Cần quy hoạch vùng trồng cao su

ThienNhien.Net – Lợi nhuận thu được từ cây cao su thường ổn định và khá cao nên nhiều địa phương dễ xảy ra tình trạng nhà nhà trồng cao su, người người trồng cao su. Nhằm phát triển cây cao su theo hướng bền vững, nhiều ý kiến cho rằng các ngành chức năng cần quy hoạch vùng trồng cao su hợp lý và mạng lưới sơ chế cao su ở địa phương để đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy, đồng thời sản xuất chủng loại cao su nguyên liệu theo nhu cầu thị trường.

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn phát triển cao su bền vững do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia tổ chức tại Bình Phước hồi cuối tháng 3/2011. Theo TS. Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, tuy đạt được một số thành tựu  nhưng ngành cao su Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh, phát triển chưa bền vững và tính cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Do đó, bên cạnh biện pháp quy hoạch nêu trên, cần chủ động, tăng cường xuất khẩu chính ngạch và đa dạng hoá thị trường đồng thời phát triển thị trường trong nước, tiến tới xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam.

Ảnh minh họa: Báo Đăk Lăk

Ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cũng cho biết, cao su là cây trồng dài ngày, vì thế để ngành cao su phát triển bền vững, chúng ta cần đưa những loại giống có trữ lượng mủ cao, chất lượng tốt vào trồng tại những vùng mới, tư vấn hỗ trợ cho bà con nông dân, doanh nghiệp về cách bón phân, xử lý sâu bệnh, tránh tình trạng khai thác khi cao su chưa đến tuổi, đồng thời sớm đưa ra chiến lược ổn định giá cho cây cao su.

Năm 2010 giá trị cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với kim ngạch 2,388 tỷ USD. Cao su trở thành nông sản xuất khẩu thứ 2 sau gạo và đứng thứ 4 trên thế giới.