Vùng ô nhiễm "toàn tập" ở Hà Nội

Hàng nghìn hộ dân hàng ngày dùng nước giếng khoan cạnh cả vạn ngôi mộ của nghĩa trang Văn Điển, hít thở khói bụi từ hàng chục cơ sở sản xuất công nghiệp lớn và lò hoả thiêu của nghĩa trang này.

Nước giếng khoan: Vừa dùng vừa… run!

Hiện tại khu vực dân cư hai ven đường từ Cầu Tó kéo dài tới gần ngã ba đường Giải Phóng thuộc địa phận hai xã Tam Hiệp và Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) đều đang dùng nước giếng khoan. Nhiều hộ dân đều rất lo lắng về nguồn nước này.

Chị Nguyễn Bích Thuỷ (xã Tam Hiệp, nhà ngay trước nghĩa trang Văn Điển) cho biết: “Nước giếng khoan nhà tôi bơm lên có váng nhơn nhớt. Không biết có phải bị ảnh hưởng bởi quá trình thẩm thấu của khu nghĩa trang hay không, nhưng thật sự chúng tôi rất ái ngại khi hàng ngày vẫn phải dùng nguồn nước này cho sinh hoạt, ăn uống”.

Ông Liên (nhà A2, tổ trưởng khu tập thể xí nghiệp Kinh doanh kim khí và dịch vị số 1 xã Tam Hiệp) than phiền: “Chán quá chú à! Đã chục năm nay, kể từ khi giếng nước khoan của xí nghiệp bị hỏng do vỡ xi lanh, bùn bịt lấp không dùng được, dân khu tập thể chúng tôi phải tự túc khoan giếng để lấy nước dùng. Nhưng nguồn nước giếng khoan ở khu vực này thật sự không đảm bảo an toàn vệ sinh!”.

Trên tầng hai nhà ông Liên, nơi nguồn nước giếng khoan được ông bơm trực tiếp lên bể lắng, nước vàng đục, nổi bọt váng, mùi tanh rất khó chịu. Sau khi nguồn nước để lắng gần giờ đồng hồ, ông Liên mở vòi cho nước chảy xuống bể lọc có cát sỏi ở độ sâu gần 1m. Thế nhưng nước đã lọc vẫn đục và còn mùi tanh. Nguồn nước này tiếp tục được ông Liên lọc qua một lần nữa rồi mới sử dụng. Và để nấu nướng, ông còn phải thực hiện thêm 1 công đoạn nữa là cho qua bình lọc điện nóng – lạnh.  

Ngay sau nhà ông Liên, là gia đình ông Vũ Anh Bảy, nhà B7, nguồn nước giếng khoan được ông Bảy bơm lên bể, váng bám vàng khè cả lưới chắn. Nhưng nguồn nước này chỉ được ông Bảy lọc qua một lần trong bể cát có than hoạt tính rồi đưa vào sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống. Ông Bảy vừa chỉ tay vào bể nước lọc, vừa bộc bạch: “Vẫn biết nước qua lọc chưa đảm bảo chất lượng vệ sinh, nhưng nếu không dùng nguồn nước này thì biết lấy nước ở đâu để dùng?!”.

Ngay liền kề khu tập thể xí nghiệp Kinh doanh kim khí và dịch vụ số 1, hơn 100 hộ dân thuộc hai khu tập thể: 15-2 (nhà máy cơ khí Tam Hiệp) và khu tập thể xóm mới thôn Huỳnh Cung cũng phải dùng nước giếng tự khoan do hệ thống đường ống nước trước kia đã hỏng.

Thực tế, 3 cụm dân cư nói trên chỉ nằm cách trạm nước khoan của thôn Huỳnh Cung khoảng chừng 500 – 700 m, đây là trạm nước khoan được Thành phố đầu tư kinh phí gần 1 tỉ đồng để xây dựng nên có hệ thống lọc nước tương đối tốt đảm bảo vệ sinh nước sạch sinh hoạt (giếng được khoan ở độ sâu 70m). Thế nhưng hiện tại 3 cụm dân cư này vẫn không được bắt đường ống dẫn nước về dùng, bởi lý do: hiện trạm nước không cung cấp đủ nguồn nước cho người dân của thôn Huỳnh Cung, càng không thể cấp cho các cụn dân cư lân cận. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Đình Kiểm – Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì cho biết: Không chỉ riêng khu dân cư nằm sát đường Phan Trọng Tuệ mà hiện nay cả xã Tam Hiệp với hơn 2.500 hộ dân phải dùng nước giếng khoan. Toàn xã chỉ có 3 trạm nước, không cung cấp đủ nước dùng cho dân. Tới đây xã sẽ cho các doanh nghiệp đấu thầu tiến hành xây thêm một trạm nước nữa để phục vụ nhu cầu cần nước sạch của dân. 

