Rừng lại kêu cứu

Chưa bao giờ những cánh rừng nguyên sinh tại xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình lại bị tàn phá dữ dội như thế. Người ta lợi dụng mở tuyến đường xuyên Á từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi cửa khẩu Cha Lo, xuyên qua rừng để… phá rừng. Rừng bị phá công khai, lâm tặc lập lán trại trong rừng, hạ gỗ bằng cả cưa máy.

Tan hoang rừng Thuận Hóa


Rừng Thuận Hóa, theo các cán bộ lâm nghiệp địa phương, giáp với khu vực Khe Nét có nhiều chim thú quý vì ở đây mật độ che phủ lớn, cây gỗ cao hơn 10m, có nhiều nơi cây cao đến 30m. Tuy nhiên, hiện tại lợi dụng đường xuyên Á được mở qua rừng nên người dân địa phương ồ ạt vào rừng Thuận Hóa để phá rừng.


Men theo con đường công vụ của những đội làm đường, đi sâu vào rừng Thuận Hóa mới thấy toàn cảnh phá rừng rầm rộ. Đi một đoạn lại thấy từng tốp trâu từ 3 đến 5 con kéo gỗ ra khỏi rừng. Đi sau trâu là gỗ, sau gỗ là đàn ông, phụ nữ, thanh niên.
Bắt chuyện với một thanh niên được biết, gỗ ra gần đến trụ sở xã là được trả tiền, có người đưa đi tẩu tán, cứ một khúc gỗ dài 2,5m được mua với giá 300.000đ khi kéo ra khỏi bìa rừng. “Một ngày làm được hai chuyến, có khi được ba chuyến là hơn đi làm thuê, làm mướn”.


Một thợ sơn tràng tên T, thú thực: “Rừng Thuận Hóa là nơi đường xuyên qua, trước đây khó đặt chân đến vì quá rậm, không có cách chi vào được để hạ gỗ. Chừ mần ăn được rồi. Sáng vô là trưa có gỗ về, tiền lại về. Trưa vô là tối có gỗ ra, tiền lại về”.
Đi dọc đường bùn đất lầy lội, tạt vào bất cứ khúc cua nào cũng thấy ngổn ngang những dấu tích rừng bị phá. Công nghệ phá rừng không còn dấu tích của rìu, búa mà cưa máy chiếm ưu thế vì tàn phá nhanh.


Trung bình mỗi cưa máy một ngày hạ được khoảng 5m3 gỗ, để hạ được một khối gỗ cần triệt 2 cây to, khi hạ hai cây gỗ to như thế nó sẽ làm đổ một khu vực khoảng 30m2 xung quanh. Như vậy sức tán phá của cưa máy là rất lớn.


Càng đi sâu vào rừng Thuận Hóa, trâu bò được huy động tấp nập vào kéo gỗ. Nhiều bãi gỗ được đốn sẵn dưới mái ta luy âm của cung đường xuyên Á. Thâm nhập sâu vào những đường mòn kéo gỗ, lại nghe ầm ĩ tiếng cưa máy hoạt động, chốc chốc lại nghe tiếng rào rào của những thân gỗ ngã xuống. Rừng bị phá công khai, nhưng không có vụ bắt bớ nào trong mấy ngày chúng tôi có mặt tại Thuận Hóa.


Công ty tư nhân “ăn” 1.000m3 gỗ


Lợi dụng mở đường xuyên Á trên, một công ty tư nhân ở Hà Tĩnh có tên Phú Thành Lâm đã vào vùng rừng này chặt phá để “ăn” hơn 1.000m3 gỗ. Đơn vị trên ngay từ cuối năm 2005 đã thực hiện chiến dịch chặt phá rừng quy mô lớn với phương tiện vận tải cơ giới gồm xe reo và hàng chục phương tiện công nông khác.


Qua tìm hiểu được biết công ty này tại Hương Khê, Hà Tĩnh do ông S. làm giám đốc, được Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh thuê vào Km57 thuộc địa phận rừng Thuận Hóa, Quảng Bình chặt phá, tận thu rừng nguyên sinh.

Theo chân Công ty Phú Thành Lâm là hàng trăm người ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng “noi gương” đưa cưa máy, xe công nông vào chặt phá rừng để kiếm lợi.


Sự việc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh tự động thuê đơn vị tư nhân vào chặt phá rừng Quảng Bình đã được phát giác nhưng không hiểu vì sao, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu xử lý rốt ráo.


Chính vì thế, người dân địa phương ở Tuyên Hóa, Quảng Bình và Kỳ Anh, Hà Tĩnh thấy phá rừng có lợi lại không bị bắt bớ nên lao vào cật lực phá rừng lấy gỗ về bán kiếm lời.

Những ngày ở vùng rừng Thuận Hóa, cảnh tượng gỗ lậu ào ạt ra khỏi rừng như trẩy hội. Tiếng cưa máy cứ ì ầm mãi trong rừng. Hơn 40 xưởng cưa lậu hoạt động trên địa bàn huyện Tuyên Hóa là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc rừng bị phá. Nếu không có biện pháp đủ mạnh, chắc chắn rừng Thuận Hóa nguyên sinh nay mai chỉ là ký ức