Đồ chơi, đồ dùng trẻ em: Doanh nghiệp "quên" tiêu chí an toàn

Sản phẩm đồ chơi Trung Quốc liên tục bị thu hồi tại nhiều nước trên thế giới vì vi phạm các tiêu chuẩn an toàn. Điều này, khiến người tiêu dùng Việt Nam giật mình. Hầu hết đồ chơi trẻ em, một phần đồ dùng và dụng cụ học tập trên thị trường Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc và không ít sản phẩm trong nước đang được mua bán tràn ngập trên thị trường mà không có lấy một sự đảm bảo nào về các tiêu chí an toàn cho trẻ nhỏ.

An toàn: điều không thể thiếu đang thiếu


Đầu năm học, thị trường đồ dùng học tập xuất hiện bộ sản phẩm chống cận thị LaLa do DN Việt Nam sản xuất đã thu hút được sự chú ý của các ông bố bà mẹ đang có con nhỏ đi học.

Bộ sản phẩm nói trên không có gì đặc biệt. Về cơ bản, sản phẩm được thiết kế bao gồm một bảng nhựa xóa có thể gắn linh hoạt vào tất cả các loại bàn học để làm bàn viết. Gắn kèm là một giá kẹp sách vở được thiết kế đúng tư thế và khoảng cách tốt nhất cho mắt của bé. Điểm đáng chú ý nhất là một thước cự li sát phía người học, có thể điều chỉnh để giúp và buộc các em bé ngồi đúng cự li và thẳng lưng theo các tiêu chuẩn y tế học đường…

Một sản phẩm đơn giản, giá không hề thấp nhưng các ông bố bà mẹ sẵn sàng bỏ tiền ra mua vì mặt hàng này đánh đúng tâm lý người tiêu dùng. Điều này càng trở nên dễ hiểu nếu chúng ta biết rằng, trong điều tra mới đây của Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT và Khoa Y tế cộng đồng Đại học Y cho biết, 11% trẻ em tiểu học bị cận thị, con số này là 32% ở trung học cơ sở và có đến 80% trẻ em ở các trường chuyên bị cận thị. Bên cạnh đó, 30% học sinh tiểu học bị vẹo cột sống. Trong khi đó, ngoài việc nhắc nhở, có rất ít các sản phẩm – dụng cụ học tập bắt buộc và tạo thói quen tốt bảo vệ bé khi học và chơi.

Ông Ngô Quốc Khang – Giám đốc Công ty Vĩnh Khang chuyên cung cấp sản phẩm chăm sóc trẻ em cho biết, các tiêu chí an toàn, chức năng bảo vệ sức khỏe trong các sản phẩm dành cho trẻ em rất được các nước quan tâm. Ví dụ, nếu là sản phẩm nilon đều có cảnh báo để xa tầm tay trẻ em, nếu sản phẩm dùng pin thì ngoài móc cài còn gắn thêm vít chỉ người lớn mới mở được, tránh trường hợp trẻ em lấy pin ra ngậm. Các linh kiện thì không sắc nhọn và không gây chấn thương; chất liệu nhựa phải là nhựa an toàn không gây độc, nếu vỡ không gây xây xước cho bé. Đặc biệt, tính định hướng giáo dục trong mỗi sản phẩm là rất cao.

Điều đáng tiếc là hầu hết các sản phẩm đồ chơi – dụng cụ học tập trẻ em đang bỏ quên điều này. Trên thị trường hiện nay có rất ít sản phẩm tuân thủ đầy đủ các ghi chú sử dụng và cảnh báo, chất liệu sử dụng thế nào, thiết kế có hợp chuẩn trẻ em không, hầu như không có một thông tin nào trên sản phẩm để thông báo cho khách hàng biết để chọn mua và sử dụng. Và nếu có nó cũng thường không được đảm bảo bằng các tiêu chuẩn hay chứng nhận của tổ chức uy tín.

Ông Khang còn cho biết, khi đi vào sản xuất bộ sản phẩm trên đây, công ty đã tìm kiếm rất nhiều nhưng vẫn không thấy một hệ thống tiêu chuẩn nào yêu cầu an toàn đối với đồ chơi và sản phẩm phục vụ trẻ em. Và DN đành phải tự tìm kiếm và tự xác định tiêu chuẩn dựa trên mục đích và yêu cầu sử dụng mà thôi. Rõ ràng, tiêu chuẩn an toàn từ chất liệu, thiết kế, công năng sử dụng… là điều tối cần thiết lại đang bị bỏ quên trên thị trường Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm đồ chơi nhập khẩu không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên thị trường Việt Nam.

Một hướng đi cho DN Việt Nam

Thị trường đồ chơi và đồ dùng trẻ nhỏ ở Việt Nam hiện đang tràn ngập các sản phẩm nhập khẩu mà chủ yếu là từ Trung Quốc. Các DN trong nước hiện rất khó cạnh tranh về mẫu mã và giá cả. Các DN Việt Nam dường như đang khó tìm đường đi trước sự tràn ngập và phong tỏa của hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, với thực tế thị trường, kinh nghiệm cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc cho thấy, DN Việt Nam vẫn có những hướng đi thành công. Trong một hội thảo gần đây, các chuyên gia nhắc lại câu chuyện, trước đây nhãn hiệu bia Vạn Lực tràn lan khắp thành thị thôn quê khiến ngành giải khát Việt Nam lao đao. Nhưng các DN trong nước đã vượt qua sức ép, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hiện nay bia Hà Nội, Sài Gòn, Halida… đã thống lĩnh thị trường.

Tương tự, là chuyện của sứ Minh Long, Hải Dương… Và hiện nay, ngành dệt may từ chỗ bị mất cơ bản thị trường nội địa đến nay, DN trong nước đã vươn lên phân chia miếng bánh với hàng nhập khẩu và người ở đô thị đang dùng hàng Việt Nam với quan niệm hàng chất lượng cao.

Trong một lĩnh vực sản xuất có nhiều đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn như đồ chơi và đồ dùng cho trẻ em thì DN Việt Nam hoàn toàn có thể chọn cho mình một lối đi để tạo lợi thế cho mình. Đó có thể đi vào các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, hướng đến các sản phẩm phù hợp và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Việt Nam chưa hình thành một ngành sản xuất đồ chơi thực sự nhưng chúng ta có những tiền đề cho sự phát triển này là ngành dệt may, ngành nhựa và các làng nghề thủ công… phát triển. Nếu chọn được hướng đi đúng, có chính sách đầu tư và hợp tác phát triển. Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một ngành sản xuất đồ chơi để trước hết là giành lại thị phần trong nước và tính tới xuất khẩu.