Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại Quảng Bình

Quảng Bình có diện tích đất đai nông nghiệp khá dồi dào với khoảng 67.500 ha, trong đó, đất trồng cây hàng năm 43.500 ha, đất trồng cây công nghiệp 13.000 ha, đất vườn tạp 9.000 ha và đất vùng trồng cỏ chăn nuôi gần 2.000 ha.

Do điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt nên sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích gieo trồng còn thấp, mới đạt trên 18 triệu đồng/ha (bằng 70% mức bình quân của cả nước)…

Trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình canh tác thí điểm, số diện tích có giá trị thu hoạch đạt trên 30 triệu đồng/năm/ha ngày một tăng.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.700 ha đạt mức thu 30 triệu đồng trở lên, cao nhất là Quảng Trạch gần 1.100 ha, Lệ Thuỷ 857 ha, Quảng Ninh 785 ha, Đồng Hới 150 ha, Bố Trạch 505 ha, Tuyên Hoá 334 ha. Một số mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao là đất 2 vụ lúa kết hợp với trồng rau vụ đông (bí, ngô, dưa chuột…) với diện tích 750 ha ở các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Quảng Trạch… cho giá trị từ 40 đến 50 triệu đồng/ha, tăng 25 triệu đồng so với trước khi chuyển đổi.

Đất ở vùng chiêm trũng sản xuất 1 vụ lúa, kết hợp với lúa tái sinh và nuôi cá với diện tích 1.060 ha cho thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/ha, tăng 30 triệu đồng/ha so với việc canh tác cũ. Mô hình đất 3 vụ màu ở các vùng đồi, biền bãi ven sông với diện tích 600 ha đã thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng. Mô hình đất trồng lúa 2 vụ và trồng thêm ngô đông với 75 ha ở Quảng Trạch , Bố Trạch cho thu 30 triệu đồng/ha, tăng 8 triệu đồng so với khi chưa chuyển đổi…

Tuy nhiên số diện tích có thu nhập 30 triệu đồng/năm/ha còn ít, mới có 3.700 ha, chỉ chiếm 5,5% tổng số đất nông nghiệp hiện có. Nhiều vùng đất đai phong phú nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại còn hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo cao.

Mục tiêu mà ngành NN- PTNT đề ra là đến năm 2010 có 9.500 ha (chiếm 15% diện tích đất nông nghiệp) đạt giá trị thu nhập trên 30 triệu/đồng/ha. Từ cuối năm nay, các huyện, thành phố triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi với chỉ tiêu 5.200 ha, trong đó Quảng Trạch 1.300 ha, Bố Trạch 1.300 ha, Lệ Thuỷ 1.100 ha …

Những hình thức chuyển đổi được xem phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở Quảng Bình mang lại hiệu quả là chuyển đất 2 vụ lúa thành 2 vụ lúa và một vụ ngô đông, một vụ lúa chính vụ, một vụ lúa hè-thu và nuôi cá (hoặc vịt); chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản; đất 2 vụ ngô một vụ lạc; đất trồng màu chuyển sang trồng hoa, dưa hấu và rau…

Trong đó mô hình được áp dụng phổ biến nhất, mang lại hiệu quả cao hiện nay là một vụ lúa chính vụ, một vụ lúa tái sinh và thả cá (hoặc vịt). Mô hình này đã áp dụng thành công ở Lệ Thuỷ và Quảng Trạch trên diện tích 1.060 ha, cho thu nhập bình quân gần 51 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình thứ hai được khuyến cáo nông dân cần nhân rộng là đất 2 vụ lúa kết hợp với một vụ rau màu (bí ngồi, dưa chuột, khoai lang …). Vừa qua các xã vùng ven Quốc lộ 1A đã áp dụng thành công với trên 760 ha, cho thu nhập 40 đến 50 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình thứ ba có thể áp dụng để chuyển đổi là đất trồng ba vụ màu với cơ cấu ngô đông, lạc xuân, đậu xanh hè thu hoặc lạc xuân hè, đậu xanh, ngô đông… cho thu nhập bình quân 32 triệu đồng/ha/năm.

Một hình thức chuyển đổi nữa là đất trồng lúa năng suất thấp chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, được áp dụng mạnh cho thu nhập khá cao, xấp xỉ 50 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có hộ thu trên 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên việc đầu tư khá lớn (200 triệu đồng/ha) và sản xuất khá bấp bênh (nhất là nuôi tôm sú) nên chưa được người dân hưởng ứng. Vừa qua Sở Thuỷ sản đã chuyển giao kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, cá chim trắng, tôm thẻ chân trắng mang lại thành công.

Để tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vừa qua UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành một số chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật và thông tin thị trường. Trong năm 2007, UBND tỉnh đã hỗ trợ 320 triệu đồng cho giống cây vụ đông, 150 triệu đồng cho chỉ đạo, chuyển giao kỹ thuật và gần 350 triệu đồng để nhân rộng mô hình. Các năm tiếp sau mức hỗ trợ sẽ cao hơn và tập trung cho các mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.