Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững – Bài 2

Bài 2: Trách nhiệm không của riêng ai

Để có Vườn quốc gia Cát Tiên nói riêng và các vườn quốc gia, quần thể thiên nhiên đa dạng, phong phú như ngày nay, ngoài chủ vườn, cộng đồng nhận khoán còn có nhiều tổ chức quốc tế chung tay vào cuộc. Không quản ngại gian khó, tốn kém tiền của, công sức, họ vượt hàng chục ngàn kilômét đến với Vườn quốc gia Cát Tiên phục hồi quần thể động vật hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng, đồng thời hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân, giảm thiểu tác động vào rừng.

Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững – Bài 1

Ngôi nhà bình yên

Đến với Vườn quốc gia Cát Tiên, ngoài khám phá thế giới tự nhiên vô cùng đa dạng và phong phú, du khách nên một lần vào Trung tâm bảo tồn gấu Cát Tiên. Trung tâm do Free the Bears – tổ chức phi chính phủ quốc tế Úc về bảo vệ động vật hoang dã thành lập. Nơi đây trở thành “ngôi nhà bình yên” cho những chú gấu sau khi được cứu hộ từ các trang trại nuôi gấu lấy mật.

Giám đốc điều hành tổ chức Free the Bears tại Việt Nam Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Hiện nay, nhiều cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong các trang trại và hộ dân không được đối xử nhân đạo. Các cá thể gấu này phải chịu chế độ ăn nghèo nàn, sống trong những chuồng cũi chật hẹp, không được chăm sóc về thú y… Cũng giống như con người, gấu cần được hưởng một cuộc sống tự do tại nơi thuộc về chúng, có quyền được sống, được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ.

Vượn đen má vàng – động vật nguy cấp, quý hiếm đang được nuôi dưỡng ở khu vực bán hoang dã của vườn

Đến nay, Trung tâm bảo tồn gấu Cát Tiên đã cứu hộ và đang chăm sóc 55 cá thể, gồm 13 cá thể gấu chó, 42 cá thể gấu ngựa. Đây đều là những loài được xếp vào danh mục “nguy cấp” trong Sách đỏ Việt Nam và được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định. Do được chăm sóc tận tình, những chú gấu ở trung tâm vô cùng năng động và thân thiện với con người. Khi tiếp nhận các cá thể gấu, trung tâm thực hiện theo quy trình khép kín, đó là chăm sóc, cách ly, chữa trị, phục hồi và tái thả. Mỗi cá thể gấu được ở riêng từng phòng. Nếu thấy các cá thể “ăn ý” với nhau thì nhân viên sẽ mở cửa ngăn các phòng để chúng chơi chung. Mỗi phòng đều có cửa mở thông ra khu bán hoang dã để các cá thể gấu có thể ra vào thoải mái trong khung thời gian quy định.

Tuy nhiên, các cá thể gấu này rất khó tái thả vào môi trường tự nhiên. Theo ông Dũng, không chỉ gấu mà các loài động vật hoang dã như hổ, báo hay voi phục hồi vô cùng khó khăn. Bởi chúng bị giam cầm quá lâu (từ 10-20 năm) nên khi tái thả thì bản năng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên rất khó, đặc biệt là việc tìm kiếm thức ăn và dễ bị bẫy bắt. Các cá thể gấu ở trung tâm mặc dù được tạo mọi điều kiện để phục hồi khả năng hoang dã nhưng rất chậm và kém. Chính vì vậy, tổ chức Free the Bears xây dựng và vận hành các trung tâm gấu ở khu vực châu Á cũng như ở Việt Nam với mong muốn chấm dứt các trang trại nuôi gấu lấy mật và đưa các cá thể gấu về chăm sóc để chúng có cuộc sống tốt đẹp, bình yên.

Đến nay, cả nước còn khoảng 300 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong hơn 100 cơ sở tư nhân. Con số này đã giảm hơn 90% trong 18 năm qua, từ 4.300 cá thể năm 2005. Hơn 25 năm qua, tổ chức Free the Bears đã cứu hộ và chăm sóc hơn 1.000 cá thể gấu khắp khu vực Đông Nam Á và Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Một vấn đề đặc biệt nữa được đặt ra, tại sao gấu là động vật hoang dã rất quý hiếm, có tên trong Sách đỏ nhưng khi đưa về Trung tâm bảo tồn gấu Cát Tiên lại không cho sinh sản và nhân đàn? Ông Dũng lý giải, do cá thể gấu ở trung tâm đã quá già, không còn khả năng sinh sản. Mặt khác, gấu không thể tái thả, vì bản năng gấu mẹ không còn hoang dã nên con của chúng cũng tương tự. Tổ chức Free the Bears đã từng thử nghiệm tái thả ở khu vực châu Á nhưng không thành công, gấu sau khi cứu hộ không thể sống ngoài thiên nhiên. Vì vậy, ngoài cứu hộ gấu thì mục đích lớn hơn của tổ chức Free the Bears là tuyên truyền, nhắc nhở người dân nói không với động vật hoang dã. Bởi chỉ có rừng mới là ngôi nhà của chúng, ở đó loài gấu mới có thể sinh sản nhân đàn được.

