Vương triều Saudi Arabia trước “lời nguyền tài nguyên”

“Tầm nhìn năm 2030” của Thái tử Mohammad Bin Salman và những động thái gần đây cho thấy Saudi Arabia đang vùng vẫy để thoát “lời nguyền tài nguyên”. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Những các ghế trống trong lễ khai mạc Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ngày 23/10/2018. (Nguồn: Getty Images)
“Lời nguyên tài nguyên” (resource curse) là cụm từ được sử dụng để mô tả nghịch lý của các quốc gia, vùng lãnh thổ giàu tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không thể tái tạo như khoáng sản và nguyên liệu, nhưng không có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả phát triển kinh tế như các nước nghèo tài nguyên.

Thực tế cho thấy nhiều quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là tại châu Phi như Congo, Angola, Sudan, Nigeria… lại thường xuyên phải đối mặt với đói nghèo, bệnh dịch, chiến tranh hay nạn tham nhũng. Ngược lại, các quốc gia và vùng lãnh thổ được mệnh danh là “Những con hổ châu Á” như Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản đã tăng trưởng đáng kinh ngạc dù không nhiều tài nguyên thiên nhiên.

Với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Saudi Arabia luôn nằm trong danh sách 51 quốc gia được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là “giàu tài nguyên thiên nhiên”. Song sau thời gian dài tăng trưởng, Riyadh bắt đầu cảm nhận hệ lụy từ “lời nguyền tài nguyên” như suy giảm công nghiệp chế tạo, nguồn thu không ổn định, thiếu đầu tư hiệu quả giáo dục, tham nhũng, ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và môi trường… Chiến lược “Tầm nhìn năm 2030” của Thái tử Mohammad Bin Salman hướng tới khắc phục các yếu điểm đó, mở cửa và đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. “Sáng kiến Đầu tư Tương lai” (FII), hay còn được gọi là “Davos tại Sa mạc”, là một phần của chiến lược này.

Chuyển mình để thoát khó

Là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2017, song FII các năm trước không nhận được nhiều sự chú ý bởi thái độ dè dặt của nhà đầu tư trước các diễn biến chính trị liên quan tới Riyadh. Đặc biệt, sau khi nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Đại sứ quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều đại diện các tập đoàn lớn, từ Google, JPMorgan Chase, Ford, BlackRock cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã từ chối tham gia FII 2018.

Tuy nhiên, một năm đã qua và moi chuyện giờ đã khác. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro dự kiến sẽ tham dự và phát biểu tại FII 2019. Đoàn đại biểu cấp cao của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cùng Cố vấn cấp cao Nhà Trắng, Jared Kushner dẫn đầu sẽ góp mặt ở sự kiện này. Lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới như Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Citigroup… cũng xác nhận sẽ tới Riyadh.

Thái độ của chính giới các nước và lãnh đạo các doanh nghiệp đối với FII lần này là thành công lớn của Riyadh. Tuy nhiên, nó chỉ đến sau những thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt.

Đầu tiên, đó chính là việc Thái tử Mohammad Bin Salman đứng ra nhận trách nhiệm một phần trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, dù tiếp tục phủ nhận sự liên quan trực tiếp tới hành vi mưu sát này. Động thái này là cần thiết, khi nó đã phần nào hạ nhiệt thái độ gay gắt của cộng đồng quốc tế và cải thiện hình ảnh của ông Salman.

Saudi Arabia, dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mohammad Bin Salman, đã có những nỗ lực chuyển mình toàn diện. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Thứ hai, Saudi Arabia đã tiến hành thay đổi chính sách tích cực và toàn diện, từ kinh tế, chính trị đến xã hội. Về chính trị, Thái tử Mohammad Bin Salman đã triển khai chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt, loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Về kinh tế, Riyadh đẩy mạnh khuyến khích đầu tư nước ngoài, phát triển ngành nghề mới, đặc biệt là du lịch. Về xã hội, Saudi Arabia đã có bước đi táo bạo khi cho phép phụ nữ trưởng thành ra ngoài một mình mà không cần sự đồng ý của nam giới, cho nữ giới quyền đăng ký hộ chiếu, kết hôn, ly hôn, khai sinh, giám hộ…

Thứ ba, tình hình thế giới nói chung và khu vực Trung Đông nói riêng tiếp tục chuyển biến nhanh và phức tạp khiến Saudi Arabia trở thành đối tượng được nước lớn coi trọng và tranh thủ. Với Moscow, Riyadh là đối tác quan trọng trong Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ Mở rộng (OPEC+), đóng vai trò kiểm soát giá dầu. Với Mỹ, Saudi Arabia là đồng minh chiến lược, một trong hai trụ cột còn sót lại trong chính sách truyền thống tại Trung Đông, kiểm chế ảnh hưởng ngày một lớn của Iran. Với Bắc Kinh, trữ lượng dầu mỏ của Riyadh sẽ giúp đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Washington.

Dùng dầu để… thoát dầu

Tuy nhiên, Saudi Arabia có tận dụng được bối cảnh thuận lợi này để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, đa dạng hóa nền kinh tế hay không, sẽ là câu chuyện không đơn giản.

Tâm điểm của FII lần này sẽ là thông tin xoay quanh hoạt động phát hành công khai lần đầu (IPO) của Công ty Dầu khí Nhà nước Saudi Arabia (Aramco), công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Theo đó, giới phân tích nhận định Aramco có thể tiến hành IPO 5% tổng giá trị, ước tính trị giá 1.500 – 2.000 tỷ USD. Nguồn vốn thu về từ đợt IPO này, cùng lợi nhuận ròng từ Aramco sẽ là yếu tố chủ chốt trong kế hoạch cải cách của Thái tử Mohammad Bin Salman.

Những năm vừa qua, Saudi Arabia đã có bước tiến ngoạn mục khi thăng hạng từ vị trí thứ 62 lên 30 trong danh sách Mức độ Thuận tiện cho việc Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, nhiều quốc gia và doanh nghiệp tham dự FII lần này vẫn tập trung vào tiềm năng dầu mỏ của Saudi Arabia, thay vì nhìn nhận đây như thị trường mới nổi cho các ngành nghề mới. Khi ấy, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khác ngoài năng lượng, đa dạng hóa nền kinh tế, vượt qua “lời nguyền tài nguyên” sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng dành cho Thái tử Mohammad Bin Salman.