Bangladesh chạy đua khắc phục hậu quả siêu bão

Quân đội và lực lượng cứu hộ tại Bangladesh đang chạy đua để đưa hàng cứu trợ tới hàng triệu người mất nhà cửa vì siêu bão gây lốc xoáy lớn ở nước này. Nhiều quan chức cho hay, số người thiệt mạng đã lên tới 3.100 người và có thể còn tăng thêm.

Vô số người sống sót đang trong cơn tuyệt vọng vì mất người thân, mất nhà cửa, của cải. Ở phía nam Bangladesh, người dân đều đang vật lộn với tình trạng thiếu lương thực và nước uống. Khu vực này là một trong những nơi nghèo nhất đất nước, lại oằn mình vì trận siêu bão xảy ra quét sạch mọi thứ.

Chính phủ Bangladesh đã triển khai lực lượng quân đội trợ giúp người dân, nhưng hệ thống giao thông bị đình trệ và hư hỏng đã khiến nỗ lực cứu trợ bị hạn chế nhiều.

Lương thực, mùa màng, gia súc gia cầm và nguồn nước uống đều không còn sau trận thủy triều với những cơn sóng cao khoảng sáu mét ập vào bờ biển cùng với lốc xoáy. Xác người và động vật chưa thể xử lý đã gây nên mối lo ngại về dịch bệnh bùng phát ở vùng đất vốn rất nghèo ở Bangladesh.

“Số người thiệt mạng qua xác nhận đã lên tới 3.000 người’’, Abdur Rab, Chủ tịch Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Bangladesh cho biết. “Con số này có thể vượt qua 5.000 người, nhưng chưa tới 10.000 người’’.

Tại những khu vực bờ biển phía bắc, nơi không còn ngôi nhà nào tồn tại sau siêu bão, đường sá hư hại nghiêm trọng, lực lượng hải quân và không quân Bangladesh đã được triển khai.

Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ đang gấp rút sử dụng mạng lưới tình nguyện viên để cấp phát thức ăn và nước uống cùng vải nhựa dựng lều tạm thời cho người dân. Tuy nhiên rất nhiều người tình nguyện cũng là nạn nhân của siêu bão. ’’Chúng tôi ước tính có 900.000 gia đình (7 triệu người) bị ảnh hưởng’’, Shafiquzzaman Rabbani, quan chức Hội Chữ thập đỏ nói.

Hầu hết số người thiệt mạng là do thủy triều dâng cao, nhấn chìm các làng ven biển, hoặc do bị vùi trong đống đổ nát của những ngôi nhà dựng đơn sơ. Abdul Zabbar, một giáo viên 50 tuổi ở quận Barguna – cách Thủ đô Dhaka 200 km cho hay, những người sống sót khó có thể cầm cự lâu hơn. “Không có lương thực, nước uống. Xác người nổi trên sông, trên đồng. Vụ thu hoạch lúa đã mất trắng’’.

Jahanara, một phụ nữ 25 tuổi đã cố trèo lên cây để rồi chứng kiến cơn bão cuốn đi mọi thứ xung quanh cô kể cả chồng, hai đứa con nhỏ và bà mẹ. Còn Sattar Gazi, một nông dân 55 tuổi, thì kể: “Gia đình tôi mất sáu người, tôi sợ rằng ba người chúng tôi còn lại cũng chết vì đói’’.

Giáo hoàng Benedict XVI hôm chủ nhật (18/11) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp Bangladesh.

Mỹ thông báo gửi hai tàu hải quân cùng trực thăng mang theo thuốc men, dụng cụ y tế trợ giúp người dân vùng bị nạn. Hải quân và nhân viên cứu trợ cũng được điều động. Philippines cũng tuyên bố sẽ gửi các đội y tế tới Bangladesh, một số nước châu Âu cũng có tên trong danh sách cứu trợ người dân Bangladesh.