Cư dân Long Bình… kêu cứu!

Suốt 10 năm nay, các cơ quan báo chí của TP.HCM đã phản ánh rất nhiều lần về tình trạng ô nhiễm môi trường, đường sá xuống cấp do hoạt động của hơn 90 lò gạch trên địa bàn phường Long Bình, quận 9. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình trên vẫn… như cũ!

Những cung đường chết!

Trước tần suất hoạt động không ngơi nghỉ của những đoàn xe tải, đường Nguyễn Xiển và những đường nhánh rẽ vào các lò gạch thuộc phường Long Bình quận 9 đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trên con đường nhỏ rộng chừng 3 – 4m, từng hàng container dài ngoằng, những chiếc xe tải chở đất đá lừng lững nối đuôi nhau phun khói mù mịt. Đến đoạn cầu Ông Tán, “ổ trâu”, “ổ voi” lổn nhổn, lộc khộc. Đoạn từ ấp cầu Ông Tán đến ngã ba Tân Vạn dày đặc các “hố bom” rộng như mặt ao. Đoạn đường chạy qua ấp Thái Bình 1 thì lầy lội kinh khủng. Gạch và các đống đất dùng để đúc gạch đổ tràn ra mặt đường. Xe chở đất vương vãi ép dính khối đất sét xuống mặt đường, biến con đường thành một bãi sình lầy lội.

Cô Hai Mãi – nhà đối diện với cảng gỗ Mê Kông, nói: “Chúng tôi khổ vì bụi than, bụi đất rồi bụi gạch đá. Dân ở đây đi xe máy còn khó huống chi là đi bộ”.

Anh Hưng, nhà ở ven đường bức xúc: “Ở đây riết rồi sợ bị bệnh ho lao. Giặt đồ không dám giặt ban ngày, phải tranh thủ giặt buổi tối, sáng sớm phơi một lúc rồi mang vào nhà sấy bằng quạt. Bữa nào đem vô trễ một chút là bị sình bắn, khói bụi ám còn dơ hơn lúc chưa giặt”.

Gần 2.000 lượt xe tải hạng nặng/ngày

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Phước Sơn cho biết: cơ sở của chị có từ trước 1979. Công ty gồm 2 lò sản xuất gạch. Thời gian sản xuất cao điểm là vào mùa khô. Nếu khoán cho công nhân, một tháng có thể làm hơn 10 mẻ, mỗi mẻ ra lò khoảng 50.000 – 80.000 viên, cứ 2 – 3 ngày sản xuất đầy lò. Để cho ra một mẻ gạch (1 lò), về nguyên liệu cần 3 xe củi (mỗi xe trên 10 tấn – chưa kể xác xe), 1 xe mùn cưa, 10 xe đất (vận chuyển 700 khối đất tương đương 700 tấn).

Anh Đoàn Văn Sơn, chủ lò gạch Tiến Thành, thành lập từ năm 1991 cho biết: Khi gạch xuất lò, để vận chuyển 80.000 viên gạch bằng xe tải nhỏ cũng phải cần 8-10 xe. Chúng tôi thử làm một phép tính nhỏ: để sản xuất 1 mẻ gạch, chủ lò cần 24 xe chở nguyên liệu và sản phẩm, vị chi có 48 lượt vào ra. Một tháng mỗi lò gạch cho ra 10 mẻ gạch. Phường Long Bình có hơn 90/120 lò gạch trên địa bàn quận 9 đang hoạt động.

Như vậy, chỉ riêng phục vụ cho công đoạn vận chuyển của các lò gạch, mỗi tháng, những con đường đất nhỏ tội nghiệp ở đây phải oằn lưng đón nhận gần 55.000 ngàn lượt xe tải vào ra bất kể ngày đêm. Đó là chưa kể một lượng lớn xe tải hạng nặng vận chuyển than, gỗ cho cảng gỗ Mê Kông. Theo các chủ lò tại đây, xe chở hàng cho cảng có trọng tải từ 30 – 50 tấn. Vậy thì đường nào chịu nổi?

 

Lò gạch vẫn ngang nhiên “nhả khói” đen mù mịt ngày đêm.

Một quyết định bị… bỏ quên

Ngày 24/07/2000, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm ký Quyết định số 15/2000/QĐ- BXD quy định việc đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung. Theo đó: “Đến năm 2005 loại ra khỏi vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn huyện các lò thủ công. Tới năm 2010 không còn lò thủ công sản xuất gạch ngói, đất sét nung tại tất cả các địa phương”. Thế nhưng, từ thời điểm đó cho tới năm 2007, các chủ lò vẫn chưa có lộ trình và kế hoạch di dời các lò gạch ra khỏi nội thị.

Được biết, UBND quận 9 đã không cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh mới, không gia hạn giấy phép cho những lò gạch đang hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, việc không cấp giấy phép mới chỉ có tác dụng khống chế số lượng các lò gạch. Còn lại, các chủ lò cũ (theo thống kê toàn quận có khoảng hơn 120 lò), dù không được gia hạn giấy phép sản xuất vẫn ngang nhiên hoạt động như không có chuyện gì xảy ra (!).

Cũng cần nói thêm rằng, trong quyết định của Bộ Xây dựng, các lò gạch phải “nghiêm chỉnh thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng, không được nhóm lò, đốt lò, nung gạch ngói bằng củi, gỗ”. Thế nhưng, để hạn chế khói thải độc hại từ các lò gạch, cơ quan chức năng quận chỉ yêu cầu chủ lò không được đốt lò bằng vỏ hạt điều, lốp xe, cao su, dầu cặn và chuyển sang… đốt bằng củi gỗ (!).

Tuy nhiên, theo anh Phạm Thanh Phước, cán bộ Phòng TN-MT quận 9: “Nếu đốt lò bằng củi gỗ nhưng người đốt cứ tống nguyên liệu vào quá nhiều vẫn sinh ra lửa vàng sậm, khói đen đặc, ảnh hưởng tới môi trường”.

Kiểm tra thi thoảng, xử phạt chiếu lệ

Được biết thời gian gần đây, công an quận có kiểm tra, kiểm soát tải trọng và tần suất ra vào của các xe chở đất đá nhưng theo phản ánh của người dân, phía công an không lập chốt gác mà chỉ thi thoảng tuần tra nên kết quả chẳng được là bao. Các xe tải quá tải không chạy được ban ngày thì chạy ban đêm. Hầu hết xe chở than của Công ty TNHH Mê Kông cứ 11 – 12 giờ đêm mới hoạt động.

Hàng năm, theo kế hoạch, Phòng TN-MT quận 9 tổ chức 2 đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Gần đây nhất, phòng đã kiểm tra khoảng 100 cơ sở theo danh sách của các phường.

Chị Lê Thị Thủy, Phó phòng TN-MT quận, cho biết: “Hầu như các cơ sở bị kiểm tra đều có vi phạm và bị xử phạt. Qua phản ánh của người dân, dù vẫn biết là họ có xả thải gây ô nhiễm nhưng chúng tôi không thể xử phạt theo khung phạt quy định do không có thiết bị đo đạc để đưa ra số liệu chính xác. Quận chỉ xử phạt họ vào các vi phạm như không có hệ thống xử lý khí thải, sử dụng chất đốt không đúng quy định, không có giấy đăng ký cam kết bảo vệ môi trường…”.

Việc xử phạt định kỳ, đúng người nhưng chưa đúng tội, thiếu tội này trong nhiều năm qua đã gây tâm lý “lờn thuốc” trong các chủ lò gạch, khiến họ không những không thu hẹp mà còn tăng sản xuất, làm môi trường, đường sá ngày một ô nhiễm, xuống cấp.

Kế hoạch di dời: vẫn là… dự thảo

Quý 3/2007, UBND quận 9 giao Phòng TN-MT xây dựng phương án, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn theo tinh thần Quyết định 15 của Bộ Xây dựng. Theo đó, từ quý 4/2007 đến tháng 06/2008 sẽ tổ chức công bố kế hoạch di dời, thống kê lượng lao động thất nghiệp và phát phiếu thăm dò ý kiến các chủ lò gạch.

Tháng 06/2008 đến tháng 06/2009 xin chủ trương của TP hỗ trợ các hộ sản xuất nằm trong diện phải di dời, thúc đẩy tiến độ xây dựng dự án KCN Long Sơn và bố trí những cơ sở có khả năng chuyển sang công nghệ sản xuất tuy-nen vào KCN này. Giai đoạn từ tháng 06/2009 đến tháng 12/2009: bắt buộc di dời hoặc ngừng sản xuất đối với các cơ sở không có khả năng chuyển đổi công nghệ.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất của Phòng TN-MT quận. Sau khi lấy ý kiến của các phòng ban chuyên môn, Phòng TN-MT mới trình UBND quận thông qua và trình lên UBND TP.

Khi nào đề án được thông qua? Và quan trọng hơn, khi nào thì hơn 90 lò gạch thủ công giữa lòng đô thị TP.HCM ngưng đốt, để người dân phường Long Bình không còn phải “kêu cứu” vì sống chung với ô nhiễm môi trường và hạ tầng bị phá nát? Lẽ nào cử tri TP phải đợi đến sau năm 2009 mới có được câu trả lời?