Lật tẩy đường dây buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia (kỳ 2)

Kỳ 2: Bắt đầu truy tìm trên đất Lào – Qua Mạng lưới Báo chí Trái đất (EJN) thuộc Internews có trụ sở ở Bangkok, Thailand, chúng tôi liên lạc với đại diện của Ban Thư ký CITES (Công ước về Buôn bán Quốc tế Động – Thực vật Hoang dã nguy cấp) sau khi tìm hiểu website của tổ chức rất có uy tín trong lĩnh vực kiểm soát buôn bán động vật hoang dã toàn cầu này.

Từ đây, chúng tôi phát hiện số lượng khỉ mà đường dây của Trần Quý thực nhập khác xa so với số liệu của cơ quan có thẩm quyền. Và để tìm lời giải cho câu hỏi “Vì sao những mớ số liệu ấy lại mâu thuẫn như vậy?”, chúng tôi bắt đầu cuộc lần tìm trên đất Lào.

Xào nấu số liệu?

Các cơ quan công quyền mà chúng tôi đến đều khăng khăng Trung Việt nhập khỉ từ Lào một cách hợp pháp. Cấp quản lý cao nhất về lĩnh vực này, Cơ quan Thẩm quyền CITES Việt Nam, cam đoan các doanh nghiệp trong mạng lưới của ông Trần Quý là nhà nhập khẩu duy nhất khỉ từ Lào được CITES Việt Nam cấp phép.

“Số liệu trên website của CITES là số liệu nhập của họ”, bà Hà Thị Tuyết Nga – cán bộ Văn phòng CITES Việt Nam – giảng giải. Số liệu đó được cung cấp cho CITES như thế nào?

Trong thư trả lời phóng viên, ông John M. Sellar – Ban Thư ký CITES quốc tế, cho biết: 172 nước thành viên của CITES quốc tế phải gửi báo cáo hàng năm về tình hình xuất, nhập, tái xuất thú hoang. Sau đó, số liệu của nước xuất sẽ được đem đối chiếu số liệu của nước nhập. Nếu thấy khác nhau, cơ quan điều tra của CITES sẽ tìm hiểu ngay và hai nước xuất và nhập phải giải trình cho CITES.

Việc kiểm soát số liệu xuất, nhập khẩu thú hoang của CITES là rất ngặt nghèo. Cơ quan này không cho phép xuất hoặc nhập thú hoang với số lượng cao hơn số được phép. Nói cách khác, không được xuất – nhập vượt quá hạn ngạch (quota), cho dù hạn ngạch đó là rất nhỏ.

Để kiểm soát, CITES quốc tế phát số lượng tem nhất định cho Cơ quan Thẩm quyền CITES Việt Nam như một dạng của hạn ngạch để dán vào giấy phép mà họ cấp cho Trung Việt. Và CITES Việt Nam phải báo cáo lại số lượng tem đã dùng hàng năm cho Ban Thư ký CITES quốc tế. Trên cơ sở đó, CITES quốc tế nắm được tình hình xuất nhập khỉ ở Việt Nam ra sao.

Tuy nhiên, CITES quốc tế không có bất cứ cơ chế nào để kiểm soát cơ quan kiểm lâm của một nước thành viên có thực sự tuân thủ hay không. Ông John M. Sellar cho biết: “Nếu đấy là thông báo của cơ quan chính phủ hoặc của một tổ chức nào đó được chính phủ ủy nhiệm, chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ họ”.

Trở lại câu chuyện xuất nhập khỉ giữa Lào và Việt Nam, theo ông John M. Sellar, do Lào mới gia nhập CITES năm 2004, nên họ chỉ phải bắt buộc nộp báo cáo cho CITES quốc tế từ năm 2005 trở đi. Song, từ năm 2005 đến nay, Lào vẫn chưa nộp báo cáo hàng năm.

“Vì lý do đó, các số liệu buôn bán động vật hoang dã giữa hai nước dường như chỉ có từ phia Việt Nam. Tôi lưu ý, báo cáo mới nhất của phía Việt Nam là báo cáo năm 2005” – Ông John M.Sellar nói. Các báo cáo năm 2006 và nửa đầu năm 2007 chưa có từ cả hai phía Lào và Việt Nam, tính đến thời điểm này.

