Chế biến rơm theo phương pháp đóng bánh

ThienNhien.Net – Rơm là một thành phần không thể thiếu trong khẩu phần ăn của trâu bò và các loại gia súc nhai lại ở nước ta, nhất là vào mùa khô ở các tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng rơm cho trâu bò còn hạn chế vì những lý do sau: giá trị dinh dưỡng của rơm thấp; dễ bị nấm mốc, nhất là rơm tươi; cồng kềnh, khó vận chuyển. Để giải quyết 3 vấn đề trên, tập thể tác giả thuộc Viện Chăn Nuôi đã tiến hành nghiên cứu và bước đầu cho kết quả khả quan công nghệ chế biến rơm, đặc biệt là rơm tươi theo phương pháp đóng bánh tại xã Liêu Tú, huyện Long phú, Sóc trăng và Trung tâm thực nghiệm Nông nghiệp Đồng Tháp Mười, Long An.

Qui trình công nghệ như sau: Rơm tươi được thu gom ngoài đồng → phun, tưới nước pha Urê đều vào rơm theo tỷ lệ 4% Urê và 20% nước → Ép khối bằng máy ép, khối lượng 15-18 kg/khối (kích thước 60X40X40 cm) → Buộc chặt bằng dây đai → Cho vào bao nylon (2 khối/ bao) → Cho tiếp vào bao gai và may miệng bao lại → Dự trữ ở nhiệt độ bình thường.

Sản phẩm rơm sau khi chế biến theo qui trình trên có màu vàng sẫm, mùi amoniac nồng, không có mốc trắng và đặc biệt là hàm lượng Protein tăng 2,11 lần; phẩm chất, chất lượng rơm tốt vẫn giữ được sau 60 ngày bảo quản.

Kết quả thử nghiệm sản phẩm tại trang trại bò thịt của ông Nguyễn Thanh Bình, xã Liêu Tú, Long Phú, Sóc Trăng cho thấy với khẩu phần thay thế 50% cỏ tự nhiên bằng sản phẩm rơm tươi ủ urê, thử nghiệm trong 3 tháng, lô thí nghiệm đạt 29 kg, trong khi lô đối chứng là 16 kg; Chi phí thức ăn/kg trọng lượng (theo đơn giá cuối năm 2007) ở lô thí nghiệm là 15.969 đồng so với 23.164 đồng ở lô đối chứng, tiết kiệm khoảng 30%.

Như vậy việc xử lý rơm tươi bằng urê và đóng bánh không những đã làm tăng giá trị dinh dưỡng của rơm, tăng thời gian bảo quản, thuận tiện khi bảo quản do chiếm ít diện tích mà còn làm tăng khả năng tăng trọng của bò thịt, giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi.