Thiếu nhân lực kiểm kê khí nhà kính, gần 1.700 doanh nghiệp sản xuất gặp khó

Gần đến thời hạn 31/3, 1.700 DN ngành Công Thương phải cung cấp thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính, tuy nhiên DN đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực.

Nhằm làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong công tác này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương).

Ông Tăng Thế Hùng cho rằng hiện nay DN đang gặp khó khăn trong về nguồn nhân lực để phục vụ công tác kiểm kê khí nhà kính

Thưa ông, đến nay, các doanh nghiệp đã có những phản hồi và triển khai nhiệm vụ cung cấp thông tin, số liệu nhằm phục vụ kiểm kê khí nhà kính trên như thế nào?

Theo đó, tại Phụ lục II thuộc Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính có gần 1700 cơ sở thuộc ngành Công Thương. Cụ thể, quy định tại khoản 3, điều 11 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý cho năm 2022, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở trước ngày 1/12/2023

Các cơ sở thuộc đối tượng tại Điều 5 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg có trách nhiệm cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/ 3, kể từ năm 2023.

Đây là nội dung rất mới, lần đầu tiên triển khai thực hiện ở Việt Nam. Ngoài ra, nguồn lực về tài chính và chuyên gia đối với nội dung kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở cho số lượng lớn trong bối cảnh hiện nay rất hạn chế.

Để hấp thụ khí nhà kính những năm qua ngành than không ngừng nỗ lực trồng nhiều cây xanh

Hiện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đang phối hợp với nhà tài trợ nước ngoài để tìm kiếm các hỗ trợ kỹ thuật giúp Bộ Công Thương triển khai hoạt động thu thập, xử lý số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo quy định của pháp luật.

Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu và phát biểu mẫu thu thập số liệu và sẽ phối hợp với các Sở Công Thương, doanh nghiệp cùng tính toán kiểm kê khí nhà kính cho từng cơ sở đảm bảo khách quan, minh bạch và đạt độ chính xác cao theo thực trạng của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã có hướng dẫn và hỗ trợ DN như thế nào để thực hiện quy định trên, thưa ông?

Trong khuôn khổ các hỗ trợ quốc tế, Bộ Công Thương đã tổ chức hoạt động đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm kê khí nhà kính ở một số quốc gia, khu vực và hướng dẫn của quốc tế như Nghị định thư về khí nhà kính, hướng dẫn kiểm kê quốc gia về khí nhà kính của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, năm 2020 – 2021, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã tổ chức tập huấn cho một số ngành và triển khai thí điểm tính toán thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho lĩnh vực nhiệt điện đốt than. Qua đó, từng bước giúp các doanh nghiệp tiếp cận và làm quen với các bước tính toán và năng lực xử lý số liệu trong việc kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở công nghiệp.

Ông có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc mà DN gặp phải trong quá trình thực hiện là gì?

Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về biến đổi khí hậu. Do đó, những khó khăn trước mắt có thể nhận thấy là nguồn lực cho các hoạt động và năng lực về chuyên môn của doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt đối với doanh nghiệp trong nước chưa quen với việc thu thập, xử lý số liệu, tính toán kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở.

Các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện sẽ được phát hiện thêm trong quá trình triển khai thực hiện từ năm 2023 trở đi và sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện năng lực chuyên môn cũng như khung pháp lý về vấn đề này.