Giếng Tanh – Làng Văn hoá dân tộc Cao Lan

Thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú (Yên Sơn) – một làng quê trù phú, nên thơ…chỉ cách thị xã Tuyên Quang 7 km. Theo các tài liệu lịch sử, người Cao Lan đã định cư ở đây được gần 200 năm, đến nay vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa độc đáo, thuần khiết.
 
Cụ Hoàng Trường Vinh, năm nay ngoài 80 tuổi, giữ cương vị chủ tế hơn 10 năm qua tại đình làng Giếng Tanh kể: Từ xa xưa, người Cao Lan đã biết khai phá đất hoang làm ruộng, cấy những loại lúa đặc sản, như lúa Hu Lao, nếp cái để làm nên loại rượu có hương vị độc đáo. Nhà ở của người Cao Lan chủ yếu là nhà sàn. Bàn thờ tổ tiên đặt ở đầu nhà nhìn ra hướng cửa. Dưới bàn thờ là một khoảng sàn nhỏ được lát gỗ hoặc trải chiếu dành cho việc làm lễ. Ở góc nhà bên trái thường là bàn thờ “ma ham” hay hương hỏa.

Người Cao Lan có nhiều truyện cổ được ghi chép bằng chữ Hán, hoặc truyền miệng; có khá nhiều điệu múa, như múa chim gâu, múa xúc tép, múa cờ, múa khai đèn… Nhạc cụ có đủ bát âm gồm có: trống, chiêng, chuông, chập xeng, thanh la, kèn tổ sâu, sáo, nhị.

Hiện nay người Cao Lan ở Kim Phú vẫn còn nhiều dòng họ như: Nịnh, Trần, Lục, Lý, Lâm, Trương, Hoàng. Lễ hội đình làng Giếng Tanh đã có từ rất lâu đời, được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đình Giếng Tanh thờ hai vị tướng của vua Hùng là: “Đức vua cả Ngọc Sơn quân linh ứng đại vương” và “Đức vua cả Nghiêm Sơn trung chính lệnh ứng đại vương”. Ngoài ra đình còn thờ Quốc Mẫu Thiểm Hoa công chúa, các vị thần phụ trợ cho nghề nông phát triển như Thần Nông, Thần Thổ Địa, Long Vương và bà Lương Thị Hai, tương truyền là người đã cung cấp nước cho nghĩa quân đánh giặc.

Đình được dựng trên một bãi đất bằng phẳng thuộc cánh đồng Kim Phú. Mặt trước quay hướng bắc, có suối nước chảy. Phía sau đình tựa vào núi Nghiêm, bên tả là núi Là, bên hữu là làng xóm của người Cao Lan. Đình có 3 gian, khung bằng gỗ, lợp ngói. Gian chính giữa đặt một hương án sơn son thiếp vàng, có nhiều hoa văn được chạm khắc tỷ mỉ, nổi bật là phần trên hương án chạm một đôi rồng chầu nhật nguyệt, xung quanh đôi rồng là các dải mây uốn lượn nhẹ nhàng. Gian hậu cung có một bệ thờ xây bằng gạch cao khoảng 2 mét, xung quanh bệ thờ có hoành phi, câu đối chạm trổ bằng gỗ mít. Nơi cao nhất đặt bài vị của hai vị thần Thành Hoàng.

Lễ hội đinh làng là dịp để cộng đồng người Cao Lan gặp gỡ nhau, cùng nhau ôn lại lịch sử của dân tộc, cầu chúc cho cuộc sống được thuận lợi, mùa màng tốt tươi và đặc biệt là tạ ơn những người đã có công bảo trợ dân làng làm ăn yên ổn.

Trong lễ hội, bên cạnh các trò chơi như kéo co, đẩy gậy, ném còn… thì không thể thiếu làn điệu Sình Ca. Theo truyền thuyết của người Cao Lan, người sáng tạo ra các bài hát Sình Ca là nàng Lưu Ba (Lauslam), mối tình trắc trở của nàng với người mình yêu đã thôi thúc nàng sáng tác thành nhiều tập hát ví (hát 36 ngày đêm không hết). Giọng hát của nàng làm “con suối ngừng chảy, con chim ngừng hót”. Tiếng hát của nàng làm “người giàu phải thương người chia của, người tàn ác nghe trở thành người thiện”. Trong cuộc sống hôm nay, hát Sình Ca vẫn là nét sinh hoạt văn hoá tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội. Những người trung tuổi thì hát để so tài cao thấp, còn thanh niên thì hát để làm quen nhau, giao duyên, tỏ tình. Từ những cuộc thi hát, nhiều thanh niên nam nữ đã nên vợ, nên chồng.

Vị trí của thôn Giếng Tanh có nhiều điều kiện thuận lợi: Cách Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm 5 km, cách Khu du lịch sinh thái Thác Bà của tỉnh Yên Bái 13 km. Trong vòng bán kính 20 km còn có nhiều điểm di tích, đền chùa nổi tiếng của thị xã Tuyên Quang như đền Thượng, chùa Hang, núi Dùm, suối Đát. Như vậy, Giếng Tanh – thôn sẽ là nhịp cầu nối tour du lịch trong và ngoài tỉnh. Trong quy hoạch đầu tư phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2006 – 2010, làng Giếng Tanh được phát triển thành Làng Văn hoá – Du lịch.