Nobel Y học thuộc về các nhà khoa học Anh, Mỹ

Nhóm 2 nhà khoa học Mỹ và 1 nhà khoa học Anh đã đoạt giải Nobel y học năm nay nhờ công trình về tế bào phôi gốc.

Ba nhà khoa học này là các tiến sỹ Oliver Smithies, 82 tuổi, Mario Capecchi, 70 tuổi người Mỹ và tiến sỹ Martin Evans, 66 tuổi người Anh.


Hội đồng trao Giải Nobel y học ngày 08/10 khẳng định những phát kiến lớn của họ về tế bào gốc phôi thai và ADN đã được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu phương pháp chữa bệnh.


Các công trình nghiên cứu của họ đã cho phép hiểu được các tế bào mầm của phôi chuột trong quá trình phát triển đã biến đổi về mặt gien như thế nào.


Thành công này đã mở đường cho công nghệ “điều khiển gien” ở chuột, còn gọi là công nghệ “tác động qua gien”.

Công nghệ “tác động qua gien” thường được sử dụng để vô hiệu hóa các gien đơn bội. Chính việc “khử gien” như vậy đã làm sáng tỏ vai trò của hàng trăm gien trong giai đoạn phôi thai của chuột.


Với công nghệ “tác đông qua gien” này, các nhà khoa học có thể biến đổi ADN trong bộ gien chuột, từ đó xác định vai trò của các gien đơn bội liên quan tới bệnh tật.


Tiến sĩ Capecchi đã phát hiện vai trò của những gien liên quan tới sự phát triển của nội tạng và cấu trúc cơ thể. Tiến sĩ Evans áp dụng phát hiện này để phát triển các dạng bệnh tật của người trên cơ thể chuột còn tiến sỹ Smithies thì sử dụng công nghệ “tác động qua gien” để nghiên cứu bệnh di truyền của người trên cơ thể chuột, trong đó có bệnh xơ cứng động mạch và tăng huyết áp.


Hội đồng Nobel Y học khẳng định cho đến nay, những kết quả nghiên cứu của họ đã được ứng dụng gần như trong tất cả các lĩnh vực y – sinh học.


Ba nhà khoa học trên sẽ chia nhau số tiền 1,08 triệu Euro giá trị giải thưởng, và chính thức nhận giải tại buổi lễ tổ chức tại Stockholm ngày 10/12.