Thanh Hóa: Rừng luồng suy thoái do bị khai thác quá mức

Khảo sát mới của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho thấy: hiện có hơn 77% diện tích rừng luồng của tỉnh đang bị suy thoái, nghèo kiệt do bị khai thác quá mức và không được chăm sóc đúng quy trình.

Thanh Hóa có 69.037 ha rừng luồng, phân bố ở 16 huyện miền núi và trung du, chiếm tới 55,9% tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh và chiếm khoảng 55% tổng diện tích luồng cả nước. Luồng Thanh Hóa có chất lượng tốt và là loài cây bản địa dễ trồng, trồng một lần có thể thu hoạch 40 đến 50  năm nên được người dân miền núi chọn làm cây phát triển kinh tế gia đình, là cây xóa đói giảm nghèo, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp của các huyện miền núi.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, tình trạng khai thác quá mức dẫn đến năng suất và chất lượng rừng luồng đang bị suy  giảm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Nam Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lâm nghiệp Thanh Hóa cho biết, trữ lượng luồng của Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 102,5 triệu cây, trong đó có 1/3 số cây trong thời kỳ sinh sản. Nếu khai thác đúng theo các quy trình kỹ thuật thì 1 năm chỉ được khai thác khoảng 9,6 triệu cây nhưng thực tế mấy năm gần đây đều đạt khoảng 15 triệu cây/năm, tức là lạm dụng khai thác đến 22%.

Theo quy trình trồng rừng chuẩn, mỗi ha rừng luồng có mật độ trên 200 bụi/ha. Nếu được chăm sóc và khai thác hợp lý, mỗi ha luồng cho thu nhập khoảng 4,8 triệu đồng/ha/năm, nhưng vì khai thác quá mức, lại không được tu bổ nên hiện bình quân rừng luồng toàn tỉnh chỉ đạt 180 bụi/ha, 8 cây/bụi, 1.470 cây/ha. Nhiều bụi chỉ còn 1 đến 2 thế hệ, không có cây bố, mẹ, ông, bà nên chất lượng luồng giảm rất nhanh, luồng loại 1 + 2 chỉ chiếm 3,59%, luồng loại 3 + 4 chiếm 43,5%, luồng loại 5 chiếm 52,91%. Đường kính và chiều cao liên tục giảm, luồng loại 1 chỉ còn loại có đường kính gốc từ 9 đến 10 cm, không còn loại trên 10 cm.

Chất lượng luồng giảm sút dẫn đến giá trị  của cây luồng bị giảm, thu nhập bình quân 1 ha rừng luồng chỉ đạt từ 3 triệu đến– 3,5 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn khoảng 2 lần so với rừng luồng có tác động các biện pháp phục tráng.

Có tình trạng khai thác rừng luồng quá mức là do trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2002 đến nay, ngành công nghiệp chế biến luồng ở Thanh Hoá phát triển khá nhanh.

Năm 1999, toàn tỉnh chỉ khai thác 9,1 triệu cây luồng thương phẩm, chủ yếu xuất đi các tỉnh phục vụ cho ngành xây dựng làm giàn giáo (chỉ 3% là được đưa vào chế biến công nghiệp như bột giấy, đũa và thủ công mỹ nghệ) thì hiện nay sản lượng khai thác trung bình lên đến 15,1 triệu cây/năm.

Đến cuối năm 2007, toàn tỉnh có trên 2.200 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản, trong đó có 27 cơ sở chuyên sản xuất, chế biến các mặt hàng từ luồng, nứa; tiêu thụ khoảng 10,8 triệu cây luồng, chiếm khoảng 71,5% sản lượng luồng thương phẩm của cả tỉnh, chủ yếu là chế biến đũa, tăm, mành, ván sàn.

Mặt khác do việc khai thác, kinh doanh mặt hàng tre, luồng ngày càng thuận lợi do rừng đã được giao ổn định cho nhân dân, người dân thực sự làm chủ vườn rừng của mình, các cơ chế chính sách và các thủ tục kinh doanh thông thoáng, hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc phát triển nên các thương lái luồng trong và ngoài tỉnh đã đưa nhân lực lên mua ngay tại vùng nguyên liệu, dẫn đến cạnh tranh đẩy giá luồng tăng cao, từ 7.000 đồng/cây luồng loại 1 lên khoảng 12.000 đồng/cây khiến người dân khai thác luồng một cách bừa bãi, lạm dụng vốn rừng, không có quy hoạch.  

Một nguyên nhân khác dẫn đến suy thoái rừng luồng là do tập quán canh tác cũ, rừng luồng ở  Thanh Hoá chủ yếu là rừng thuần loại, thảm thực bì dưới tán ít do vậy độ ẩm không vượt quá 60%, trong khi nhu cầu độ ẩm tự nhiên của luồng là trên 80%. Ở nhiều nơi, mật độ chăn thả gia súc cao cũng  làm cho đất trở nên bí chặt, bạc mầu và Silic cát hóa. Tình trạng sâu bệnh phá hại rừng luồng cũng ngày càng diễn biến phức tạp, hiện nay có khoảng 26 loài sâu hại, và 3 bệnh hại luồng. Ngoài ra luồng còn có hiện tượng trổ hoa (khuy luồng) làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh rừng luồng.

Để khắc phục tình trạng rừng luồng bị suy thoái, nghèo kiệt, sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền huyện, xã làm tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư và chủ rừng nhận thức rõ vai trò và vị trí của cây luồng, đặc biệt là hậu quả của việc suy thoái rừng luồng; khẩn trương đúc rút kinh nghiệm mô hình phục tráng rừng luồng tại huyện Ngọc Lặc để nhân rộng ra các vùng trồng luồng trong cả tỉnh.

Đối với diện tích trồng mới, cán bộ khuyến nông khuyến lâm bám sát địa bàn hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu của quy trình, quy phạm về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng luồng; hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương chuyển từ sản xuất quảng canh sang thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng luồng.

Thanh Hóa đang tiếp tục bổ sung và ban hành các chính sách mới khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư trồng luồng, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng luồng.