Tâm tư người cứu hộ

Hoạt động cứu hộ và phát triển sinh vật luôn được Vườn quốc gia Cát Tiên chú trọng. Đơn vị đã và đang tiến hành cứu hộ, chăm sóc, huấn luyện hơn 50 cá thể linh trưởng nguy cấp, quý hiếm các loại; 55 cá thể gấu và hàng trăm cá thể động vật hoang dã khác.

Ông Nguyễn Văn Khánh, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật vườn cho biết, những cá thể nguy cấp, quý hiếm thuộc diện chăm sóc đặc biệt, tốn kém nhiều chi phí đã và đang được các tổ chức quốc tế tiếp nhận, cứu hộ, tái thả. Ngoài tổ chức Free the Bears nhận cứu hộ 55 cá thể gấu thì còn có Trung tâm cứu hộ linh trưởng Monkey World (Anh), Trung tâm cứu hộ Ping Tung (Đài Loan) cứu hộ các cá thể linh trưởng có khả năng tái thả tự nhiên. Đối với những cá thể linh trưởng không có khả năng tái thả thì do Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của vườn nuôi dưỡng. Ngoài ra, công tác cứu hộ động vật hoang dã còn có sự hỗ trợ của tổ chức rùa châu Á (ATP), Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Việt Nam (SVW).

Đội ngũ bác sĩ thú y, chuyên gia phẫu thuật cứu hộ gấu khi đưa về Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cát Tiên

Theo ông Khánh, hằng năm đơn vị tiếp nhận khoảng 200 cá thể động vật hoang dã thuộc 32 loài khác nhau từ người dân, từ các vụ buôn bán, săn bắt trái phép. Khi tiếp nhận về trung tâm, việc đầu tiên là đảm bảo sức khỏe cho động vật, tiếp theo là khơi dậy bản năng tự nhiên, hoang dã. Qua quá trình sàng lọc, những cá thể nào có khả năng tái thả thì thả về môi trường tự nhiên đúng với bản năng ưa thích của chúng, với tỷ lệ tái thả đạt hơn 95%; những cá thể không có khả năng tái thả thì chăm sóc chúng đến cuối đời.

Các chú gấu được cứu hộ sống cuộc đời yên ấm còn lại

“Động vật hoang dã là một trong những loài có rất ít tổ chức, cá nhân nghiên cứu nên khó biết hết được tập tính riêng của chúng. Qua quá trình tiếp nhận, cứu hộ, nhân viên mới đúc kết, xây dựng phác đồ, quy trình cứu hộ, bởi vậy tỷ lệ cứu hộ thành công thường đạt thấp. Mặt khác, hiện có rất nhiều động vật cần cứu hộ, trong khi chuồng trại chật, hẹp nên luôn trong tình trạng quá tải” – ông Khánh nêu những khó khăn trong công tác cứu hộ động vật hoang dã hiện nay.

Dù khó khăn nhưng với những người làm công tác cứu hộ, họ vẫn luôn dốc sức điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe, vực dậy tập tính hoang dã để động vật sớm trở về với thiên nhiên. Ngoài cứu hộ, cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên còn nỗ lực thực hiện tốt việc truyền thông, tuyên truyền, vận động người dân, học sinh nói không với động vật hoang dã. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cứu hộ, chăm sóc, huấn luyện và tái thả thành công hàng ngàn cá thể động vật hoang dã về tự nhiên.

Sinh cảnh của nhiều động vật quý

Vườn quốc gia Cát Tiên được các chuyên gia, du khách đánh giá là nơi đầu tiên tại Việt Nam mà con người và động vật hoang dã có mối quan hệ hòa hợp. Bởi đây là nơi duy nhất trong cả nước mà khách du lịch dễ dàng quan sát được động vật hoang dã trực tiếp ngoài thiên nhiên.

Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) nhận định, Vườn quốc gia Cát Tiên là vùng có giá trị đa dạng sinh học cao, là sinh cảnh của một số loài động vật bị đe dọa ở mức toàn cầu như voi, chà vá chân đen, trăn đất, trăn gấm. Những đánh giá của các chuyên gia động vật, cũng như điều tra ngoài thực địa cho thấy, khu vực này rất quan trọng đối với sự tồn tại của quần thể loài voi châu Á, loài bò tót trong khu vực và các loài chim lớn như gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía và nhiều loài bò sát, lưỡng cư.

Các chuyên gia về động vật cho rằng, hệ sinh thái rừng Vườn quốc gia Cát Tiên tuy bị tác động mạnh nhưng nếu được quản lý và sử dụng phù hợp sẽ phát triển rất bền vững. Bởi vậy, công tác giữ rừng, bảo vệ hệ sinh thái cũng như bảo tồn, phát triển sinh vật không còn là của riêng ai mà tất cả đều chung tay vào cuộc.