“Săn” lâm tặc

Lần đầu tiên trong đời được đi "săn" lâm tặc. Và, cũng là lần đầu tiên được chứng kiến cảnh "rừng vàng" bị tàn phá. Thế mới biết, mới kính trọng biết bao nhiêu tấm gương đã ngã xuống vì rừng. Trước những tán rừng xơ xác, cây cối nghiêng ngả, gốc cây trơ trọi, máu đang quằn quại chảy…, có lẽ ai cũng cảm thấy xót xa cho những cánh rừng đại ngàn đang dần bị tàn phá.

“Rừng Thanh Thuỷ (Thanh Chương – Nghệ An) đã bị lâm tặc “mò” đến rồi. Mấy chục năm công lao giữ rừng, dân mình không ai vi sơ thế mà giặc rừng bắt đầu phá…”. Câu chuyện ấy tình cờ được kể từ một lãnh đạo huyện Thanh Chương. Đồng chí đó còn tiết lộ, tới đây sẽ “phát” công văn đề nghị làm việc với huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) để bàn về việc phối hợp bảo vệ rừng, vì nóng ruột quá…

Tan hoang đại ngàn

Trong hành trình tuần rừng săn lâm tặc, anh em kiểm lâm phải cuốc bộ 10km, hết trèo đèo lại đến lội suối. Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Thanh Chương – Phan Tuấn Ngũ – nhắc nhở anh em cho đạn lên nòng, kiểm tra lần cuối các phương án tác chiến. Nhưng đi khoảng 3km rồi mà chưa thấy dấu vết của lâm tặc đâu cả.

Đến ranh giới rừng, anh Ngũ ra hiệu cho cả tổ dừng lại. Chỉ nửa bước chân nữa là rừng của Sơn Hồng, huyện Hương Sơn. Phía bên này gọi là rừng Chéch do Tổng đội TNXP 5 quản lý và bảo vệ. Rừng Chéch có 13km giáp ranh với xã Sơn Hồng và 5,5km giáp với nước bạn Lào. Phần giáp Lào không có gì đáng ngại. Gay nhất là điểm này. Lâm tặc từ các xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh… lợi dụng địa bàn giáp ranh này để phá rừng. Từ nhiều năm nay, lâm tặc trắng trợn đốn hạ, ngang nhiên vận chuyển như thế. Bây giờ bên kia tan hoang rồi thì chúng sang đánh lén bên mình.

Tổng đội trưởng Đông cho hay, rừng Chéch của các anh đã mất 30 cây. Từ trước đến nay không hề có việc này, mới từ đầu năm lâm tặc dám liều lĩnh sang cả rừng Nghệ An để phá. Anh cũng cho biết: “Nếu chỉ riêng lực lượng của tổng đội tuần rừng thì đến đây là phải dừng. Mình không thể đi sâu vào đất của họ. Chỉ hôm nào có cán bộ kiểm lâm hoặc bộ đội biên phòng đi cùng mới vào sâu như hôm nay”.

Cả đội lại tiếp tục đi, lò dò, lặng lẽ. Toán đi trước bỗng nhiên dừng lại. Đường đã bị tắc. Thì ra, lâm tặc đã hạ mấy cây gỗ chắn ngang, chặn đường tuần rừng. Anh Ngũ ra lệnh chuyển hướng, cả tổ đằng sau quay hướng về đỉnh dốc Bo Đượm. Đây là tiểu khu 1007 với 6.000ha rừng, trong đó có nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, táu, dổi… Vừa đi vừa đếm, lên tới đỉnh dốc đã có đến có 25 cây bị hạ. Có những gốc còn tươi rói, nhựa cây đang quằn quại ứa ra.

 san lam tac
 Những gốc cây ứa máu.

Trạm phó Kiểm lâm địa bàn Thanh Thuỷ – Phạm Xuân Đường cho hay: Thế là lâm tặc đã “mò” sang rừng mình hơn 100 mét rồi. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy nhiều cây gỗ được khắc tên người trên đó, đại loại như Đạt Sâm, Lương Hùng… Anh Đường giải thích: Trắng trợn thế đấy. Đốn cây xong chúng còn “tăm” thêm những cây khác có giá trị, rồi khắc tên làm dấu để khẳng định “quyền sở hữu”.

Theo quyết định của anh Ngũ, cả đội luồn sâu vào rừng Sơn Hồng chừng hơn 3km. Thỉnh thoảng tiếng đóng móc sắt vào gỗ lại vang lên chát chúa. Rồi cả tiếng cưa máy ngang nhiên gầm rú. “Như thế thì còn đâu là rừng” – anh Đường buột miệng. Rồi anh Ngũ giảng giải: Trước đây do bên mình có chủ trương tận thu nên rừng Sơn Hồng đẹp lắm. Những cây lim xanh, táu, dổi… phải mấy người ôm không xuể. Tôi đã bám rừng này đến 27 năm rồi, mỗi năm lại thấy rừng trơ lá mà nóng ruột.

