Trăn trở cùng du lịch Việt

Không hẹn mà gặp, hai sinh viên cùng một khoa, một khóa, một trường đã thực hiện 2 đề tài về du lịch Việt và cùng tranh tài Giải thưởng Euréka lần 9 – 2007.

“Khu phố Tây” và Khao San

Trong suốt 3 tháng, cô sinh viên (SV) Đỗ Việt Hồng (khoa Đông Nam Á học, trường ĐH Mở TP.HCM) đã “lang thang” khắp “khu phố Tây” thuộc phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM. Cô tìm tới các cơ quan quản lý, gặp gỡ người dân, phỏng vấn du khách nước ngoài… để làm đề tài: “Từ kinh nghiệm của khu Khao San – Bangkok, Thái Lan, thử đề ra một số giải pháp phát triển mô hình “khu phố Tây” TP.HCM, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động du lịch Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới”.

Theo Hồng, Khao San và phố “Tây ba-lô” có những điểm tương đồng, như: cùng ở vị trí trung tâm thành phố; giá nhiều loại dịch vụ tương đối rẻ; ngoại ngữ của những người kinh doanh lẫn người dân ở đây khá…

Mặt khác, Hồng cũng chỉ ra những điểm mà Khao San “ăn đứt” khu phố Tây. Chẳng hạn, Khao San từ lâu đã có website chính thức và thường được quảng bá trên nhiều trang web khác. Tại Khao San, có nhiều dịch vụ lạ thu hút du khách (làm thẻ SV, bằng lái xe quốc tế, xăm mình, thắt bím tóc…) và nhiều lễ hội (Songkran, Tết Tây, Tết Nguyên đán). Khao San có rất nhiều quầy đổi tiền hoạt động 24/24 và nhiều máy ATM. Cảnh sát khu vực này luôn luôn có mặt đầu các con đường và thường xuyên tuần tra. Còn “khu phố Tây” chỉ có 4 người/ca trực đi tuần bảo vệ khách du lịch, song những người này không có thẩm quyền giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự…

Hôm Việt Hồng báo cáo đề tài trước Hội đồng khoa học xã hội trong vòng chung kết Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học – Euréka (ngày 24/12), PGS – TS Phan An đã hỏi: “Để phát triển khu phố Tây tại TP.HCM, đâu là những giải pháp khả thi?”. Việt Hồng trình bày: “Thưa, đó là việc xây dựng và quảng bá thương hiệu; tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ; thành lập trung tâm hướng dẫn du khách; lắp đặt mạng internet không dây…”. “Còn khó khăn nhất?”. Việt Hồng đáp: “Chính là việc cải thiện cơ sở hạ tầng, mỹ quan khu vực!”.

Đỗ Việt Hồng chia sẻ: “Mình thấy tiếc vì sắp ra trường mới đến với sân chơi Euréka. Như nhiều SV khác, mình từng nghĩ rằng tham gia chỉ mất nhiều thời gian. Nhưng thực ra, sân chơi này rất bổ ích, nhất là khi bạn tìm được đề tài hay để đeo đuổi!”.

Sabah và Côn Đảo

“Sabah là một bang nổi tiếng về du lịch của Malaysia. Sabah có gì, hầu như Côn Đảo ta có nấy. Cả hai đều có núi, có biển, có đầy đủ tiềm năng làm du lịch sinh thái. Nhưng, sao Côn Đảo chưa thể níu chân du khách?” – Nguyễn Hữu Ân, SV năm 4 khoa Đông Nam Á, trường ĐH Mở TP.HCM trăn trở.

 huuan
Nguyễn Hữu Ân và rùa vàng tại trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh (Bà Rịa-Vũng Tàu) (Ảnh: Hữu Ân).  

Do vậy, Ân đã quyết tâm thực hiện công trình nghiên cứu: “Tiềm năng và phát triển du lịch sinh thái Côn Đảo – So sánh với bang Sabah, Malaysia”.

Sau khi trình bày tóm tắt đề tài, Ân đã nhận được những câu hỏi khá hóc búa và thú vị từ TS Phạm Thị Xuân Thọ – Hội đồng khoa học xã hội. TS Thọ: “Ý tưởng rất tốt. Trăn trở rất đúng. Nhưng, em hãy cho tôi biết nếu Côn Đảo mỗi năm thu hút 3 triệu du khách như Sabah thì có đáng mừng không?”. Ân: “Dạ… không ạ! Bởi vì về diện tích, Côn Đảo nhỏ hơn nhiều so với Sabah, nên nếu lượng khách quá đông, sức chứa du lịch sẽ bị phá vỡ!”. TS Thọ gật đầu rồi hỏi tiếp: “Sự phát triển du lịch sinh thái ở Sabah rất mạnh, trong khi ở Côn Đảo chưa thấy thể hiện rõ. Nếu lấy hai khu này để so sánh thì có khập khiễng không?”. Ân bình tĩnh: “Trong phạm vi nghiên cứu, em có tập trung vào một số lợi thế tương đồng mà Côn Đảo có thể phát huy, như du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo, lặn biển ngắm san hô, lướt sóng, leo núi, xem rùa đẻ trứng…”.

Phần phụ lục đề tài, Ân giới thiệu: “Tour mẫu 4 ngày 3 đêm du lịch sinh thái kết hợp các di tích lịch sử cách mạng” do chính mình thiết kế. Trong đó, giá trọn gói dành cho học sinh, SV khá “mềm”: 995.000 đồng (đi tàu) và khoảng 1,9 triệu đồng (máy bay).

Theo Ân, ý tưởng này không quá khó để thành hiện thực. Tuy nhiên, Côn Đảo cần có nguồn nhân lực và đầu tư thích đáng. Chàng trai này còn đề xuất Thành Đoàn TP.HCM nên phối hợp với UBND huyện Côn Đảo tổ chức Chiến dịch Mùa hè xanh hằng năm trên đảo. Điều cần thiết là sau các chiến dịch tình nguyện, làm sao thu hút các bạn trẻ trở lại Côn Đảo phục vụ…

Nguyễn Hữu Ân được bình chọn là Công dân trẻ TP.HCM. Ít ai biết Ân viết đề tài trên khi đang chăm sóc người mẹ nuôi (mà Ân xem như là mẹ ruột của mình) trong Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Nhiều đêm, khi người mẹ thiêm thiếp ngủ, Ân ngồi viết ngay dưới chân giường bệnh. Mẹ Ân mất trước khi vòng chung kết Euréka diễn ra mấy ngày… “Tôi biết má đã nén nỗi đau, động viên tôi làm đề tài. Vì vậy, tôi càng không thể bỏ cuộc!” – Ân tâm sự.