Than đá với quá khứ và tương lai của Trung Quốc

ThienNhien.Net – Hãng tin AP cho biết mưa axít và ô nhiễm không khí với nguồn gốc chủ yếu do đốt than đã góp phần làm suy giảm chất lượng của 80% trong tổng số 33 di sản thế giới tại Trung Quốc. Trên khắp đất nước, các hạt bụi từ khói than đã phủ đen các công trình kiến trúc lịch sử cũng như các pho tượng kể cả bức tượng Lạc Sơn Đại Phât khổng lồ cao 17m làm bằng đá sa thạch dựng tại tỉnh Tứ Xuyên từ thế kỉ thứ 7.

Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng ở Trung Quốc không chỉ để lại dấu ấn trên những di sản. Theo ông Jiang Fan, phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Kế hoạch hoá gia đình thì cứ 30 giây lại có một trẻ em sinh ra có dị tật. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ sơ sinh khuyết tật trên toàn quốc đã tăng 40%, từ 105/1000 vào năm 2001 lên 146/1000 như hiện nay. Báo cáo gần đây của Uỷ ban này cho biết cứ 10 gia đình lại có 1 gia đình gánh chịu hậu quả này.

Tỷ lệ trẻ khuyết tật cao nhất là ở phía bắc tỉnh Sơn Tây -khu vực có trữ lượng than lớn nhất đất nước. Theo lời ông An Huanxiao, trưởng ban kế hoạch hoá gia đình của tỉnh phát biểu với Tân Hoa xã thì “Ô nhiễm môi trường gây ra dị tật của trẻ”.

“Các số liệu khảo sát cho thấy tỷ lệ trẻ khuyết tật tại khu vực khai thác than lớn thứ 8 đất nước này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước”

Theo Viện Giám soát Toàn cầu, cơ quan vừa công bố báo cáo mang tên: Đẩy mạnh phát triển Trung Quốc: Vai trò của nguồn năng lượng có thể tái tạo lại được, thì hiện nay, 70% năng lượng chủ yếu của Trung Quốc là từ than đá so với 25% ở Mỹ và Nhật Bản. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng than đá được sử dụng để đáp ứng nhu cầu đa dạng về năng lượng trong nội địa bao gồm điện năng, nhiệt năng và đây cũng là nguồn cung cấp 80% sản lượng điện của Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang theo đuổi những khả năng mới trong vấn đề năng lượng bao gồm các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như sử dụng các năng lượng có thể tái tạo lại được như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Báo cáo của Viện Giám sát toàn cầu cũng cho hay, Trung Quốc có thể đạt và thậm chí có thể vượt mục tiêu là cho đến năm 2002, 15% năng lượng và 20% điện năng được sản xuất từ nguồn năng lượng có thể tái tạo lại được.