Người đưa tre từ phố lên rừng

Người Banar ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và bà con dân tộc J’rai tỉnh Đăk Lăk xưa nay chủ yếu vẫn làm nương rẫy. Họ trồng lúa nước, cây mì, cây bắp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên hiệu quả không cao. Mấy năm gần đây, nhờ trồng tre lấy măng, đời sống bà con đã khá lên thấy rõ. Người dân vẫn nhắc đến anh Đinh Lanh (47 tuổi) dân tộc Banar, người đầu tiên học tập cách trồng tre và tận tình hướng dẫn cho bà con.

Đưa tre… lên rừng

Năm 2000, để giúp nông dân thoát nghèo, cán bộ Lâm trường Đak Roong, huyện K’Bang và Phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã chủ động học kinh nghiệm trồng tre lấy măng tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Các chuyên gia của Phân viện Khoa học Lâm nghiệp miền Nam hướng dẫn họ kỹ thuật trồng tre lấy măng với các loại giống mới của Trung Quốc như: Bát Độ, Lục Trúc, Điền Trúc, Mạnh Tông. Ban đầu, họ mua khoảng 100 gốc tre giống Điền Trúc về trồng thử nghiệm. Sau 1 năm, tre Điền Trúc phát triển tốt và cho năng suất cao. Sản phẩm măng tre được đồng bào khen ngợi “ăn ngon hơn cả măng rừng”.

Được cán bộ khuyến nông giới thiệu giá trị kinh tế của măng Điền Trúc và ăn thử măng, anh Đinh Lanh ở làng Đăk Klok, xã Kon Gan, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) quyết định san ủi gần 1ha đất cạnh con suối gần nhà, đưa tre Điền Trúc về trồng thử. Dân làng Đăk Klok nghe tin vợ chồng anh san đất, trồng “tre lạ” lá to, dài đưa từ thành phố về, ai cũng bảo anh “ngớ ngẩn”.

Già làng Đăk Klok nghe vợ chồng Lanh thưa chuyện, thoáng lo lắng, ông nói: “Khai đất hoang trồng cây để xóa cái đói, giảm cái nghèo là việc tốt. Nhưng trồng cây gì đất mình chưa có mới hay, chứ cây tre thì núi rừng Gia Lai thiếu gì, đưa tre về đây khác nào… chở củi về rừng! Thôi để đất đó mà trồng cây mì, cây cà phê đi”. Già làng và dân làng chưa ủng hộ, nhưng vợ chồng Đinh Lanh không bỏ cuộc…

Hai năm sau, tre Điền Trúc lên xanh tốt, cho nhiều măng, từ 25 gốc ban đầu vợ chồng anh nhân lên 100, rồi 200 gốc. Măng Điền Trúc lên nhanh, bán được giá, vụ đầu tiên vợ chồng anh thu hơn 7 triệu đồng, thêm khoản thu từ cà phê, hồ tiêu, anh mua xe máy, “cưới chồng” cho con và làm lại nhà. Thời gian trôi qua, dân làng chẳng thấy Giàng phạt vợ chồng Đinh Lanh, mà hiệu quả kinh tế từ việc trồng tre lấy măng thì rõ trước mắt. Họ tìm đến anh nhờ hướng dẫn cách trồng, chăm bón và nhân giống tre về trồng.

Tre bén rễ trên đất Tây Nguyên

Tạm biệt vợ chồng Đinh Lanh để đến những vùng “chuyên canh” trồng tre lấy măng của huyện K’Bang. Qua những ngọn núi cao, gập ghềnh của đỉnh Kon Gan, đi khoảng 20km là đến xã Đăk Roong.

