Hà Tĩnh: Những công trình hủy hoại tài nguyên

ThienNhien.Net – Bão, lũ đi qua dấu tích mà nó để lại là sạt lở, xói mòn khiến cho những người dân sống hai bên sông Ngàn Phố nơm nớp lo sợ. Nhiều người than rằng, rừng đầu nguồn đang bị tàn phá khiến cho môi trường nơi đây ngày càng bị suy thoái.

Cơn lũ lịch sử năm 2002 đi qua, hậu quả để lại nặng nề nhất, làm chết 13 người chết và cuốn đi hàng ngàn ngôi nhà; hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp, đất màu bị vùi lấp. Giờ đây nơi đó là những bãi đất đá xen lẫn, cỏ cây lơ thơ như hoang mạc, và là nơi chăn thả trâu bò. Dân ngày một đông thêm mà đất thì không thể sinh sản, cũng chẳng thể phục hồi.

Theo ông Chủ tịch xã Trần Quốc Việt, hơn 100ha đất sản xuất màu mỡ trước kia, giờ còn chưa đầy một nửa, cả về diện tích lẫn năng suất. Dòng Ngàn Phố trước kia rộng khoảng 200-300m sau cơn lũ bị phá tan tành, dòng chảy thay đổi. Chỉ cần một trận mưa thì dòng sông này như một con thuỷ thần hung dữ ngăn cản người dân qua lại.

Ông Việt than thở: “Chưa làm thuỷ điện Hương Sơn, mực nước sông Nậm Sốt cao gấp đôi sông Rào Àn, nhưng kể từ khi xây dựng nhà máy thuỷ điện Hương Sơn, mực nước sông Nậm Sốt chỉ bằng ½ sông Rào Àn”. Một số người dân ở hạ lưu thuỷ điện Hương Sơn cho biết kể từ ngày làm thuỷ điện Hương Sơn, chưa có năm nào nước sông Ngàn Phố trong xanh được một ngày chứ không như trước đây người ta có thể “nhìn thấy cá bơi tận đáy sông”.

Theo tính toán ban đầu, dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Hương Sơn chỉ khai thác 105ha diện tích rừng, dự kiến sẽ hoà lưới điện quốc gia năm 2006, thế nhưng khi chúng tôi có mặt tại công trình, mọi thứ nơi đây còn ngổn ngang và ít nhất 300 ha rừng đã bị “khai tử”. Hàng ngàn người dân xã Sơn Kim I, II nói riêng và người dân Hương Sơn nói chung đang sống trong cảnh lo sợ tái diễn lũ quét như hồi năm 2002.

Điều đáng nói là trước và khi đang xây dựng công trình thuỷ điện này, các cơ quan liên quan cũng đã ít nhiều bàn đến chuyện tác động xấu đến môi trường nơi đây như làm giảm khả năng sinh sản của hệ sinh thái dưới nước, trên cạn và đặc biệt là tác động đến môi trường kinh tế xã hội. Cụ thể, việc xây dựng nhà máy khu vực này, cách xa trung tâm, gần với biên giới Việt – Lào dễ sinh ra chuyện buôn bán hàng quốc cấm; lợi dụng săn bắt động vật rừng, theo đó một phần có nhiều khả năng lâm tặc “ăn theo” để phá rừng nguyên sinh.

Ông Việt cho biết từ ngày công trình thuỷ điện Hương Sơn được triển khai nguồn nước sinh hoạt địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Trước năm 2004, dân Sơn Kim chưa từng thiếu nước sinh hoạt, nhưng từ khi “nhà máy về làng” thì nguồn nước sinh hoạt của người dân dường như hao hụt rất nhiều. Mạch nước ngầm ở Sơn Kim hầu hết bị tụt xuống từ 0,5-1m.

Bác Nguyễn Văn Phượng, xóm Quyết Thắng xã Sơn Kim than vãn: “Hồi cơn lũ quét năm 2002, tưởng là cả làng chết sạch. Nó tàn phá kinh khủng. Các anh thấy đó, cả cánh đồng trên 100ha bây giờ chỉ còn lại là đá lăn từ trên đầu nguồn nằm lấp lại đây. Bây giờ, công trình thuỷ điện Hương Sơn đang xây dựng dở dang như thế, nếu có một cơn lũ thì dân bà tui ở dưới này chỉ có cách chạy sang Lào thì mới thoát thân, tui nghe nói đường vào công trường thuỷ điện sạt hàng trăm chỗ nguy hiểm lắm phải không?”

 huongson1
Sạt lở luôn luôn đe dọa môi trường ở thượng nguồn Thủy điện Hương Sơn và đang đe dọa đến sinh thái môi trường nơi đây.

Một vấn đề đặt ra, liệu công trình thuỷ điện Hương Sơn từ nay cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng biết bao rủi ro đang chờ phía trước và đến chừng nào thì người dân, cán bộ xã mới hết lo. Trong khi đó, Thuỷ điện Hương Sơn chưa đâu vào đâu, thì UBND Hà Tĩnh đã và đang lên kế hoạch sẽ cho xây dựng thêm hai nhà máy thuỷ điện nữa là Rào Àn I và II cũng đóng trên địa bàn xã Sơn Kim và dòng sông Rào Àn là điểm đặt cho dự án. Dự án đã và đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ

Khi hay tin tỉnh Hà Tĩnh cho làm thêm hai nhà máy thuỷ điện nữa trên địa bàn xã, hầu hết nhân dân Sơn Kim đã phản đối gay gắt? Để kết thúc bài viết này, chúng tôi được anh Việt nhắc lại câu nói của một vị có quyền chức ở huyện Hương Sơn nói về tác hại, suy thoái về môi trường việc xây dựng thuỷ điện Hương Sơn ở khu vực này là: “Thiếu điện thì chưa chết, nhưng thiếu nước thì nhân dân Hương Sơn sẽ chết và Hương Sơn chỉ còn lại một mảnh rừng như thế nữa mà thôi”.