Thiên nhiên đã nổi giận từ lâu

Mùa hè vừa qua, 500 người Hungari và hàng chục người Rumani khác trở thành nạn nhân của hiện tượng nắng nóng oi bức, nhiệt độ tăng cao. Hoả hoạn lan rộng tại Ý, Hy Lạp, Macedonia, Serbia, Slovakia và Mỹ. Indonesia ngập chìm trong mênh mông biển nước. Còn xứ sở sương mù Anh quốc thì rơi vào tình trạng ngập lụt bởi những cơn mưa như trút nước lớn nhất từ nửa thế kỷ trở lại đây. Phải chăng con người chúng ta đang sống trong một giai đoạn “hỗn mang” về khí hậu?

Nhiệt độ Trái đất tăng cao. Nhiệt độ của các cuộc tranh luận khoa học cũng vậy. Đã từ lâu, các nhà nghiên cứu đều mang tâm lý né tránh việc đưa ra những tuyên bố có thể gây lo ngại cho công chúng. Và sự thận trọng đó đã trở thành nguyên tắc hàng đầu đối với các thành viên thuộc Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc và là cơ quan phát ngôn chính thức của cộng đồng khoa học.

Nếu như những con người này đã từng tỏ ra do dự, ngập ngừng khi phát biểu về mối liên hệ giữa sự nóng lên của Trái đất với các hiện tượng khí hậu đặc biệt như El-Niño hay cơn bão Katrina, thì vài tháng trở lại đây, thái độ của họ đã hoàn toàn thay đổi. Bằng chứng là những cuộc tranh luận, bàn thảo xung quanh chủ đề này đang ngày một nóng lên.

Đầu tháng 04/2007, lần đầu tiên các chuyên gia đến từ GIEC đã lên tiếng khẳng định rằng chính hoạt động sống của con người đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những hiện tượng khí hậu bất thường như hiện nay: từ sự tan băng ở hai Cực, mùa xuân xuất hiện sớm hơn, các dải san hô hoá trắng tới những cơn sóng biển có nhiệt độ cao đến khó tin… Ngay khi vừa được công bố, báo cáo này đã lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhiều đồng nghiệp. Những người này cho rằng GIEC đã quá lạc quan trong các tuyên bố của mình!

Theo chuyên gia thuộc cơ quan nghiên cứu NASA James Hansen, người đầu tiên đã đưa ra cảnh báo về tình trạng khí hậu vào năm 1988, thì nhóm các nhà khoa học GIEC đã sai lầm khi đánh giá thấp về mức tăng của mực nước biển. Còn các chuyên gia khác thì cho rằng các số liệu nghiên cứu mà GIEC đưa ra chỉ là những con số dự đoán không đáng tin cậy!

Con người, kẻ huỷ hoại khí hậu?

lulut
Lũ lụt và hạn hán ngày càng gia tăng mà nguyên nhân sâu xa là do con người gây ra.

Trong khi những cơn mưa như thác đổ hung hãn tấn công vào xứ sở sương mù thì tờ tạp chí Luân Đôn “Nature” ra ngày 23/07/2007 đã cho đăng tải chứng minh khoa học đầu tiên về ảnh hưởng của con người tới mưa bão. Chứng minh này được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học dưới sự chỉ đạo của Peter Stott thuộc trường Đại học Reading. Họ tiến hành nghiên cứu thực địa và so sánh các kết quả thu được trong một thời gian dài (1925 – 1999) với những kết quả dự báo trước đó. Và họ đã tìm thấy tất cả 92 điểm khác nhau.

Kết luận: chính các chất khí thải gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân gây ra những biến đổi lưu lượng mưa trong thế kỷ 20. Có thể nói, tại những vùng ôn đới ở Bắc bán cầu trong đó có châu Âu, Mỹ và Canada, hoạt động sống của con người đã làm lượng mưa trên Trái đất tăng nhanh từ 50% tới 85%. Còn ngược lại, ở những vùng nhiệt đới và á nhiệt đới ở phía Bắc thì lượng mưa lại giảm từ 20% tới 40%. Điều này khiến hiện tượng hạn hán ở Mexico, sa mạc Sahara hay Sahel trở nên trầm trọng hơn.

