Lời của rác

“Xã hội đi lên thì cho tụi tôi đi cùng với. Gạt tụi tôi ra là gạt cả một thế hệ con cái tôi. Đường học hành của nó mà bị ngưng thì tới đời con nó cũng không đổi thay số phận được. Anh em làm rác tụi tôi như đang sống trong cơn sóng thần". Đó là lời nói của anh Năm Nga (Lê Văn Nga), một công nhân lấy rác dân lập khi biết về lệnh cấm xe ba bánh tự chế. Xin được gọi đó là “lời của rác”.

1. Năm Nga chỉ tay sang anh Trần Thanh Hoàng, 44 tuổi, có gần 30 năm sống cùng với rác: “Đó, tay này lấy rác hai đời rồi mới mua nổi chiếc xe ba gác máy. Đời ông bà già nó còng lưng đẩy xe ba gác đạp tới khi đi hết nổi nữa thì truyền cho nó”.

“Xe (lam, ba gác) mà thành rác, đời người cũng thành rác thôi” 

Theo lời anh Hoàng, thì phường Trường Thọ cách nay gần 30 năm còn mang địa danh ấp 7, ấp 8 gì đó. Bà Phạm Thị Lừng, mẹ anh Hoàng, vốn làm lao công trong trường học. Đến tuổi hưu, gánh một đàn con tám đứa, bà loay hoay chuyển sang nghề lấy rác ngoài Thủ Đức. Hai ông bà già sắm một chiếc xe ba gác đạp. Ông kéo, bà đẩy, họ dọn hết rác trong khu vực “nửa chợ nửa quê” này.

Thời gian dần trôi, chiếc ba gác của ông bà trở nên quen mặt với chốn quê được nâng dần lên chốn “thị”, “ấp” thành “phường”. Rác từ đào hố chôn ngoài đồng đến tập trung vào cái bô rác mang tên Trường Thọ. Những đứa con họ trưởng thành, đa số đi làm công nhân, chỉ còn anh Hoàng nối nghiệp rác. Cha qua đời, mẹ 74 tuổi, giờ anh Hoàng có thâm niên gần 30 năm làm rác. Con anh, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ học lớp 8… chúng lớn lên, học hành… nhờ đường dây thu gom rác trên 100 hộ mà ông bà truyền lại. Từ ba gác đạp đến ba gác máy là cả một cuộc đổi đời. Vậy mà bỗng nhiên mọi thứ lung lay ở ngưỡng cuối năm heo, đầu năm chuột…

2. 12 giờ trưa, vợ chồng anh Trung, chị Lan hè hụi đẩy xe vô bô rác. Chiếc ba gác máy nát cả “yên cương” nhưng gương mặt của anh Trung thì thảm hại hơn cả chiếc xe nữa: “Tui ăn ngủ hổng được anh ơi. Ông già tui đi hốt rác bên Bình Thạnh tới đời vợ chồng tui về đây cũng hốt rác. Giờ nghe người ta nói cấm xe, vợ chồng chới với. Tụi tui lây lất qua ngày cũng được nhưng còn hai đứa con! Sắm cái ba gác mới hơn còn không có huống hồ mua xe mấy chục triệu…”. Chị Lan bảo có đi họp mấy lần nhưng chưa bao giờ nghe người ta bàn cách nào để thay xe cũ, sắm xe mới.

Mấy ngày nay ở bô rác ai cũng thất thần bởi cả 26 xe rác nơi này dù là xe lam (16 chiếc) hay xe ba gác… cái nào chiếu theo qui định cũng phải thành rác. “Xe mà thành rác, đời người cũng thành rác thôi!” – Năm Nga lại trầm ngâm. Anh bảo mình học chỉ tới lớp 9, nhà ở xã An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh. Trước đi làm thuê mướn lung tung, vợ bán cái quán cóc nhỏ xíu rồi cũng không khá được.

Năm 2000, quyết chí tìm con đường khác để đi. Anh em bạn chỉ cho xuống tận Thủ Đức sang lại đường dây rác, mua cái xe lam cũ, bắt đầu một đoạn đời mới. Hằng ngày anh gõ cửa, người ta đưa cho anh bọc rác. Trong bọc rác đó có những thứ có thể sinh lợi cho cuộc đời anh.

Rồi một ngày nào đó, anh phát hiện mình có một “nghiệp” đáng có thể làm mình mất ngủ: “Xe hư dọc đường tôi đứng ngồi không yên. Cứ tưởng tượng rác đầy ứ nhà người ta, rác văng ra đường do mấy người ve chai bới móc… Thật ra cũng không có ai tới đốt nhà trọ mình hay kêu điện chửi bới nhưng mình thấy nóng ruột”.

Năm Nga tránh dùng từ “yêu nghề”. Bởi thật sự trên đời, cùng đường người ta mới đi làm rác. Người làm rác trình độ thấp lắm, chỉ còn trông chờ vô thế hệ con cái. Lấy rác nuôi chữ nghĩa thì may ra tới đời con mới gột rửa được chút thân phận “rác”…

Từ tháng mười Năm Nga thấy tình hình coi bộ căng. Họp mấy lần ở phường, lần nào anh cũng ráng hỏi một câu: Nghe nói mai mốt cấm xe cộ, phường có cách gì giúp anh em không? Đại diện phường trả lời rằng chuyện đó thuộc thẩm quyền của “bề trên” chứ phường không quyết được.