Như vậy, thông tin trên trái với thông tin mà chúng tôi nhận được từ Cục Kiểm lâm Việt Nam, rằng số liệu xuất nhập khỉ từ Lào qua Việt Nam đều được cả hai nước báo cáo lên CITES.

Không dừng ở đó, số liệu mà Cục Kiểm lâm cung cấp cho mỗi nơi mỗi khác. Đối chiếu với số liệu chúng tôi thu thập được tại cửa khẩu mà các doanh nghiệp của Trần Quý nhập, các số liệu càng khác xa nhau.

So sánh số liệu khỉ xuất từ Lào cho Việt Nam năm 2005, chúng tôi thấy số liệu trên website của CITES quốc tế là 2.000 con, thấp hơn 200 con so với số liệu mà Cục Kiểm lâm vừa cung cấp bằng văn bản cho phóng viên.

“Tôi không rõ vì sao số liệu báo cáo của Cục Kiểm lâm Việt Nam gửi CITES quốc tế lại khác với số liệu gửi cho báo chí”, vẫn thư của ông John M. Sellar viết, “Chúng tôi sẽ hỏi Cục Kiểm lâm Việt Nam về vấn đề này”.

Theo thống kê của Chi cục Hải quan Kà Tum, chỉ riêng năm 2005, Doanh nghiệp tư nhân Phát Thịnh (trong mạng lưới của ông Trần Quý) nhập qua Cửa khẩu Kà Tum 6.200 con. Ông Trần Văn Trọng, Chi cục phó Hải quan cửa khẩu Kà Tum cam đoan, toàn bộ số khỉ nhập đều có giấy phép của Cơ quan Thẩm quyền CITES Việt Nam. Vậy tại sao số liệu 6.200 con khỉ nhập từ Lào năm 2005 không thấy phản ảnh trên website của CITES?

Đấy là chưa kể 5.000 con khỉ Trung Việt được nhập từ Lào theo giấy phép năm 2003 của Bộ NN&PTNT (Công văn Số 3322 ngày 09/10/2003 của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng ký). Số liệu này cả Trần Quý và NAFOVANNY đều thừa nhận. Còn Cục Kiểm lâm không thể bảo là không biết. Số khỉ nhập của Trung Việt năm 2003 gần 1.000 con trong tổng số được phép nhập 5.000 con đó cũng không thấy thể hiện trên website của CITES.

Nói cách khác, ngoài hai năm 2004 – 2005 có số liệu trên website của CITES, các năm còn lại, Cục Kiểm lâm có cung cấp cho CITES không? Việc không cung cấp có thể hiểu là không có thương vụ nhập khỉ nào của Trung Việt được CITES Việt Nam cấp phép không?

Số liệu tiền hậu bất nhất của Cục Kiểm lâm thể hiện cả trong công văn mới đây. Công văn số 824 ngày 20/07/2007 do ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm ký, nêu số liệu hai doanh nghiệp Trung Việt và Tân Hội Đông nhập từ năm 2000 đến nay là 16.182 con khỉ. Đến Công văn số 853 ngày 30/07/2007 vẫn do ông Dũng ký, số khỉ hai doanh nghiệp trên nhập từ năm 2000 đến nay chỉ còn 14.985 con.

Lý giải sự khác nhau này, công văn thứ hai viết “do doanh nghiệp xin cấp đổi lại giấy phép nhiều lần nên việc thống kê số liệu gặp khó khăn”.

Xin lưu ý, chỉ riêng số khỉ do doanh nghiệp của ông Trần Quý nhập trong hai năm, từ 2005 – 2006, ở Cửa khẩu Kà Tum, đã là 15.850 con. Số liệu này do Chi cục Hải quan Cửa khẩu Kà Tum cấp cho báo chí. Nếu tính cả 5.985 con mà Trung Việt nhập năm 2004 mà Cục Kiểm lâm báo cáo cho CITES và đăng trên website của CITES, số khỉ nhập trong ba năm lên đến 21.835 con. Nếu tính cả gần 1.000 con khỉ mà Trung Việt nhập năm 2003 qua Cửa khẩu Cầu Treo, số khỉ mà đường dây này nhập còn cao hơn nữa.

