Công nghệ “làm sạch” đã sạch chưa ?

Xử lý ô nhiễm rất có thể lại gây ra ô nhiễm thứ cấp – đó là lời cảnh báo của các nhà khoa học khi bàn về mức độ “thân thiện môi trường” của công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam.

Theo ông Lê Minh Đức (Viện Chiến lược chính sách, Bộ Công Thương), trong tất cả các lĩnh vực, để bảo vệ môi trường luôn có hai hình thức được áp dụng: ngăn ngừa phát thải và xử lý chất thải.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới ở giai đoạn tập trung vào khâu xử lý chất thải cuối đường ống. Do đó, công nghệ xử lý chất thải đóng vai trò quyết định hiệu quả bảo vệ môi trường.

Đáng lưu ý, nhiều loại rác thải đang bị “lập lờ đánh lận con đen” với rác sinh hoạt thông thường, không có sự phân loại và xử lý triệt để. Trong khi công nghiệp cơ khí – luyện kim có khả năng gây ra cả 3 dạng ô nhiễm không khí, nước và đất, thì chất thải rắn của quá trình sản xuất này (có hàm lượng kim loại rất cao, ngoài ra còn dầu mỡ, chất khoáng…) vẫn được thải bỏ không theo quy hoạch, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng đất tại khu vực sản xuất. Tình trạng này cũng xảy ra đối với bùn thải (sản phẩm sau xử lý nước thải) của công nghịêp dệt – nhuộm.

Các chuyên gia phân tích cho biết, loại bùn thải này chứa một hàm lượng lớn kim loại nặng và các hóa chất nguy hại, nhưng đang được chôn lấp hoặc đổ chung với rác thải sinh hoạt.

Đối với chất thải y tế, những năm qua hệ thống xử lý đã được quan tâm đầu tư, song quy mô cũng như công nghệ của hệ thống xử lý vẫn còn bất hợp lý, khiến cho giá thành xử lý quá cao, trong khi nhiệt độ đốt (800 – 1.000 độ C) lại vẫn chưa đủ để tiêu hủy các chất thải rắn nguy hại, tạo ra ô nhiễm thứ cấp ở dạng khí. Đó là chưa kể một dạng ô nhiễm còn ít dược “nhận diện” – nguồn phóng xạ được sử dụng trong hoạt động chụp X-quang và tác động lây nhiễm các ô nhiễm từ hoạt đông y tế qua đường không khí nói chung. Mặt khác, “khoảng trống” về những công nghệ để có thể tái chế chất thải y tế đã dẫn đến những tiêu cực gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Theo các chuyên gia môi trường, trong lĩnh vực xử lý chất thải, việc lựa chọn công nghệ thích hợp là rất quan trọng, song đội ngũ các nhà tư vấn công nghệ VN được coi là còn thiếu và yếu. Điển hình là việc Công ty Bia – Rượu Viger hai lần thuê tư vấn giải quyết vấn đề chất thải của công ty, nhưng cả hai hệ thống xử lý nước thải đã xây dựng đều không đạt yêu cầu. Công ty Giấy Hoàng Văn Thụ (Thái Nguyên) cũng đầu tư hàng tỷ đồng để xử lý nước thải, nhưng rồi hệ thống bị bỏ không sau một thời gian ngắn vận hành.

Chia sẻ quan điểm này, TS Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và An toàn hóa chất cho biết thêm, xu hướng của thế giới là tiến tới sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường (EST). “Yêu cầu bảo vệ môi trường được đặt ra trong mọi công đoạn của quá trình sản xuất và tiêu dùng, nghĩa là toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Hiện nay mức độ thực hiện EST ở VN còn rất thấp”, ông nói.

Cuối cùng, yêu cầu vận hành, bảo trì sau lắp đặt cũng là thách thức. Có rất nhiều ví dụ về việc cán bộ vận hành hệ thống thiếu hiểu biết khiến cho hệ thống không phát huy được hiệu quả tối ưu. “Nguyên tắc rất đơn giản của một số hệ thống xử lý môi trường là phải hoạt động liên tục, chỉ cần làm gián đọan hoạt động là hiệu quả xử lý không những giảm mà còn có thể làm hỏng hệ thống nữa, nhưng đây là lỗi rất hay gặp”, ông Lê Minh Đức bình luận.

Tất nhiên, đó là loại trừ việc cho hệ thống hoạt động một cách hình thức để đối phó với các cơ quan giám sát, mà điều này cũng không phải là không phổ biến!