Sống trong làng phun sơn : khó thở, khó nói

Nghề sản xuất đồ gỗ phun sơn đã cứu một làng thoát nghèo, nhưng cũng đang gây tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân.

“Từ 4 giờ chiều, không khí tràn ngập mùi và bụi sơn, ngạt không thở được. Lúc đấy, tôi phải bế đứa cháu Trương Văn Huy, 8 tháng tuổi đi “sơ tán””- bà Đỗ Thị Quyết, 51 tuổi than thở. Lúc đó, bà phải thu dọn quần áo, nếu không, sẽ bị dính đầy bụi. Nước bể luôn có lớp váng ở trên, 2 ngày phải thau bể một lần.

Đó là tình cảnh phổ biến tại thôn Bến Trung, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Sống trong sợ hãi

Cứ 10 ngày, bà Đỗ Thị Quyết lại đưa đứa cháu nội Trương Văn Huy đi viện 1 lần để chữa chứng khò khè, khó thở. Cháu Trương Minh Quang, 25 tháng tuổi thì bị hen. Bản thân bà bị bệnh nổi hạch ở vòm họng.

Án ngữ trước nhà bà là 2 xưởng, đằng sau là một xưởng chuẩn bị hoạt động. “Không có tiền thì đành phải ở đây chứ như hàng xóm Trương Văn Thắng đã phải bán xới nhà để chuyển đi”- bà nói.
Thôn có 510 hộ với 2.036 nhân khẩu, diện tích thổ cư là 29 héc ta thì đã có tới 45 xưởng sản xuất đồ gỗ phun sơn, tức cứ 11 hộ thì có 1 xưởng. Nhà anh Đỗ Văn Tùng bị lọt thỏm giữa 4 xưởng. Anh than thở: “Tôi đã phải bỏ bể nước mưa đi vì bị ám mùi sơn”.

Không những thế, các xí nghiệp còn thường xuyên làm khuya đến tận 11, 12 giờ, có khi đến 2 giờ sáng. “Lúc đấy, công nhân làm công đoạn khác nghỉ hết nên họ rất hay phun sơn. Đêm, nhìn bụi sơn như một làn sương mờ ảo vậy”- anh nói.

Bên cạnh đó, tình trạng nước ngấm bụi sơn độc hại được xả thẳng xuống đất cũng là một nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe người dân, bởi 100% hộ dùng nước giếng khoan. Hệ thống rãnh của thôn luôn trong tình trạng tắc, nước đen quánh, hôi thối.

Thông tin từ trạm y tế xã cho thấy: trong 55 người của thôn đến khám bệnh thì có 49 người bị bệnh về hô hấp vào tháng 9.

Khó nói!

Trước khi đi vào sản xuất, các xưởng đều phải kí bản cam kết đảm bảo công tác vệ sinh môi trường – phòng cháy chữa cháy và các qui định của chính quyền địa phương đối với các hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn xã. Bản cam kết có điều khoản phải xử lý nước thải trước khi chảy ra theo dòng tiêu thoát nước địa phương, “phải có hệ thống xử lý hút bụi, hệ thống thoát nước khí tại phòng phun sơn”.

Thế nhưng, qua tìm hiểu, được biết, rác thải và nước có bụi sơn được dồn vào bể phốt, nước đầy thì sẽ tự tràn ra hệ thống cống của địa phương rồi chảy thẳng ra sông Cà Lồ hoặc sẽ chảy thẳng ra các chuôm, ra cánh đồng.

“Xâm nhập” vào phòng phun sơn tại xưởng của anh Nguyễn Văn Cương, thấy hệ thống phun nước không hoạt động. Bụi cứ hồn nhiên theo ống xả bay ra ngoài. Để tiết kiệm chi phí điện nước, đa số xưởng đều không dùng hệ thống này khi phun sơn, trong khi lượng sơn PU được dùng là rất lớn.

Được biết người dân ở đây rất bức xúc trước tình trạng môi trường sống bị ảnh hưởng nhưng ngần ngại khiếu kiện bởi những chủ xưởng là họ hàng với họ cả. Đó là chưa kể hầu hết các hộ trong thôn đều có con em làm trong các xưởng với thu nhập ổn định.

Ông Phó chủ tịch xã, Nguyễn Duy Ly cho biết: Hàng tháng, tổ kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm Luật bảo vệ môi trường, sản xuất kinh doanh không phép, không đúng giấy phép trên địa bàn xã Bắc Hồng đều tiến hành kiểm tra các xưởng đột xuất 2 lần. Tổ này được thành lập vào năm 2006 có quyền phạt hành chính với 2 hình thức cảnh cáo và phạt tiền đối với các cơ sở vi phạm.

Từ khi thành lập, tổ mới chỉ tiến hành cảnh cáo, nhắc nhở chứ chưa bao giờ phạt tiền, bởi theo ông Ly, với mức cao nhất mà xã có thể phạt là 500.000 đồng chưa đủ để răn đe các hộ vi phạm. Biện pháp chủ yếu vẫn là nhắc nhở, tuyên truyền để nâng cao ý thức của các chủ xưởng.

Thực tế, việc quản lý của xã chưa được chặt chẽ, rất nhiều hộ vi phạm, đặc biệt là về bụi sơn, nước thải và giờ giấc, nhưng số bị lập biên bản kiểm tra không nhiều. Đến cơ sở anh Trương Văn Chính, cơ sở này vi phạm không sử dụng hệ thống phun mưa, thì ông Ly cho biết tháng vừa rồi không kiểm tra xưởng này, chỉ kiểm tra 5 nơi khác. Ông trưởng thôn (cũng là thành viên của tổ) lại khẳng định: tổ đã kiểm tra tất cả cơ sở (?).