Tóm lại, so với số lượng khỉ nhập từ Lào vào Việt Nam có trên website của CITES quốc tế (7.985 con), số liệu của Cục Kiểm lâm cung cấp cho phóng viên (lúc thì 14.985 con, khi thì 16.182 con từ năm 2000 đến nay), số liệu khỉ nhập mà Trần Quý thực hiện chỉ trong ba năm, từ 2003 – 2005, cao hơn rất nhiều, 21.835 con.

Tại sao có sự khác biệt như vậy? Có hay không chuyện xào nấu số liệu và mục đích của xào nấu là gì? Những câu hỏi này, có lẽ chỉ Cục Kiểm lâm mới trả lời được.

Xin lưu ý, mỗi con khỉ nhập lậu và xuất đi Trung Quốc và nhất là Mỹ, đường dây của ông Trần Quý thu lãi không dưới 500 USD. Bởi vậy, các số liệu chênh nhau dù chỉ vài trăm con thôi cũng có thể giúp ông trốn thuế thu nhập (28 phần trăm doanh số bán) hàng trăm triệu đồng.

Lần tìm đầu mối Lào

Để làm sáng tỏ giấy phép xuất khẩu khỉ của Lào là giả hay thật, lượng khỉ mà đường dây của Trung Việt thực nhập là bao nhiêu, chúng tôi đã liên hệ với một quan chức của nước bạn Lào qua thư điện tử. Đó là TS Sourioudong SUNDARA, Tổng Giám đốc, Cơ quan Thẩm quyền Khoa học Lào.

Về nguyên tắc, Cơ quan Thẩm quyền CITES Lào không cấp phép cho doanh nghiệp Lào nếu không có ý kiến của Cơ quan Thẩm quyền Khoa học Lào. Trao đổi với chúng tôi ông Thongphath Vongmany, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông – Lâm Lào, cho biết như vậy.

TS Sourioudong SUNDARA khẳng định: “Với tư cách là Cơ quan Thẩm quyền Khoa học, chúng tôi chỉ xác nhận cho một công ty xuất 200 khỉ đuôi dài sang Trung Quốc. Còn với các doanh nghiệp mà ông (tức phóng viên) đề cập trong tệp đính kèm, chúng tôi chưa bao giờ xem xét”.

Chính ông Trần Quý tiết lộ cho chúng tôi tên tuổi một số đối tác ở Lào chuyện xuất khỉ đuôi dài cho Trung Việt và các doanh nghiệp thành viên. Để chắc chắn, chúng tôi nhờ Cục Kiểm lâm Việt Nam giúp. Nhưng trong tài liệu chúng tôi nhận được, địa chỉ của các đối tác Lào và Trung Quốc bị che hết.

Ông Đỗ Quang Tùng, Phụ trách CITES Việt Nam, trong thư đề ngày 28/08/2007, có giải thích sự che đậy thế này: “Toàn bộ giấy phép cung cấp nêu trên không có thông tin của đối tác xuất khẩu/nhập khẩu (ô số 03 và 04 của giấy phép) để đảm bảo bí mật kinh doanh thương mại của doanh nghiệp”.

Tiếp cận hồ sơ từ các nguồn khác, ngoài nguồn của ông Trần Quý, chúng tôi mới lấy được mấy địa chỉ cần tìm. Đó là Cty Xuất-Nhập khẩu Xay Savang (tỉnh Bolikhamxay), Cty Xuất-Nhập khẩu Thương mại Xayasa Co. Ltd. (174 Bản Una Sonxay, huyện Pakxan, tỉnh Bolikhamxay), và Cty Xuất – Nhập khẩu Champasak SLIE (B.Keosamphanh, M.Pakse, tỉnh Champasak). (Còn tiếp)