Những khó khăn cho công tác trồng rừng tại Đa Huoai

Thực thi Pháp luật bảo vệ rừng, lâm trường Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã cùng các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành các biện pháp ngăn chặn lâm tặc, bảo vệ tài nguyên rừng và giải toả diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép từ các năm trước để trồng lại rừng. Nhưng sau khi được giải toả, chưa kịp trồng rừng, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp này lại bị tái lấn chiếm.

Theo ông Trịnh Hữu Vinh, Phó Giám đốc Lâm trưòng Đạ Huoai,  từ đầu năm 2007 tới nay, chỉ riêng lâm phần do đơn vị quản lý đã xảy ra hàng chục vụ phá rừng làm rẫy, 71 vụ khai thác lâm sản trái phép với số lượng gỗ bị chặt hạ lên tới 266 cây tương đương 532,5 m3 và nhiều vụ tái chiếm đất rừng để canh tác nông nghiệp.
 
Trong đó, tại các tiểu khu 603, 604, 578, 585, nhiều hộ nông dân của các xã Đoàn Kết và Đạm Ploa đã lại trồng cây điều, cây mì và cây cao su trái phép trên diện tích 63,4 ha và Lâm trường Đạ Huoai lại phải tiến hành giải toả lần thứ 2.  
 
Sở NN-PTNT và UBND huyện Đạ Huoai đã chỉ đạo Lâm trường giao diện tích đất rừng mới được giải toả lần 2 này cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số gốc địa phương thuộc diện đang thiếu đất sản xuất để trồng lại rừng.
 
Từ nguồn vốn Chương trình 661, Nhà nước đã hỗ trợ các hộ này 2 triệu đồng/ha rừng trồng mới và mỗi nhân khẩu 10 kg gạo/tháng, trợ cấp 6 tháng mỗi năm và thực hiện trong thời gian 3 năm. Đây là chủ trương rất đúng đắn, giúp địa phương giữ và phát triển được vốn rừng, tạo việc làm và thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn về đất sản xuất từ trồng rừng tập trung và làm lâm nghiệp xã hội.
 
Hiện tại, báo cáo kinh tế kỹ thuật trồng diện tích rừng này đã được Sở NN&PTNT phê duyệt, Sở Kế hoạch – Đầu tư đã phê duyệt vốn cấp, song khâu triển khai thực hiện của lâm trường lại đang gặp khó khăn. Tới trung tuần tháng 07/2007 mới có 51 hộ được giao trồng rừng tiến hành phát  dọn được thực bì – khâu đầu tiên của quy trình kỹ thuật trồng rừng – trên diện tích  gần 35,6 ha sau khi Lâm trường và UBND các xã phải tổ chức hội họp tới 7 lần để vận động bà con dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng.
 
Với hàng trăm lý do khác nhau như đã muộn thời vụ trồng rừng, lo kiếm ăn hàng ngày, ngại va chạm với các hộ đã lấn chiếm đất rừng trái phép trước đây nay bị giải tỏa…, rất nhiều hộ dân tộc thiểu số được nhận đất, được Nhà nước đầu tư hỗ trợ để trồng mới rừng đã từ chối tham gia. Cụ thể, tại xã Đoàn Kết có 28 hộ dân tộc thiểu số diện thiếu đất sản xuất được giao nhận khoán 46,1 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất đã vài tháng, nhưng tới nay vẫn không triển khai phát dọn thực bì.
 
Do vậy, theo nhận định của Lâm trường Đạ Huoai, mùa trồng rừng năm nay, đơn vị chỉ có thể thực hiện được 60-65 ha (Đạ Tồn 33 ha, Phước Lộc 11,4 ha, Đoàn Kết 14 ha) trên kế hoạch tỉnh giao là 142 ha.
 
Rõ ràng việc trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giải tỏa sau lấn chiếm trái phép bằng nguồn vốn Chương trình 661 của Lâm trường Đạ Huoai nói riêng và của cả huyện Đạ Huoai nói chung đang gặp khó khăn.
 
Sự lo ngại của các hộ nhận đất lâm nghiệp mới giải toả để trồng rừng sản xuất là có cơ sở khi hiện tại mùa mưa đã bắt đầu gây khó khăn rất nhiều cho các khâu thu dọn thực bì, và việc xuống giống cây do khâu dọn thực bì chậm nên chỉ có thể thực hiện  vào mùa khô tới nên số lượng cây sống sẽ không cao; hơn nữa, mặc dù đã được chính quyền địa phương và Lâm trường hỗ trợ  lực lượng tại hiện trường để ngăn chặn tình trạng các hộ phát rừng trước đây lấy đất sản xuất nay bị giải tỏa cản trở các hộ được giao đất trồng rừng, nhưng tình trạng có hộ mới trồng rừng hôm trước, hôm sau đã bị nhổ sạch cây giống đã xảy ra ở một vài địa bàn. Còn một nguyên nhân nữa cần được ngành NN-PTNT và các ngành chức năng khác của tỉnh xem xét là với đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, mức hỗ trợ  của Nhà nước 2 triệu đồng để họ tiến hành trồng mới một ha rừng là quá thấp.
 
Đứng trước thực trạng không mấy suôn sẻ này, ngoài việc tập trung vận động nông dân tham gia chương trình trồng rừng, đẩy nhanh tiến độ thu dọn thực bì và tiến hành trồng rừng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mới giải tỏa, Lâm trường Đạ Huoai đã đề nghị Sở NN&PTNT và UBND huyện Đạ Huoai thành lập một chuyên án, một lực lượng có tính chuyên nghiệp, có đủ sức mạnh để phá bỏ đường dây khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng trái phép và trấn áp lâm tặc đang hoành hành trên địa bàn…