Rác thải điện tử

ThienNhien.Net – Rác thải điện tử ngày càng gia tăng cả về khối lượng và tốc độ phát thải. Điều này khiến người tiêu dùng, chính phủ và các ngành công nghiệp phải đối mặt với một mối đe doạ về sự an toàn và trong lành của môi trường.

Trong bản báo cáo “Xuất khẩu độc hại”, nhóm Seattle thuộc tổ chức hoạt động môi trường Basel Action Network đã tiết lộ rằng khoảng 80% lượng rác thải điện tử chuyển tới các nhà máy tái chế ở Mỹ thực tế lại không được tái chế tại đây mà lại xuất khẩu sang Châu Á, chủ yếu là sang Trung Quốc. Tại đây rác chưa qua xử lý được nấu chảy trong những điều kiện gây hại tới môi trường bao gồm cả việc nấu và làm nóng chảy các bảng mạch máy tính với khối lượng rất lớn.

Vào tháng 3/2007, Trường đại học LHQ, Chương trình Môi Trường LHQ, Hội Thảo LHQ về Thương Mại và Phát Triển, số đông các cơ quan chính phủ và các nước có nền công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới đã đề ra chương trình Giải Quyết vấn đề Rác thải điện tử (StEP). Đây là một chương trình hợp tác giữa các khối nhà nước và tư nhân trên toàn cầu với mục tiêu định hướng các chính sách của các chính phủ trên toàn thế giới và đề ra các vấn đề liên quan tới thiết kế lại và kéo dài tuổi thọ sản phẩm, tái sử dụng, tái chế, và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển

Khách hàng cũng là một nhân tố quan trọng để giải quyết vấn đề này bởi họ đang thải ra những sản phẩm điện tử với một tốc độ chưa từng thấy. Cục Bảo Vệ Môi Trường của Mỹ EPA ước tính rằng chỉ có 12,5% (hay 330 pound) trong số 2,63 triệu tấn rác thải điện tử thải ra ở Mỹ vào năm 2005 là được dùng để tái chế. 87,5% lượng rác còn lại được chôn lấp hoặc thiêu đốt. Biện pháp này gây ra những nguy hiểm tới sức khoẻ cho con người và môi trường, đồng thời lãng phí những kim loại và vật liệu ngày càng đắt đỏ trong khi vẫn có thể tái chế được.

“Phế thải điện tử là một trong những thành phần gia tăng nhanh nhất trong luồng rác thải toàn cầu và thậm chí có thể nói rằng nó là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất”. Theo nghiên cứu của Cơ Quan Môi Trường Châu Âu EEA, khối lượng rác thải điện tử tăng nhanh gấp ba lần so với các dạng rác thải đô thị khác. EEA còn ước tính rằng tổng khối lượng phế thải điện tử có thể lên tới xấp xỉ 40 triệu tấn “đủ để lấp đầy một dãy xe thùng có độ dài bằng một nửa chu vi Trái Đất”.

Hơn nữa, việc sản xuất ra các loại máy tính để bàn, xách tay, cầm tay mà chúng ta ngày càng ưa chuộng và phụ thuộc lại đòi hỏi cực nhiều nguyên liệu và năng lượng. Theo như một ấn bản đồng tác giả của giáo sư Rueidiger Kuehr, Đại học LHQ xuất bản năm 2004 thì để sản xuất một chiếc máy tính cá nhân nặng 24kg có kèm màn hình cần một lượng hoá chất và nhiên liệu hoá thạch ít nhất gấp 10 lần khối lượng của nó. Việc sản xuất như vậy đòi hỏi nhiều nguyên liệu hơn hẳn việc chế tạo ra một chiếc ôtô hay một chiếc tủ lạnh khi chúng chỉ cần một lượng nhiên liệu hoá thạch gấp 1 đến 2 lần khối lượng của chúng.”

Việc đổi mới các sản phẩm điện tử nhanh chóng vốn là một đặc tính của ngành công nghiệp điện tử nhằm đáp ứng các kỳ vọng của khách hàng. Năm 2004, một nửa số hộ gia đình tại Đức được trang bị máy tính cá nhân và con số này đã tăng lên 3/4 vào cuối năm 2006. Ở Nhật tỉ lệ này cũng là 75% (trong khi đó ở Niger là 0,7%; ở Ấn Độ là 1,2 %; ở Bolivia là 2,3% và ở Trung Quốc là 4,1%). Việc bán các sản phẩm điện tử trên thị trường được dự doán sẽ tiếp tục tăng ở cả các thị trường đang phát triển hay ở các nước công nghiệp bởi tại đây người tiêu dùng có xu hướng muốn sở hữu nhiều hơn một chiếc máy tính hay điện thoại.

Phó hiệu trưởng trường đại học LHQ về Môi Trường và Phát triển Bền Vững, ông Itaru Yasui nhận xét: “Vai trò của khách hàng là vô cùng quan trọng đối với môi trường, kể cả khi họ mua, sử dụng hay thải các thiết bị điện tử. Mua các thiết bị đã tân trang, bán hoặc quyên góp những sản phẩm không dùng tới, cuối cùng là tái chế là những lựa chọn mà chúng tôi đề xuất với người tiêu dùng nên áp dụng thường xuyên. Sáng kiến StEP được tạo ra để giúp đỡ người tiêu dùng chọn lựa các biện pháp nêu trên”.

Hugo Morel, một chuyên gia về tái chế và khôi phục các kim loại gốc, quý hiếm của StEP cho biết việc tái chế kim loại từ linh kiện điện tử muốn đạt được hiệu quả về chi phí và thân thiện môi trường đòi hỏi phải được triển khai trên quy mô lớn và sử dụng công nghệ cao. Việc thu thập, phân loại, tháo dỡ và tiền xử lý các thiết bị điện tử cần một lực lượng lao động đã qua đào tạo và tiềm năng sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm trên toàn thế giới. Ông nói: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của StEP với ý nghĩa thúc đẩy sự hợp tác giữa các đối tượng liên quan, phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết ở quy mô toàn cầu, kết hợp các quá trình tái chế thủ công, cơ khí và luyện kim với việc tái sản xuất các thiết bị, đồng thời giảm thiểu gánh nặng lên môi trường do rác thải điện tử gây ra.”