Kinh hoàng nước thải bệnh viện

Bước vào cổng Bệnh viện Ung bướu TP HCM, nhiều người phải bịt mũi vì mùi hôi bốc lên. Qua một lỗ cống vỡ, dòng nước đen chảy ồng ộc ra phía ống thoát nước công cộng, trong khi phòng xử lý nước thải cách đó chỉ vài mét.

Không có nhân viên trực, không nghe thấy tiếng máy bơm thủy lực, hệ thống xử lý nước thải duy nhất của Bệnh viện Ung bướu thành phố xây trên diện tích gần 20 m2 chỉ có một bồn chứa dung dịch Clo và vài thứ khác. Nước được coi là đã qua xử lý nhưng vẫn đậm đặc mùi bệnh viện.

“Hệ thống xử lý vẫn hoạt động, còn chất lượng nước sau xử lý thì bệnh viện rất khó kiểm soát”, Giám đốc bệnh viện Ung bướu TP HCM Nguyễn Chấn Hùng cho biết.

TP HCM hiện còn trên 40 bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn và 35 cơ sở khác thậm chí chưa có cả hệ thống xử lý. Nước bẩn đi thẳng xuống cống thoát nước và ra môi trường.

Tại Hà Nội, tình hình cũng tương tự. Bệnh viện Phụ sản Trung ương là nơi có cơ sở có hạ tầng rất bề thế nhưng theo tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó giám đốc bệnh viện, nơi đây vẫn chưa có hệ thống xử lý nước. Nhiều năm nay, nước thải y tế – sản phẩm của phòng mổ, phòng sinh và các thủ thuật – vẫn được xả trực tiếp vào hệ thống cống ngầm rồi tập kết ra sông Tô Lịch. 

“Chúng tôi cũng đau lòng vì mình chữa bệnh mà lại xả ra nguồn gây bệnh, nhưng khi hệ thống xử lý nước chưa có thì không có cách nào khác” – tiến sĩ Việt nói. 

Bệnh viện Việt Đức, cơ sở ngoại khoa lớn nhất nước, nơi thực hiện hàng chục nghìn ca mổ mỗi năm, đồng nghĩa với việc xả ra lượng nước thải y tế khổng lồ – hiện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn. Một bác sĩ ở đây cho biết, khu xử lý nước thải ở đây được xây dựng từ đầu thập kỷ 1980 với quy mô chỉ phù hợp với số ca mổ còn ít ỏi, lại đã xuống cấp từ lâu. Do đó, nước thải y tế từ đây vẫn gần như giữ nguyên mức độ độc hại khi xả ra môi trường.

Theo Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, trong số 400.000 m3 nước thải đổ vào sông Nhuệ, sông Đáy mỗi ngày (hầu hết không qua xử lý), có gần một nửa là nước thải bệnh viện.

Nhiều trạm xử lý nước bị bỏ không

Bệnh viện An Bình TP HCM có khu xử lý nước thải khá rộng nhưng hệ thống không hoạt động hơn 10 năm nay, khiến nước thải y tế chảy thẳng ra cống công cộng. Theo một nhân viên ở đây, hệ thống được xây dựng từ năm 1995 nhưng chỉ hoạt động khoảng 2 năm. 

Thạc sĩ Từ Hải Bằng, Phó khoa Vệ sinh và Sức khoẻ môi trường thuộc Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, cho biết trong hơn 1.000 bệnh viện ở Việt Nam, chỉ 1/3 có hệ thống xử lý nước thải (chủ yếu là ở tuyến trung ương và tỉnh), trong đó chỉ có một số đạt tiêu chuẩn. Nhiều nơi có khu xử lý nước cũng như không vì hệ thống không được bảo dưỡng, dẫn đến hỏng hóc. Nhiều bệnh viện chỉ vận hành hệ thống trong giai đoạn còn bảo hành, sau đó bỏ không với lý do không có kinh phí trả tiền điện, hoá chất khử trùng…

Ở nhiều bệnh viện lớn đóng tại thành phố, nước thải cũng chỉ qua bể phốt rồi đổ thẳng ra cống. Khi đó, nước chỉ mới giảm được một phần chất hữu cơ và vẫn còn rất nhiều vi sinh vật gây bệnh. Nhưng ở rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, ngay cả bể phốt cũng không có, nước thải y tế cứ chảy ra ngoài nguyên trạng.

Hầu hết các giám đốc bệnh viện đều nói rằng, họ luôn mong muốn có được một hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, nhưng gặp phải vấn đề đau đầu là tài chính. Kinh phí cho một hệ thống đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu một bệnh viện lớn phải đến hàng tỷ đồng. Ông Trần Quốc Việt cho biết, đó là lý do Bệnh viện Phụ sản Trung ương phải chấp nhận xả nước thải bẩn ra môi trường nhiều năm nay. Và phải ít nhất đến đầu năm sau, tình trạng này mới chấm dứt khi công trình xử lý nước trị giá gần 3 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước cấp được khánh thành.

Còn Bệnh viện Việt Đức tuy nằm trong 6 bệnh viện được Chính phủ phê duyệt xây dựng hệ thống xử lý nước, hiện vẫn chưa được cấp kinh phí để tiến hành.

Mầm bệnh tự do phát tán

Nước thải bệnh viện chứa vô số loại vi trùng, virus và các mầm bệnh sinh học khác trong máu mủ, dịch, đờm, phân của người bệnh, các loại hóa chất độc hại từ cơ thể và chế phẩm điều trị, thậm chí cả chất phóng xạ. Do đó, nó được xếp vào danh mục chất thải nguy hại.

Theo kết quả phân tích của cơ quan chức năng, loại nước này ô nhiễm nặng về mặt hữu cơ và vi sinh. Hàm lượng vi sinh cao gấp 100 – 1.000 tiêu chuẩn cho phép, với nhiều loại vi khuẩn như Salmonella, tụ cầu, liên cầu, virus đường tiêu hoá, bại liệt, các loại ký sinh trùng, amip, nấm. Hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp 2-3 lần tiêu chuẩn cho phép. 

Sau khi hòa vào hệ thống nước thải sinh hoạt, những mầm bệnh này chu du khắp nơi, xâm nhập vào các loại thủy sản, vật nuôi, cây trồng, nhất là rau thủy canh và trở lại với con người. Việc tiếp xúc gần với nguồn ô nhiễm còn làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác cho người dân.

Hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn tại Bệnh viện Gia Định:

Hồ chứa rộng gần 100 mét vuông với công suất xử lý 1.500 mét khối/ngày. Hệ thống máy xử lý gồm các khoang chứa nước đến, có bộ phận lọc rác phía ngoài. Nước được cho vào bồn khử mùi bằng dung dịch Clo lỏng, sau đó là lọc khử vi sinh, hữu cơ. Toàn bộ các khoang chứa nước được xây kín, không cho thoát mùi. Hệ thống được xả cặn 2 lần mỗi tuần.

Kỹ sư Nguyễn Tăng Tiến, phòng Hành chính – quản trị, cho biết nước sau xử lý rất trong và không có mùi hôi như khi xử lý đơn thuần bằng clo. Chi phí cho hệ thống này khoảng 800 triệu đồng.