UBND xã Tam Hiệp với hơn 2.500 hộ dân phải dùng nước giếng khoan. Toàn xã chỉ có 3 trạm nước, không cung cấp đủ nước dùng cho cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng được trả lời là hiện chưa có kinh phí để thực hiện dự án. 

Chung cảnh nước giếng khoan, ở xã Vĩnh Quỳnh, 150 hộ dân khu dân cư Quỳnh Lâm với khoảng 800 nhân khẩu cũng mỏi mòn chờ nước máy.

Ông Tống Hoàng Mai – tổ trưởng khu dân cư Quỳnh Lâm cho biết: Hiện cả cụm dân cư này không có hộ dân nào dám dùng nước giếng khoan trong ăn uống, mà chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ… Nguồn nước ăn được lấy từ nguồn nước mưa đã qua bể lọc, và nước máy được mua theo téc về dùng. 

Thở cũng phải… e dè

Ngoài những nghi ngại liên quan nguồn nước cạnh nghĩa trang Văn Điển, khu dân cư hai ven đường Phan Trọng Tuệ còn khốn khổ với bầu không khí nồng nặc mùi… “công nghiệp”. Khu vực này bị vây quanh bởi nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp lớn như: nhà máy Pin, Công ty bột giặt Nét, nhà máy Sơn, nhà máy Phân lân.  

Ông Chương Xuân Hoà, nhà gần Công ty bột giặt Nét than phiền: “Nhà máy này không có hệ thống xử lý nước thải, dùng máy bơm xả thẳng ra khu dân cư chúng tôi. Những ngày mưa, nước xà phòng nổi bọt cao hàng nửa mét tràn ra đường Phan Trọng Tuệ, chảy vào nhà dân chúng tôi. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Thanh Trì nhưng tình trạng này vẫn không được khắc phục”. 

Chỉ tay vào ao nước bốc mùi xà phòng nồng nặc cạnh giếng khoan nhà mình, ông Hoài bức xúc nói thêm: “Nước xà phòng ngập ao như thế này, trong khi giếng khoan nhà chúng tôi chỉ khoan sâu 30m, ai dám chắc nguồn nước ngầm nhà tôi đang dùng không chịu ảnh hưởng từ nước thải xà phòng của nhà máy?!”.

Chưa kể, theo phản ánh của nhiều hộ dân, họ không ngưng khổ sở bởi bụi và mùi nồng nặc bốc ra từ các nhà máy. Ông Tống Hồng Mai cho biết: Những ngày trời mưa, bụi và khí thải hấp thụ bốc hơi khiến người dân rất khó chịu, nhức đầu, sổ mũi thường xuyên.

Không những thế chất thải công nghiệp còn làm cho nhiều diện tích lúa của dân chết úa không thu hoạch được; nhiều nhà máy đã phải đứng ra nhận trách nhiệm đền bù.

Đáng ngại hơn, việc hoả táng tại nghĩa trang Văn Điển cũng đang khiến các cư dân sống gần khu vực này hết sức lo lắng. “Khói hoả táng bốc đen kịt, cộng với chất thải từ khói bụi phân lân, rồi mùi xà phòng OMO đang khiến cho bầu không khí chúng tôi hết sức ngột ngạt, khó chịu” – ông Vũ Ngọc Sự, thuộc địa hạt khu nhà máy kiêm khí xã Tam Hiệp than phiền.

Trong nỗi bức xúc, ông Tống Hồng Mai phân trần về nghịch lý: “Việc ô nhiễm xung quanh khu vực chúng tôi bình thường ai cũng có thể thấy được, thế nhưng chẳng hiểu vì sao, khi các đoàn môi trường xuống kiểm tra nồng độ nước, độ bụi lại cho biết kết quả kiểm tra không hề có vấn đề gì, chúng tôi chẳng biết phải làm sao nữa?!”.