đến từng nhà khuyên các em đi học…

Trên thời khóa biểu của các cô hàng ngày, thấy ngày nào cũng có hai chữ bám bản. Không bám bản để vận động, giữ chân học sinh thì không còn trò mà dạy. Đi gieo chữ trên đá, nhiều cô đã ở tuổi hăm nhăm, hăm bảy mà vẫn chưa nghĩ đến chuyện chồng con.

 
Bạn già. (Ảnh Đỗ Doãn Hoàng).

Người thổi khèn Hmông về phố

Sáng chủ nhật, theo lệ ở vùng biên giới là họp chợ. Nói như ông Vàng Chứ Dính, Trưởng phòng Văn hoá-Thể thao-Du lịch huyện Đồng Văn, thì chợ ở đây là nơi phô diễn văn hoá của bà con các dân tộc.

Bao nhiêu cái hay, cái đẹp cất giấu trong làng bản đều đem ra chợ để phô diễn và giao lưu với bạn bè. Chợ huyện chia làm ba khu, một để bán rau quả, hàng xén loại rẻ tiền. Một để mua bán, trao đổi lợn, gà, bò, dê. Quá nửa chợ còn lại khói bếp đun thắng cố nghi ngút. Chợ văn hoá ngày xưa giờ chỉ có người mua bán, và người túm tụm uống rượu mà thôi.

Ông trưởng phòng Vàng Chứ Dính nói, Đồng Văn, Mèo Vạc là quê hương người Hmông, nhưng chỉ còn có một người là Giàng Lũng Sài là biết chơi các nhạc cụ của người Hmông mà thôi.

Hát cũng vậy, các cụ bảo người Hmông có 360 điệu hát, riêng hát trong đám hiếu bài Phát đường cho người chết đã có đến hàng trăm điệu, nhưng cả vùng tìm không ra người hát được vài chục điệu…

Kho tàng văn hóa phong phú và rực rỡ của các dân tộc vùng cao hao khuyết dần, rơi vãi dần một phần do đời sống khó khăn, phần nữa do thiếu đi chính sách bảo tồn ở tầm vóc quốc gia.

Vài chục năm trước chúng ta từng vui mừng reo lên, Người Mèo có chữ rồi. Nay ở chính quê hương của người Hmông không còn người biết chữ của ông bà, bởi không có người dạy.

Ở trụ sở xã Lũng Cú, ông Phó chủ tịch xã tìm đưa cho chúng tôi xem một đống sách song ngữ Việt-Lô Lô, Việt – Hmông còn mới, bảo ồ sách nhiều lắm, trên phát cho mà, nhưng không có người biết đọc.

Một dân tộc đánh mất chữ viết của chính mình, thì văn hóa cũng mất theo là điều dễ hiểu. Khôi phục, giữ gìn làm giàu có kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam sau các nghị quyết của Đảng, cần chính sách cụ thể, chứ không thể nói chung chung rồi bỏ lửng là được.

Trong những ngày công tác ở hai huyện cực bắc, thật may mắn được dự ngày lễ trọng thể kỷ niệm 45 năm ngày thành lập huyện Mèo Vạc.

Trong buổi lễ, Ban tổ chức đón được cụ Sùng Đại Dùng, nguyên Bí thư Huyện ủy trong nhiều khóa, một người khá nổi tiếng, tên tuổi vang lừng trên nhiều trang báo bởi thành tích gắn bó sâu sắc với quê hương, đặc biệt là thành tích lập các dự án xin cấp trên cấp kinh phí để xây dựng vùng sâu, vùng xa.

Ông lên diễn đàn nói những lời tâm huyết về tuổi trẻ phải gắn bó với quê hương làm nhiều người xúc động, vỗ tay không ngớt. Nói chuyện với ông trong cuộc liên hoan có rượu ngô và thắng cố. Dùng bữa đang dở dang thì ông xin phép ra về, vì đã có xe đón về thị xã. Đã nghỉ hưu nhưng ông còn bận nhiều việc lắm, đang nghiên cứu về văn hoá dân tộc Hmông, để mong sao truyền thụ được cho lớp trẻ.

Để tiện và giành nhiều thời gian cho công việc, ông đi bước nữa, lấy bà vợ người Kinh trẻ hơn một giáp, để lo cơm nước, và ở dưới thị xã cho gần sách báo. Lúc chia tay, hỏi ông có biết thổi khèn Mèo không? Cụ bảo, biết chứ, nhưng dưới thị xã thì thổi cho ai nghe, còn lên Mèo Vạc thì phải có xe đón mới đi được…