Tóm lại, chính con người chúng ta chứ không ai khác là đối tượng phải chịu trách nhiệm về tình trạng lượng mưa tăng gấp đôi tại phía Nam xích đạo gây lụt lội cho khắp Brazil, Nam Phi và Indonesia. Thêm vào đó, theo nghiên cứu từ những nhóm khoa học khác thì con người cũng là tác nhân gây ảnh hưởng tới nhiệt độ của khí quyển, tới mực nước biển và nhiệt dung đại dương. Chưa bao giờ con người lại phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mình đối với khí hậu Trái đất như hiện nay.

Hiện tượng khí hậu cực đoan liệu sẽ còn tăng tiến?

Theo lý thuyết, các hiện tượng khí hậu mang tính cực đoan hiếm khi xảy ra. Và xác lập những số liệu thống kê về các hiện tượng này cũng không hề đơn giản. Tại Tây Âu, nhìn vào các biểu mẫu dự báo có thể thấy không chỉ mùa hè mà cả mùa đông ẩm ướt cũng sẽ có nguy cơ ngày càng trở nên nóng và khô hơn. Bên cạnh đó, bão và mưa rào được dự báo là sẽ thường xuyên xảy ra nhiều hơn vào mùa hè.

Mặt khác, các nước nhiệt đới ngày càng trở thành tâm điểm hoành hành của bão lũ. Ngay trước khi cơn bão Katrina ập tới, trên tạp chí “Nature” xuất hiện một bài viết của tác giả Kerry Emanuel, cho biết trong vòng 30 năm năng lượng Trái đất vốn bị tiêu hao bởi các trận bão nhiệt đới đã tăng lên gấp đôi tại bờ bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Kết quả này đã một lần nữa được xác nhận bởi chuyên gia Peter Webster thuộc Viện công nghệ Georgia (Atlanta).

Từ năm 1970 trở lại đây, số lượng những cơn bão nhiệt đới với cường độ ở mức rất mạnh đã tăng lên 80%. (Theo tạp chí “Science”, số ra ngày 16/12/2005). Sự gia tăng này là một điều hoàn toàn lôgic bởi bão và gió xoáy là các động cơ nhiệt lấy năng lượng từ nhiệt dung đại dương; Trái đất càng nóng lên, các động cơ này càng bị “thổi phồng”. Ngay cả khi có sự can thiệp từ những cơ chế khác thì bão nhiệt đới vẫn đang và sẽ ngày càng tàn phá trái đất một cách nặng nề hơn.

 nuocbien
Mực nước biển sẽ còn tiếp tục dâng cao.

Mực nước biển sẽ tăng cao bao nhiêu?

Nghiên cứu vấn đề mang tính mấu chốt này, các chuyên gia đến từ GIEC lại gặp phải sự phản đối từ phía đồng nghiệp khi đưa ra báo cáo của mình theo đó họ cho rằng từ nay tới cuối thế kỉ, mực nước biển sẽ chỉ tăng 0,34 mét. Một con số đáng lo nhưng chưa phải là thảm họa.

Trong vòng vài năm gần đây, băng hà tại Bắc cực cũng như băng tuyết vùng Groenland và phía tây Đại Tây Dương nhanh chóng tan chảy khiến mực nước các đại dương tăng cao và còn có thể tăng cao hơn rất nhiều so với dự đoán của GIEC.

Trả lời phỏng vấn tạp chí “Science” ngày 08/06/2007, James Hansen khẳng định: “Nếu chúng ta không kịp thời đưa ra các giải pháp triệt để thì không có cách nào có thể ngăn được mực nước biển tăng cao thêm một mét nữa”. Chỉ một mét thôi nhưng cũng đủ để nhấn chìm Bangladesh, Floriđa và tất cả các vùng đất thấp khác trong đó có toàn bộ vùng châu Á vốn đã từng bị ngập chìm bởi thảm hoạ sóng thần tháng 12/2004. Tuy vậy, theo Stefan Rahmstorf, nhà khí hậu học tại Potsdam (Đức), mực nước đại dương thậm chí còn có thể tăng cao thêm 1,40 mét từ nay cho tới năm 2100.