Qua hai con suối nhỏ, người dẫn đường chỉ nhà ông Đinh Bết, 52 tuổi, người Banar. Uống hết chén nước, ông vừa dẫn chúng tôi ra thăm “rừng tre” vừa kể: “Nghe tin người anh em bên xã Kon Gan đem tre từ thành phố lên trồng cho hiệu quả cao thì mình tò mò lắm. Cán bộ về làng phổ biến kỹ thuật trồng tre lấy măng, mới đầu không ai nghe cả, phần không quen, phần sợ bị Giàng phạt. Mình là người đầu tiên ở vùng này “nghe cán bộ” đó.

Lúc đầu mình trồng 20 gốc, giờ đã lên hơn 1ha rồi. Trồng tre lấy măng không đòi hỏi kỹ thuật cao, cây tre rất dễ sống, phù hợp nhiều loại đất, chịu được thời tiết khắc nghiệt (nắng hạn, gió và mưa dầm), mình trồng một lần mà thu hoạch măng liên tục nhiều năm, lợi quá còn gì. Hơn nữa, tre Điền Trúc có thể trồng được trên rẫy, ngoài vườn, tận dụng đất thừa ở ven bờ ao, bờ suối, bờ thửa… Gia đình mình thu nhập mỗi năm trên 20 triệu đồng, sống no đủ, hạnh phúc, Giàng thương chứ có phạt gì đâu”.

Cũng như ông Đinh Bết, gia đình chị Đinh Xiên ở xã K’Roong cũng trồng gần 2ha với khoảng 1.000 gốc tre Điền Trúc. Sau ba năm, vườn tre cho thu hoạch ổn định từ 10-30 tấn/ha/năm. Không giấu được niềm vui, chị Xiên hồ hởi: “Gia đình mình chưa từng có thu nhập như thế này, mình vừa làm nhà mới, sắm ti vi, xe công nông và mua xe máy để đi làm. Cảm ơn cán bộ, cám ơn nhà nước nhiều lắm, nhờ trồng tre lấy măng, đồng bào Banar mình thật sự xóa đói giảm nghèo”.

Được biết, măng Điền Trúc có giá trị rất cao, nhất là ở thị trường các nước Đông Âu và Tây Âu. Ngoài hiệu quả kinh tế cao, cây tre còn bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió, hạn chế dòng chảy, hạn chế tác hại của lũ quét, cải thiện môi trường và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Thân tre từ 3 đến 5 tuổi còn dùng làm nguyên liệu phục vụ chế biến giấy, vật liệu xây dựng, mỹ nghệ, ván ép, làm tăm, làm đũa.

Giờ đây, nghề trồng tre lấy măng không chỉ phát triển ở Đăk K’Roong, K’Roong (huyện K’Bang), Kon Gan (huyện Đăk Đoa) mà còn nhân rộng ở các địa phương khác của tỉnh Gia Lai, sang cả Kon Tum, Đăk Lăk. Có điều, diện tích mở rộng, sản lượng tăng lên, nhưng thị trường tiêu thụ măng chưa nhiều. Hiện măng tre tươi chủ yếu được bán cho người dân trong vùng, phục vụ bữa ăn hàng ngày hoặc phơi khô để bán dần… chứ chưa có đầu ra căn cơ và lâu dài.

Theo cán bộ nông nghiệp các huyện Đăk Đoa và K’Bang (Gia Lai), đồng bào Banar ở đây đang phát triển nghề trồng tre lấy măng vì hiệu quả cao. Có nhiều gia đình trồng tới 2-3ha. Chính quyền địa phương vừa khuyến khích mở rộng diện tích vừa hướng dẫn đồng bào vận dụng đúng kỹ thuật: từ nhân giống, chăm bón đến thu hoạch, giúp bà con tăng thu nhập, thoát nghèo. Công ty Lâm nghiệp Đăk Roong hỗ trợ cây giống, trạm khuyến nông huyện K’Bang hỗ trợ phân bón, kỹ thuật, đến nay diện tích trồng tre lấy măng ở xã Đăk Roong đã phát triển hơn 50ha; xã K’Roong trên 20ha… Từ hiệu quả khả quan của cây tre, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã xây dựng thành dự án lớn để triển khai toàn tỉnh.