Cứ thế, từ tháng mười chuyển dần sang tháng cuối năm rồi dính sát nút. Tối 31/12, nóng lòng Năm Nga bốc máy lên hỏi đại diện của phường: “Tình hình căng quá, ngày mai nếu họ phạt, tụi tôi không lấy rác được, bà con có chửi mắng mấy anh làm ơn đỡ giùm một tiếng nghen!”. Anh em trong phường cũng xót ruột nhắn nhe: “Ừa, chắc cũng chưa có gì đâu…”.

3. Làm cái nghề này trên rác, dưới rác, chung quanh là rác. Sáng dậy thấy rác, tối về cũng là rác. Họ là những người chứng kiến sự thịnh vượng của cuộc sống qua những gì con người vứt đi. Anh Hoàng nhận xét: “Trước đây, có bao giờ người ta dám uống tới bốn hộp sữa đâu. Giờ có buổi sáng trong giỏ rác nhiều nhà có tới năm bảy hộp”. Năm Nga tính: “Trước đi cả trăm nhà mới đầy xe, giờ 70 nhà đã đầy ứ hự”. Cuộc sống thay đổi trong từng hộp sữa, bọc rác, riêng họ thì không thay đổi chút nào.

Năm Nga lặng một hồi rồi nói: “Ngày tôi xuống Sài Gòn làm rác là 30/04/2000, anh có tin từ đó tới giờ tôi chưa mua một bộ đồ mới hông. Toàn bộ đồ trên người tôi, trừ đôi bốt phải mua, còn lại đều là… rác. Một cái áo cũ bên ngoài cũng giá 20.000 đồng.
Tụi tôi gom từng miếng ve chai mẻ để bán 200 đồng một ký thì món đồ 20.000 là quá lớn”.

 rac

Tiền đâu để người lấy rác dân lập thay đổi những chiếc xe tự chế là câu hỏi lớn.

Tiếp tục là những con tính của người lấy rác: “10.000 đồng/tháng/hộ, tôi mua được một ký tư gạo (nếu một ký rưỡi bù vô 500 đồng lận), mua được tròm trèm 1 lít xăng, 30 ngày, 10.000 đồng chưa đủ tiền xăng trên đường tới mỗi nhà. Mấy thứ đồ ve chai trong nhà người ta chịu khó để dành trong tháng cũng đủ tiền rác được. Cái nào lẻ mọn người ta bỏ vô bọc, mình tích tiểu thành đại, được vài trăm ngàn – thành món “lãi ròng” không phải đóng thuế. Nếu tôi tích cóp gửi về Tây Ninh 700.000 đồng, vợ tôi nuôi con được mười ngày, nếu tôi đem cả nhà xuống Sài Gòn, số tiền đó chỉ xài được năm ngày…”.

4. Năm Nga tiếp tục: “Xe nát, trước hết tụi tôi lo lắng bởi mình cầm lái, lỡ có chuyện gì mình chịu trước. Chạy ra đường cũng xấu hổ bởi mình làm đường phố không được văn minh. Ở đội, người ta cho tôi coi bảng giá chiếc Suzuki chở được 500kg giá 145 triệu đồng. Tôi nói chẳng những sáu tháng mà sáu năm tụi tôi cũng không mơ nổi đâu!”.

Thoáng chút rồi lại trầm ngâm: “Đời sống người ta giàu có, văn minh lên, cấm xe cũ rách là phải nhưng nói thiệt, tụi tôi thấy mình đơn độc quá. Sao không ai chỉ đường hoặc cho tụi tôi “quá giang” đi cùng với? Một hai triệu đồng một tháng nuôi cả nhà không đủ, giờ kêu tới cả trăm rưởi triệu… mua xe, lấy gì mà mơ đây?”.

Suy nghĩ của anh bi quan quá. Chắc hẳn, anh chưa được biết rằng, trước đây Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, khi còn là bí thư Thành ủy TP.HCM, trong một chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường có nói với báo chí về nỗi băn khoăn của ông: “Tôi dặn anh em làm phải xem xét có tình lý bởi ở Sài Gòn này, có khi một gánh xôi nuôi được một nhân tài cho đất nước”.

Sau đó, ông kể những câu chuyện của chính ông khi giúp can thiệp cho nhiều sinh viên nghèo được đi du học…Kể, để nói với Năm Nga về một niềm hi vọng bởi khi lãnh đạo xã hội, người ta luôn hiểu nhiều chiều cuộc sống và anh phải hi vọng đi chứ….

Tạm biệt Năm Nga ra về, anh lại lụi cụi gắn lại cánh bánh xe lam rồi rồ máy chạy vô làng đại học. Cuối năm, đời đang lên và rác nhiều ra.

Rác, người ta thì vứt đi nhưng phận người không ai bỏ như rác được đâu, anh Năm Nga à!