Thách thức lớn với những bệnh không lây truyền mãn tính

ThienNhien.Net – Các bệnh mãn tính không truyền nhiễm đang có nguy cơ xảy ra trên quy mô toàn cầu. Những bệnh này – chủ yếu là bệnh tim, đột quỵ và một số bệnh ung thư, bệnh đường hô hấp mãn tính và tiểu đường tuýp 2 – tác động đến con người ở mọi lứa tuổi, mọi quốc tịch và mọi tầng lớp.

Các bệnh mãn tính không truyền nhiễm gây ra tỷ lệ tử vong và bệnh tật lớn nhất trên toàn cầu (khoảng 60% số người chết trên toàn thế giới). Khoảng 80% ca tử vong vì bệnh mãn tính xuất hiện ở các nước có thu nhập thấp và trung bình – chiếm 44% các trường hợp tử vong sớm trên thế giới. Con số này thường gấp đôi số ca chết do bệnh truyền nhiễm (gồm HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét), các bệnh di truyền từ bố hoặc mẹ, và suy dinh dưỡng.

Trong những thập kỷ tới, gánh nặng từ các bệnh mãn tính không lây truyền được dự báo là sẽ tăng nhanh đáng kể ở các nước đang phát triển. Nếu không có một động thái chuẩn bị trước nào, khoảng 388 triệu người trên thế giới sẽ chết vì các căn bệnh này trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, với sự phối hợp hành động toàn cầu, chúng ta có thể ngăn chặn ít nhất 36 triệu ca tử vong sớm đến năm 2015, trong đó nhóm người dưới 70 tuổi chiếm khoảng 17 triệu.

Các bệnh mãn tính không truyền nhiễm cũng có tác hại nghiêm trọng tới nền kinh tế. Người ta dự đoán trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc, Ấn Độ và Anh được dự đoán là sẽ giảm lần lượt là 558 triệu, 237 tỉ và 33 tỉ USD tổng thu nhập quốc dân do hậu quả của bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường và một phần do sức sản xuất kinh tế bị suy giảm.

Tuy nhiên, các căn bệnh này đều có thể ngăn ngừa trên diện rộng. Đến 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim, đột quỵ hay tiểu đường có thể phòng tránh bằng cách tăng cường nhận thức về duy trì lối sống hợp lý, điều chỉnh hành vi hay bằng các biện pháp y dược học.

 “Với sự phối hợp hành động, chúng ta có thể đẩy lùi ít nhất 36 triệu ca tử vong sớm đến năm 2015”

Tuy nhiên việc phòng tránh bệnh tật và tử vong do các bệnh mãn tính không truyền nhiễm ít được chú ý trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Ở vùng cận Sahara, (châu Phi) chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức gây quỹ nghiên cứu thường chỉ tập trung nguồn lực vào các bệnh truyền nhiễm bởi 5,9% dân số ở độ tuổi 15-49 mang HIV dương tính và mỗi năm sốt rét cướp đi sinh mạng 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Ở hầu hết các nước giàu, các nghiên cứu y sinh học về các bệnh không truyền nhiễm mãn tính vẫn thường tập trung vào điều trị hơn là phòng tránh.