Hệ động thực vật đang bị đe doạ?

Để thích nghi với sự nóng lên của Trái đất và với hiện tượng mùa xuân đến sớm, nhiều loài động vật buộc phải thay đổi nhịp sinh học theo mùa và di cư về hai Cực. Đối với một số loài, con người đã phát hiện ở chúng một sự biến đổi gen nào đó. Loài sóc đỏ Canada là một ví dụ . Bằng cách thay đổi thời gian sinh sản sớm hơn vào mùa xuân, chúng có thể kiếm được nhiều quả thông hơn bởi mùa thông chín diễn ra sớm hơn so với trước kia.

 dtv
Lời kêu cứu của các hệ động thực vật.

Chim sẻ ngô lại kém may mắn. Chúng nuôi con bằng sâu mà thời kì sâu trưởng thành lại diễn ra trước khi trứng chim kịp nở. Bởi vậy, chim sẻ ngô buộc phải thay đổi thời gian ấp trứng. Tuy nhiên chỉ một phần nhỏ trong số chúng đạt được thành công, điều này giải thích lý do vì sao số lượng loài sẻ ngô đang dần bị sụt giảm. Có thể khẳng định rằng các hiện tượng biến đổi gen này đều gắn liền với quá trình thích nghi với nhịp độ giao mùa trong năm chứ không phải với nhiệt độ đang ngày một ấm lên của Trái đất.

Pika, một loài thỏ đã biến mất tại vùng núi Rocheuse bởi không thể thích nghi với nhiệt độ của môi trường . Chúng không thể hạ thấp thân nhiệt và chết ở nhiệt độ dưới 25oC. Một số loài khác lại bị đe doạ bởi sự biến mất của môi trường sống, giống như loài gấu tuyết.

Đối với thực vật, có thể kể đến cây vân sam ở Bắc Mỹ. Giống cây này đang bị tàn phá nhiều hơn bởi loài sâu kí sinh vốn là thức ăn của chim chích Bắc Mỹ khi loài chim này thay đổi thời gian di cư sớm hơn thường lệ. Theo dự đoán của GIEC, nhiệt độ toàn cầu tăng từ 1 tới 2oC có thể khiến 30% số loài động thực vật rơi vào tình trạng nguy hiểm. Vậy mà nguy cơ này rất có thể sẽ xảy ra từ nay cho tới 2100.

Phải chăng mức độ ảnh hưởng là như nhau trên toàn thế giới?

Câu trả lời là “Không”. Hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu có nguy cơ đào sâu thêm hố ngăn cách giữa các nước giàu và những nước thuộc thế giới thứ ba. Một điều trớ trêu là phần lớn các vùng duyên hải, là những nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ hiện tượng mực nước biển tăng cao, lại tập trung chủ yếu ở các nước nghèo. Theo thống kê có hàng chục triệu người hiện đang sinh sống tại các khu vực châu thổ rộng lớn thuộc châu Phi và châu Á như châu thổ sông Nil hay sông Brahmapoutre.

Hơn nữa, nếu nhiệt độ hành tinh tăng từ 1oC-2oC thì các nguồn nước ngọt tại vùng Andes, Địa Trung Hải và châu Phi sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị khô hạn. Đối với ngành trồng trọt, ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu cũng không đồng đều tại mọi vùng.

Theo giải thích của nhà địa lý học Mỹ là William Easterling thì “ở vĩ độ cao, sẽ là có lợi cho ngũ cốc, lúa mì, ngô và gạo nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm từ 1oC-3oC. Nhưng ngược lại, ở vĩ độ thấp chỉ cần Trái đất nóng lên 1oC thôi cũng đủ để sản lượng nông nghiệp bị thất thu mạnh”. Lý do là ở miền Bắc lạnh giá, nhờ có sự ấm lên của Trái đất, nguồn nước cung cấp cho hoạt động canh tác góp phần thúc đẩy sự phát triển của quá trình trồng trọt. Trong khi đó ở các vùng nhiệt đới, sự nắng nóng quá cao sẽ trực tiếp gây bất lợi cho cây trồng. Tuy nhiên, sản lượng ngũ cốc tại các vùng ôn đới cũng sẽ có nguy cơ sụt giảm nếu nhiệt độ khí quyển tăng cao quá 3oC.