Theo hướng tay anh, cả đội băm bổ tới những gốc cây tang thương mà lặng người đớn đau. Không còn gỗ để mà phá hàng loạt nên lâm tặc đành phải “chịu khó” tỉa từng cây một. Một cây bị hạ, hàng chục cây khác đổ theo tạo nên một khung cảnh chỏng chơ, hoang tàn…

“Vượt biên” tóm lâm tặc

Tiếng của Trạm phó Đường vang lên có vẻ khẩn cấp: Thấy dấu vết mới. Cả tổ nhanh chóng triển khai đội hình. Những dấu chân trâu trầy trật trên mặt đất rồi những vệt tròn đứt quãng đã cho thấy lâm tặc vừa mới chuyển gỗ ra bãi tập kết. Rất kinh nghiệm, anh Đường dùng tay sờ nhẹ theo vệt kéo và cho biết: Chắc chắn chúng mới kéo sáng nay, bây giờ ta vây bắt vẫn kịp. Cả đội chia thành hai mũi, cứ thế theo dấu chân trâu để truy tìm lâm tặc.

Anh Ngũ cho biết: Cách đây chừng 2km là một bãi tập kết gỗ cực lớn thuộc địa phận xã Sơn Hồng. Có những hôm chúng huy động đến hàng chục xe kéo, toàn những con trâu mộng lực lưỡng. Hôm trước, tổ tuần tra vây bắt được một tên nhưng bị chống trả quyết liệt.

Hôm đó cũng tuần tra như thế này, cây cồng lúc nãy ở đỉnh Bo Đượm bị lâm tặc đốn hạ và đã chuyển ra bãi Sơn Hồng, cả đội liền tổ chức vây bắt. Mấy lâm tặc đang hì hục cho gỗ lên xe thì mình hô: Đứng yên! Đường xông vào liền bị dùng dao chém liên tục. Cậu ấy thế mà nhanh, tay rút súng, chân đạp rơi dao, khống chế ngay được một tên.

 sanlamtac
 Lần theo dấu vết lâm tặc.

Dẫn cả người, phương tiện và tang vật về đến trạm thì đã gần 8 giờ tối, bở cả hơi tai. Mà tên này lì lắm, mặt mũi rất bặm trợn, hung hãn, mãi mới chịu khai tên tuổi, quê quán để lập biên bản. Tên Nguyễn Văn Thân, 40 tuổi, trú ở xã Sơn Lĩnh (Hương Sơn – Hà Tĩnh) bị ta thu một con trâu, một xe kéo cùng tang vật là 3 khúc gỗ cồng và phạt 1,4 triệu đồng.

Bãi gỗ đã ở trước mắt, thấy rõ hai con trâu rồi, cả xe kéo nữa. Một vài khúc gỗ chơ chỏng gần bìa rừng. Lâm tặc có hai tên, hình như đang chuẩn bị cho gỗ lên xe. Anh Ngũ ra lệnh áp sát đối tượng! Mũi một xông lên, đồng chí Lan hô to: Đứng yên! Lập tức, đồng chí Đường tước ngay hai con dao của lâm tặc. Bọn chúng không kịp trở tay, đành ngoan ngoãn ngồi bệt xuống đống gỗ. Có tất cả 9 khúc: hai khúc gỗ lim, một phiến gỗ dổi, còn lại là gỗ cồng.

“Lạy các anh, xin các anh tha cho chúng tôi lần này” – một tên kêu xin thống thiết. Tên này là Lê Xuân Ngọc, sinh năm 1966, trú tại xóm 8, xã Sơn Hồng và đồng bọn đi cùng là Nguyễn Hồng Lệ, sinh năm 1968 trú cùng xã. Hai tên này còn khai về quan hệ là anh rể và em vợ. Lúc này anh Lan tiết lộ thêm, đặc điểm của lâm tặc vùng này là anh em, họ hàng mới đi với nhau, ít khi đi cùng người ngoài. Tiếp tục tra hỏi, bọn chúng cho biết: “Xã cũng có cấm nhưng xin thì họ cho. Mình chở gỗ cho khéo léo thì không ai bắt cả… (?)”.

Gỗ có thể chặt được, nhưng để đưa được về đâu phải là chuyện dễ. Hơn nữa, rừng đã tan hoang thế này mà không ai có biện pháp gì sao? Không lẽ các quy định của Chính phủ đang bị chính quyền xã Sơn Hồng và huyện Hương Sơn phớt lờ? Đồng chí Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Thanh Chương Phan Tuấn Ngũ không dám bình luận gì về những thắc mắc ấy, vì đó là rừng của tỉnh khác quản lý, rất tế nhị.

Tuy nhiên, anh cũng rất bức xúc: “Chúng tôi cực chẳng đã mới phải “vượt biên” sang bên này để tuần rừng. Nhưng nếu không làm thế thì không giữ được rừng của mình. Cứ phải áp đảo trước. Tôi cũng suy nghĩ, để lâm tặc vận chuyển được gỗ về đâu phải chuyện dễ dàng, cứ nhìn bên Thanh Chương thì biết, không một tấc gỗ ra khỏi rừng. Theo tôi, cần phải có sự phối hợp và phải ra quy chế bảo vệ rừng giữa chính quyền hai tỉnh, hai huyện, hai xã và ngành kiểm lâm hai bên”.

Cuối cùng đồng chí hạt trưởng khẳng định: Dù trạm kiểm lâm địa bàn Thanh Thuỷ chỉ có 6 người, lại phụ trách đến 16 xã nhưng chúng tôi thề không để nạn phá rừng xảy ra, tuyệt đối không có điểm nóng. Anh cũng tiết lộ bí quyết “4 trong 1” để giữ rừng: Kiểm lâm phát huy là lực lượng nòng cốt, chủ động kết hợp chặt chẽ với các lực lượng: Chủ rừng, bộ đội biên phòng và công an, tất cả phải thực sự trách nhiệm với rừng, với nhân dân thì không lý gì không giữ được rừng!