"Bệnh viện động vật” giữa Vườn quốc gia Cát Tiên

Được thành lập tháng 03/2005, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên được ví như một “bệnh viện” của các loài động vật hoang dã, đã tiếp nhận và chữa trị cho hàng trăm con thú.

Gần đây nhất, Trung tâm đã cứu sống 17 con gấu bị trọng thương do mắc bẫy của người dân. Những con thú sau khi được chăm sóc khỏe mạnh đều được thả trở lại rừng. 

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết, hiện người dân sống ở vùng đệm ở Đồng Nai và Lâm Đồng vẫn vào rừng đặt bẫy, săn bắt các loài thú rừng. Lực lượng này đã phát hiện hàng ngàn bẫy thú với hàng trăm thú rừng bị mắc bẫy, nhiều nhất vẫn là các loài bò sát và chim. 

Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2001 và đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để trình tổ chức này công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. 

Các nhà khoa học đã xác định, Vườn có trên 1.600 loài thực vật, trong đó có hơn 30 loài quý hiếm, 23 loài có nguồn gen bản địa đặc hữu. Cùng với thảm thực vật đa dạng, xanh tươi, hệ động vật của vườn cũng hết sức phong phú với gần 1.490 loài, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như bò tót, gấu ngựa, gấu chó, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía…

Đặc biệt, loài tê giác một sừng Việt Nam từ lâu được xem là tuyệt chủng trên thế giới, nhưng đã phát hiện được tại Vườn quốc gia Cát Tiên với quần thể khoảng 7-8 con.