Giải pháp nào cho vấn đề môi trường?

Dù có đề ra được một chương trình hành động trên quy mô toàn cầu thì biến đổi khí hậu vẫn là một vấn đề không thể tránh khỏi. Chương trình này chỉ có thể cho phép chúng ta giảm nhẹ những ảnh hưởng của vấn đề mà thôi.

Chưa đầy hai thế kỷ, ngành công nghiệp trên toàn thế giới đã làm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lên 50%. Theo số liệu thống kê thu thập được từ lòng các khối băng tuyết, trong vòng 400.000 năm trước, lượng khí thải này rất ổn định. Con người hiện đại Homo sapiens đã thay đổi sự cân bằng vốn có từ trước khi họ xuất hiện.

Theo ước tính lạc quan, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 1,4oC trong vòng 100 năm tới. Còn theo các nhà khoa học, bước đầu, muốn làm chậm quá trình nóng lên của Trái đất thì ngưỡng giảm lượng khí thải phải đạt mức 60% từ nay cho tới nay 2050. Đó là mục tiêu mà nước Anh đã đề ra. Con số này cao hơn nhiều so với ngưỡng của hiệp định Kyoto.

Nicholas Stern, nhà kinh tế học người Anh và là tác giả bản báo cáo đã gây tiếng vang lớn vào năm ngoái, cho biết: “Mục tiêu giảm lượng phát thải 60% có thể đạt được nếu GDP giảm 1%. Ngược lại, nếu con người không đưa ra được một giải pháp hữu hiệu nào thì nhiệt độ Trái đất chắc chắn sẽ còn tăng thêm từ 4oC-5oC, thậm chí có thể chạm mức 6oC từ nay cho tới năm 2100, và hậu quả mà nó kéo theo sẽ vô cùng tai hại: nạn đói, hạn hán, dịch bệnh, tuyệt chủng đối với một số loài, bão lụt và những mối đe doạ khác xuất hiện từ việc mực nước biển tăng cao sẽ ảnh hưởng tới New York, Luân Đôn hay Tokyo”.

Tổng thiệt hại mà Nicholas Stern ước tính trong 2 thập kỷ tới lên đến con số 500 tỷ euro. Ước tính này của Stern bị nhiều nhà khoa học đánh giá là dựa trên những giả thuyết kinh tế không hoàn toàn chính xác. Nhưng dù cho con số tính toán có không mấy chính xác đi nữa thì vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là ý thức của con người trong việc đầu tư một phần của cải chung vào việc bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ con cháu sau này của chính mình.

Các sản phẩm sinh học hiện đang trở thành một trào lưu tích cực trên thế giới. Nhưng liệu chúng có giúp giải quyết được vấn đề môi trường? Mặc một chiếc quần jeans bằng chất liệu tái sinh và lái một chiếc xe Toyota Prius cũng chẳng thể giúp chúng ta thay đổi được gì nhiều nếu như trong tương lai, con người tiếp tục tiêu thụ ồ ạt chúng.

Cần phải nhận thức rằng nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng nóng lên của Trái đất chính là sự tăng trưởng kinh tế như vũ bão của xã hội hiện đại. Trước khi kỉ nguyên công nghiệp ra đời, không một nước nào trên thế giới đạt mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm trên 200 đôla hay 150 euro. Dựa vào tỉ lệ sinh sản như hiện nay, dân số thế giới sẽ lên tới 10 tỉ người vào năm 2100, tức là gấp 10 lần dân số năm 1800. Cũng tới thời điểm đó, mức tiêu thụ năng lượng cá nhân cũng sẽ nhân lên 10 lần và như vậy tổng số năng lượng sản xuất trên thế giới sẽ tăng lên 100 lần trong vòng 3 thế kỷ.

Giải pháp đúng đắn duy nhất là con người cần phải thay đổi triệt để cách sống của mình. Bởi một điều chắc chắn rằng dẫu con người vẫn được coi là sinh vật có khả năng thích nghi cao thì cái giá phải trả cho những thói quen hiện nay của chúng ta sẽ trở thành một gánh nặng to lớn cho thế hệ tương lai.