Đổi mới tư duy trong tầm nhìn kinh tế biển Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo "Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản Việt Nam" do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 11/12, GS.TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam cho rằng: "Một trong những vấn đề trọng tâm nhất của Chiến lược biển – vấn đề tầm nhìn trong nội dung kinh tế của chiến lược, phải tiến hành đồng thời. Nó còn có giá trị gợi mở về phương pháp luận cho một tư duy phát triển của giai đoạn mới".

Trong hơn 20 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã chú trọng khai thác tiềm năng biển, sử dụng các nguồn lực biển phục vụ tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế. Khai thác dầu khí, thủy sản, du lịch, cảng biển, đóng tàu… trở thành những ngành kinh tế quan trọng, có sức tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, về tổng thể, việc khai thác tiềm năng biển vẫn còn nhiều hạn chế về quy mô, cơ cấu nên chưa đáp ứng yêu cầu đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tụt hậu. Nguyên nhân bao trùm và mang tính tiền đề, nổi bật trong bối cảnh hiện nay là tư duy tiểu nông với phương thức sinh tồn chỉ dựa vào đất, tầm nhìn tự cung tự cấp bị bó hẹp trong không gian làng xã cản trở quá trình xác lập và phát triển hệ tư duy theo hướng “mở”.

Để trở thành một quốc gia mạnh về biển với tầm nhìn dài hạn, Việt Nam phải triển khai các hoạt động nghiên cứu về biển, cả chiến lược, chính sách lẫn khoa học – công nghệ, nhưng phải đi trước một bước để mở lối tư duy, định hình khuôn khổ chiến lược và cung cấp các tri thức thực hành.

Một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam là hội nhập quốc tế. Các ngành kinh tế biển, trong đó ngành công nghiệp quan trọng là đóng tàu phải được mở cửa, hội nhập sâu rộng để thu hút công nghệ hiện đại, vốn lớn và nhiều hợp đồng hơn cho sự phát triển của ngành và các dịch vụ hàng hải.

Định hướng chính về quản lý phát triển kinh tế biển bền vững, Việt Nam phải tập trung nghiên cứu, đề xuất một mô hình nhưng cơ quan trung ương không trực tiếp quản lý việc sử dụng các tài nguyên môi trường. Các dạng tài nguyên, các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng… phải được quản lý theo chuyên ngành trong một cơ chế quyền lực điều phối thống nhất. Cơ quan quản lý tối cao phải định hướng, còn cơ quan chuyên ngành hay các địa phương phải nhận dạng vấn đề, đề xuất và giám sát, đánh giá.

TS. Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Trong Chiến lược biển, ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng, vì vậy việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất thủy sản biển phải là một nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất trên mọi lĩnh vực của ngành theo hướng hội nhập quốc tế, ưu tiên nghề cá biển.

Để phát triển nghề này, Việt Nam cần áp dụng nhanh công nghệ sau thu hoạch, lấy công nghệ sinh học làm gốc để giải quyết vấn đề dịch bệnh và tăng giá trị sản phẩm thủy sản, tạo thêm nghề mới trong các khu bảo tồn biển như câu cá, đánh cá giải trí, nuôi cá rạn san hô, nuôi thân thiện… cho người dân địa phương.

Trong thời gian tới, ngành thủy sản phải chú trọng giải quyết đồng bộ cả 3 vấn đề: ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường trong quá trình phát triển kinh tế thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền trên biển.

Trước mắt, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch hệ thống 15 khu bảo tồn biển đại diện với tổng diện tích bằng 0,3% vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đến năm 2010 và 3% đến năm 2020.

Hiện nay, dọc bờ biển phía bắc vịnh Bắc Bộ và tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã hình thành các cực phát triển rất mạnh với bán kính ảnh hưởng dự kiến đến năm 2020 ra toàn vùng biển Đông và các nước bắc ASEAN.

Trong bối cảnh như vậy, thành phố Đà Nẵng sẽ phải trở thành không chỉ một cực phát triển mạnh ở hành lang kinh tế miền Trung và ven biển Việt Nam mà là cực đối trọng chính của ASEAN ảnh hưởng về phía biển Đông và các nước Đông Bắc Á.

Để đạt được như vậy, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần phải đầu tư cho một số cực phát triển khác ở ven biển và các đảo có điều kiện trên biển để “tiếp lực và cộng hưởng” với Đà Nẵng ra phía vịnh Bắc Bộ, giữa biển Đông và Hoàng Sa, trong đó ưu tiên xây dựng các khu kinh tế mở ven biển và các đảo ven bờ.

Về tổ chức không gian biển – ven biển, Việt Nam cần tiến hành phân vùng chức năng cho từng đối tượng cụ thể, tính toán đầy đủ các nguồn nội lực và ngoại lực, phác thảo mô hình và đề xuất chính sách để huy động mọi nguồn lực thực hiện.