Tiết kiệm năng lượng: Cần hiểu và hành động đúng

Để tăng trưởng khoảng 14% năng lượng, Nhà nước phải đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Trong khi chỉ cần dùng những giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản là có thể giảm tức thời từ 10-20% nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên những giải pháp tiết kiệm năng lượng của nước ta hiện nay vẫn được chưa hiểu và làm đúng.

Không tiết kiệm – Việt Nam sẽ khủng hoảng thiếu năng lượng

Hiện mỗi năm nước ta đầu tư khoảng 5 tỷ USD xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng ngành điện, nhập khẩu khoảng 1-2 tỷ USD dầu hoả và bao cấp khoảng 1 tỷ USD để cung cấp cho nhu cầu năng lượng.

Việt Nam hiện là một trong những nước nghèo về các nguồn tài nguyên năng lượng, với mức quy đổi về nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí uranium và thủy điện) tính bình quân trên đầu người rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Song, việc khai thác và sử dụng năng lượng lại rất lãng phí. Trong khi nước ta đang phải nhập khẩu nhiệt điện, xăng, dầu và khí đốt thì có bao nhiêu than, dầu thô hầu như chúng ta lại đem bán hết.

Hiện nước ta đang xuất khẩu hơn 50% sản lượng than và gần 100% lượng dầu thô khai thác được. Theo lý giải của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc xuất khẩu than hiện nay là đúng đắn vì nó thu về lượng ngoại tệ “khổng lồ”. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Trong khi TKV xuất khẩu than qua Trung Quốc với giá “bèo” để nước này sản xuất điện thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phải mua điện cũng từ Trung Quốc với giá cao ngất ngưỡng.

Theo GS. TS Phí Văn Lịch, chuyên gia chính sách của dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sau năm 2015 nước ta sẽ phải nhập khẩu than để sản xuất điện nguyên tử (vào năm 2020). Trong khi đó tổng sản lượng than của Việt Nam lúc đó nếu khai thác tối đa cũng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Lượng than nhập khẩu của Việt Nam sẽ cao hơn cả sản lượng than hiện nay. Song vấn đề là chúng ta phải nhập khẩu than từ đâu thì chưa ai biết. “Nếu sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, chúng ta chỉ phải nhập khẩu than vào năm 2025, kịp đưa nhà máy điện nguyên tử với lò phản ứng thế hệ thứ tư vào phát điện sau năm 2030. Hiện nay, có thể coi Việt Nam là nước xuất khẩu về năng lượng. Nhưng chỉ sau năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu về năng lượng và khi đó khủng hoảng thiếu năng lượng sẽ là điều có thể.” -ông Lịch cho biết thêm.

Vậy đâu là giải pháp?

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh, vệc mất cân bằng năng lượng và thiếu toàn diện trên cả nước chắc sẽ diễn ra, nhưng Việt Nam có thể hạn chế và đẩy lùi thời điểm xảy ra. Muốn vậy, việc đầu tiên cần làm là xây dựng chiến lược của quốc gia về khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp (than đá và dầu khí). Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng các cơ chế hoạt động cho thị trường năng lượng.

Cũng theo ông Tước, Bộ Công nghiệp hiện đang chủ trì soạn thảo Luật về Tiết kiệm năng lượng (TKNL), nhưng chủ yếu chỉ đề cập tiết kiệm điện. Trên thực tế, vấn đề TKNL cần được tiếp cận một cách toàn diện, khoa học, trong đó điện chỉ là một yếu tố. TKNL cần được thực hiện từ khâu thăm dò, khảo sát, quy hoạch, thiết kế, khai thác, chế biến, vận chuyển đến sử dụng vì lãng phí, tổn thất về năng lượng ở nước ta hiện đang xảy ra ở tất cả các khâu. Nếu chỉ đề cập đến tiết kiệm điện năng thì chúng ta mới chỉ đề cập đến khả năng và nhu cầu tiết kiệm một phần rất nhỏ của TKNL.

Cũng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chỉ có hai con đường: phát triển các cơ sở khai thác sản xuất, chế biến, cung ứng năng lượng. Đồng thời cần nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, ít nhất 30% nhu cầu năng lượng có thể và cần phải được đáp ứng bằng biện pháp tiết kiệm. Đây là yếu tố mà các nhà hoạch định chính sách năng lượng quốc gia cần lưu tâm nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Tước cũng cảnh báo, thiếu điện đang là căn bệnh trầm kha của tiến trình phát triển kinh tế ở mọi giai đoạn và ở nhiều nước. Mất cân bằng năng lượng sẽ chính là rào cản lớn nhất cho việc phát triển nền kinh tế, làm giảm sức hút đầu tư, triệt tiêu mọi khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm, làm mất cơ hội tăng GDP của nước ta trong tương lai.