Bảo vệ tầng Ozon- thách thức mới đối với cộng đồng Hải quan

ThienNhien.Net – Nghị định thư Montreal đã đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tuy nhiên vấn đề hợp tác quốc tế trong quá trình triển khai các nội dung của Nghị định thư vẫn đặt các thành viên ký kết trước nhiều vấn đề cần giải quyết.

Việc thực hiện Nghị định thư còn gặp phải những vướng mắc trong kiểm soát tại biên giới, nơi được đặt dưới quyền kiểm soát của lực lượng Hải quan. Và nếu không khắc phục những tồn tại đó thì sẽ có thể ảnh hưởng đến thành công của Nghị định thư. Vấn đề được nêu ra ở đây chính là nạn buôn lậu các loại hóa chất có thể gây hại cho môi trường.

Theo Nghị định thư, các quốc gia công nghiệp và đang phát triển bình đẳng với nhau trong lĩnh vực này nhưng trách nhiệm khác nhau, và quan trọng hơn là cả hai khối đều có cam kết về thời gian, mang tính bắt buộc và phải đo lường được khi thực thi Nghị định thư.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt về trách nhiệm giữa các quốc gia, đó là các quốc gia đang phát triển có thêm 10 năm đề giảm dần và tiến tới chấm dứt sử dụng các chất ODS (chất phá hủy tầng ozon). Điều đó dẫn đến các tổ chức buôn lậu lợi dụng để vận chuyển bất hợp các chất độc hại dưới danh nghĩa phục vụ tiêu dùng hoặc sản xuất tại một số khu vực trên thế giới.

 

Bình chứa ODS bị bắt giữ.
Bình chứa ODS bị bắt giữ.

Nhu cầu sử dụng CFCs dù đã vượt quá thời hạn cho phép giảm dần nhưng việc sử dụng vẫn phổ biến và thực tế là số CFCs được sử dụng vẫn ở mức cao do chúng được dùng để vận hành các thiết bị cũ phụ thuộc vào nguồn CFCs như máy điều hòa và tủ lạnh. Việc thay thế các CFCs bằng các hóa chất khác có mức chi phí cao hơn hẳn nên các đối tượng buôn lậu sẽ thu lợi lớn khi buôn bán CFCs.

Lợi nhuận khổng lồ từ loại hình buôn bán này cùng với nhận thức chưa phù hợp của một số lực lượng quản lý biên giới tại một số nơi đã khiến cho tình trạng buôn lậu CFCs ngày càng tăng. Hình thức xử phạt cho loại tội phạm này chưa nghiêm nên chưa mang tính răn đe tại nhiều quốc gia. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi giữa những năm 90 của Thế kỷ 20, khoảng 12% lượng CFCs lưu thông trên thế giới là hàng buôn lậu.

Các bên tham gia Nghị định thư cần hiểu được nguy cơ này và năm 1997, một hệ thống cấp phép quản lý giám sát hoạt động thương mại ODS đã ra đời góp phần củng cố các biện pháp giám sát do Cộng đồng Hải quan quốc tế thực hiện để chống các hành vi buôn bán bất hợp pháp ODS. Kết quả là số lượng các vụ việc buôn lậu ODS đã giảm. Nhưng vẫn có một số vụ bắt giữ được ghi nhận, đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của số ODS khi mà các nguồn sản xuất đã chính thức bị dừng lại.

Hiện vẫn có những thách thức tiềm ẩn và mới nảy sinh thách thức các lực lượng quản lý trong thời gian tới. Năm 2007, các bên tham gia Nghị định thư quyết định đẩy nhanh giai đoạn giảm dần sử dụng HCFCs, các hóa chất được dùng làm chất thay thế trung gian cho CFCs để giảm thời gian chuyển đổi.

Do đó, việc sử dụng và sản xuất chất này tại các quốc gia đang phát triển đã chậm lại và thậm chí tại một số nơi đã ngừng lại từ đầu năm 2013. Các quốc gia hiện nay cần giám sát và hạn chế việc trao đổi trái phép HCFCs. Tình hình hạn chế sử dụng HCFCs hiện nay đang ở tình trạng tương tự với giai đoạn đầu sử dụng CFCs. Hoạt động buôn lậu trong giai đoạn giảm sử dụng HCFCs có thể đe dọa việc tuân thủ Nghị định thư Montreal.

Thời gian qua, một số cơ quan Hải quan trên thế giới đã tiến hành các vụ bắt giữ HCFCs tại cả khu vực phát triển và đang phát triển. Nhằm tránh sự hình thành thị trường chợ đen như đã từng xảy ra với CFCs và halon trong quá khứ, các cơ quan Hải quan cần thận trọng với mối đe dọa này. Để chống lại nạn buôn lậu ODS, cơ quan Hải quan cần được thông tin đầy đủ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm thực hiện Nghị định thư của các quốc gia trong lĩnh vực này.

Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), thông qua Phòng Hành động Ozon thuộc Cục Công nghệ, Công nghiệp và Kinh tế (DTIE), cam kết cung cấp thông tin và hỗ trợ cho các nhân viên Hải quan và các lực lượng khác trong công việc kiểm soát bảo vệ môi trường.

Hơn 10 năm trước, UNEP đã đưa ra chương trình đào tạo và hội thảo tăng cường năng lực cho các nhân viên Hải quan và đại diện các cơ quan chính phủ trên thế giới. Chương trình này được tài trợ bởi quỹ đa phương thực hiện Nghị định thư và vẫn tiếp tục được duy trì tới ngày hôm nay.

Ngoài hoạt động đào tạo, UNEP còn xây dựng các công cụ trao đổi thông tin dành cho các nhân viên hải quan, kể cả tài liệu hướng dẫn đào tạo và các tờ thông tin, áp phích, tờ rơi giới thiệu về hoạt động, kết quả hợp tác giữa UNEP với các tổ chức khác như WCO…

Hai tổ chức đã phối hợp xây dựng một chương trình đào tạo trực tuyến dành cho các nhân viên Hải quan về nội dung của Nghị định thư, các dạng ODS và thủ đoạn buôn lậu mặt hàng này. Một sáng kiến khác do UNEP đưa ra là xây dựng hệ thống trao đổi thông tin iPIC vào năm 2006 để trao đổi thông tin giữa các quốc gia trước khi các chuyến hàng chở ODS cập cảng. Cho đến nay, iPIC đã trở thành một hệ thống thông tin trực tuyến cung cấp thông tin thực, liên tục 24 giờ/ ngày cho các thành viên.

Những thành công của việc thực hiện Nghị định thư bảo vệ môi trường trước sự đe dọa của ODS có sự đóng góp lớn của các cơ quan Hải quan trên thế giới.

Trong những tháng cuối năm 2013, khi thời điểm cuối của giai đoạn giảm dần và ngừng sử dụng HCFCs đang đến gần, công việc của các nhân viên Hải quan sẽ càng trở nên nặng nề. Hơn lúc nào hết, sự nỗ lực của các nhân viên Hải quan đóng góp vào các chương trình chung do UNEP và WCO khởi xướng cần được ghi nhận và tiếp tục phát huy để đảm bảo trái đất được an toàn và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp.