Rừng Mường Nhé đang “rỉ máu”

Mường Nhé là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do tình trạng săn bắn trái phép và nạn di cư tự do kéo theo nạn phá rừng làm rẫy đã và đang làm cho khu bảo tồn này “rỉ máu”.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có tổng diện tích 310.262ha, trong đó đất rừng là 47.400ha, tương đương với 15% tổng diện tích khu bảo tồn. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé còn khoảng 200 con voi, 300 con bò tót, 35 loài bò sát, 59 loài thú khác và 270 loài chim. Hệ thực vật của Mường Nhé cũng vô cùng phong phú với 308 loài. Trong đó, nhiều loài có giá trị đặc biệt về mặt khoa học như chò đãi, dổi xương, chò nước, lát hoa, chò chỉ, pơ mu… Riêng cây lấy gỗ có 112 loài, cây thuốc nam quý hiếm có 68 loài.  

Mua thịt thú rừng dễ như mua… rau rừng

Mường Nhé cách Hà Nội khoảng 700km. Điều đầu tiên dễ nhận biết nhất ở nơi “phố núi” này là, các cơ quan đoàn thể tuy mới được chuyển từ xã Chà Cang vào Mường Nhé chưa đầy 1 năm mà các hàng quán đã mọc lên san sát, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của các “thượng đế”.

Trên đường từ xã Chà Cang vào đến trung tâm phố huyện, có rất nhiều điểm bán thịt thú rừng. Mọi người bày bán công khai ngay tại những nơi đông người hay bên vệ đường như bán những mớ rau, củ sắn.

Một chị chủ quán cho biết, “Muốn ăn thịt nai, hoẵng hay thịt lợn rừng đều có. Nếu số lượng nhiều mà ăn ngay thì đợi chị gọi điện để người ta đưa thịt từ các nhà hàng khác đến, còn nếu ăn vào buổi chiều thì để chị tự đi mua, sẽ rẻ hơn. Thịt nai khô thì 270.000 đồng/kg, còn thịt nai tươi thì khoảng 80.000 đồng/kg. Thích lấy bao nhiêu, chỉ cần dặn trước là được.”

Khi được hỏi về việc kiểm lâm có bắt giữ các nhà hàng bán thịt thú rừng hay không, chị nhanh nhảu: “Có chứ! Thi thoảng vẫn có mấy “ông” Kiểm lâm “dạo qua” kiểm tra, nếu phát hiện được nhà hàng nào có tích trữ thịt thú rừng là họ vẫn phạt đấy. Nhưng rồi đâu lại vào đấy cả! Người dân trong vùng vẫn cứ bày bán thịt thú rừng nhan nhản như bán mớ rau, củ sắn kia kìa, làm sao kiểm soát hết được. Kiểm tra nhà hàng này thì nhà hàng khác đã biết bằng cách gọi điện báo cho nhau cất giấu, nên có trời mà phát hiện được.”

Mường Nhé vốn là khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên do tình trạng săn bắn  bừa bãi của người dân nơi đây đã khiến cho các loài động vật ngày càng trở lên “quí hiếm” và dần bị tiệt chủng. Có thể nói, người Mông ở vùng ngã ba biên giới này là những tay thợ săn thiện xạ. Nhiều người dân sống lâu đời ở xã Mường Nhé xót xa kể lại: cách đây không lâu, khi đi nương đi rẫy còn rất dễ gặp thú rừng quý hiếm như voi, bò tót, hổ… nhưng bây giờ tịnh không một bóng thú. Bà con đi lại trong rừng cả ngày cũng khó tìm được dấu vết chứng tỏ sự có mặt của chúng.

Người người, nhà nhà xẻ thịt rừng

Đường vào bản Nậm La, gỗ được chất thành từng khối lớn, gần ngay sát mép nước của con suối dưới chân bản. Ngạc nhiên hơn, khi trước mỗi ngôi nhà trong bản đều có một đống gỗ to tướng, chất cao như núi.

Anh Sùng A Hử, 39 tuổi, trú tại bản Nậm Là cho biết: “Bất cứ gia đình người Mông nào trong bản cũng đều phải chuẩn bị sẵn cho mình một bộ khung nhà bằng gỗ, để đề phòng ngôi nhà đang ở bị mối mọt thì có cái mà thay hay để cho con cái khi chúng lấy vợ, lấy chồng ra ở riêng như một món quà hồi môn. Đặc biệt là phải để phòng khi lâm chung có cái để đưa ma. Chính vì vậy bà con đã vào rừng tự chọn cho mình những cây gỗ quí hiếm, gỗ tốt để mang về làm của “để giành”.

Theo báo cáo mới nhất, Mường Nhé có trên 40.000 nhân khẩu, sống tập trung tại 114 bản và điểm bản. Trong đó có 68% dân số là đồng bào người dân tộc Mông. Người Mông vốn là những người có tiếng về chăm chỉ trồng cây lúa, gieo cây ngô để tự túc lương thực nhưng cũng là những người “chăm chỉ” phá rừng để làm rẫy.

Bên cạnh đó, ở Mường Nhé những năm gần đây tình trạng một số hộ dân người Mông di cư tự do ngày càng nhiều, ngày ngày bà con lùng sục trong rừng để săn bắn, khai thác gỗ bừa bãi đã khiến cho rừng Mường Nhé ngày càng cạn kiệt. Hơn nữa, các dự án mở đường giao thông, công trình thuỷ lợi, khai hoang… cũng góp phần tàn phá nhiều diện tích rừng. Tuy nhiên hầu hết các vụ phá rừng vẫn chưa bị phát hiện và xử lý thích đáng.

Thượng tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết: “Từ đầu năm 2007 đến nay, lực lượng công an huyện Mường Nhé đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố 8 vụ án phá rừng. Trong đó có 1 vụ án ở cấp huyện còn lại 7 vụ án cấp tỉnh. Riêng vụ án cấp huyện đã hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển cho Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân huyện tổ chức xét xử theo đúng luật định. Trong 7 vụ án cấp tỉnh thì có 2 vụ án đối tượng chính đã bỏ trốn vì vậy các cơ quan chức năng của công an tỉnh Điện Biên đang phát lệnh truy nã toàn quốc.”

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt, cả về hệ sinh thái lẫn phòng hộ sông Đà cũng như nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc địa phương. Nhưng trong tình cảnh ngày một… xác xơ đến não lòng như trên và ngày ngày máu rừng vẫn chảy thì liệu rừng Mường Nhé có còn tồn tại được hay không?