Dải san hô ngầm ở Đông Nam Á có nguy cơ biến mất

ThienNhien.Net – Theo một bản báo cáo của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), khoảng 100 triệu người sẽ có nguy cơ mất nhà cửa và sinh kế nếu không có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ dải san hô ngầm ở Đông Nam Á đang có nguy cơ biến mất trong những thập kỷ tới do biến đổi khí hậu.

Tam giác San hô – bao gồm các dải san hô thuộc Indonesia, Philippin, Malaysia, Papua Niu Ghine, đảo Solomon và Đông Timo – chiếm 1/3 số dải san hô trên thế giới và tới 35% số loài cá cư ngụ.

Thảm họa sinh thái biển có thể xảy ra

Bản báo cáo dài 220 trang của nhóm nghiên cứu thuộc WWF được trình bày tại Hội nghị Đại Dương Thế giới tại Manado đã cảnh báo rằng 100 triệu người đang sống dựa vào tài nguyên biển sẽ phải rời bờ biển và tìm công việc mới. Thêm vào đó, nếu lượng khí thải cac-bon không được cắt giảm từ 25% đến 40% trước năm 2020, nhiệt độ nước biển sẽ tăng lên khiến nhiều hệ sinh thái đại dương và một nửa số lượng cá sẽ biến mất.

Theo Bản báo cáo kêu gọi chúng ta cần phải hành động dứt khoát ngay từ bây giờ, nếu không tất sẽ xảy ra khủng hoảng lớn và hàng trăm nghìn loài sinh vật quý hiếm cùng toàn bộ cộng đồng và xã hội sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Các nhà khoa học đã cảnh báo nhiều lần rằng nhiệt độ tăng lên sẽ làm tan băng ở hai cực và khiến mực nước biển dâng cao, cuốn đi toàn bộ cộng đồng sinh vật đảo và hệ sinh thái ven biển. Lượng CO2 tăng lên làm tăng tính axit của biển, làm mòn vỏ sò, hủy diệt những dải san hô và sự sống dưới biển.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít câu hỏi về đại dương – một chủ thể giữ vai trò quan trọng trong việc hấp thụ cac-bon – một phần bởi công nghệ nghiên cứu về đại dương vẫn còn khá mới.

Bà Mary Glackin, Thứ Trưởng Hoa Kỳ về Đại dương và Khí quyển cho biết: “Chúng tôi đang mong muốn nâng cao hiểu biết về vai trò của đại dương đối với khí hậu. Đó là một thực thể sống thống nhất, vì thế ta cần quan tâm tới sinh vật nhỏ bé nhất cho tới động vật ăn thịt cấp cao. Sự axit hóa ảnh hưởng tới các loài sinh vật này rất có thể còn gây ra tác động dây chuyền khác”

Các loài cá rạn san hô, rừng ngập mặ và hệ sinh thái cỏ biển ở Đông Nam Á có thể mang lại thu nhập hàng năm là 3 tỷ USD nhờ các hoạt động đánh bắt cá, đồng thời tạo thành lớp bảo vệ ven bờ khỏi sóng to và đảm bảo nguồn thức ăn cho hàng triệu gia đình nghèo nhất trên thế giới ở khu vực này.

Không chỉ do biến đổi khí hậu mà hệ sinh thái đại dương còn dần biến mất do sự ô nhiễm, chất lượng nước suy giảm, đánh bắt quá mức và những kĩ thuật đánh bắt có tính huỷ diệt.

Một trong những nỗ lực bảo tồn

Indonesia, quần đảo lớn nhất thế giới, cho biết sẽ không đứng yên chờ đợi thảm họa. Quốc gia này đã mở một Khu Bảo tồn Biển mới ở Tam giác San hô với một hệ sinh thái đa dạng và độc đáo, được xem là đặc biệt có khả năng thích nghi với nhiệt độ nước biển tăng cao.

Khu bảo tồn có diện tích bằng diện tích của đất nước Hà Lan này là một hành lang di trú chính và ngôi nhà của 14 loài cá voi cùng các loài cá heo, cá nược, rùa biển và cá đuối. Khu bảo tồn này còn là nơi tập trung các loại san hô nhiều màu, cá, động vật giáp xác, thân mềm và thực vật.

Theo ông Freddy Numberi, Bộ trưởng Thủy sản và các vấn đề về biển, nếu được quản lý tốt, khu bảo tồn này có khả năng hỗ trợ ngành thủy sản phát triển bền vững và đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 2 triệu người trong khu vực.

Hội nghị về Đại dương kéo dài 5 ngày ở Manado được tổ chức nhằm định hướng các cuộc tranh luận khoa học về vai trò của đại dương trước thềm Cuộc họp về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc ở Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 12. Cuộc họp này sẽ thảo luận về Hiệp định mới nối tiếp Nghị Định Thư Kyoto hết hạn vào năm 2012.