Nhật Bản: Chú lợn nhân bản thế hệ thứ 4 ra đời

Các nhà di truyền học Nhật Bản mới đây khẳng định họ đã cho ra đời những chú lợn nhân bản thế hệ thứ 4 đầu tiên trên thế giới. Theo họ, thành công mới này có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra các phương pháp điều trị bệnh cho con người.

Ông Hiroshi Nagashima là một giáo sư di truyền học thuộc trường Đại học Meiji ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ông là người chủ trì dự án vừa mới cho ra đời 3 chú lợn con thế hệ thứ 4 bằng phương pháp nhân bản.

Ông Nagashima cho biết, trước đây đã có nhiều nỗ lực nhân bản động vật qua các thế hệ, song đều thất bại. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của những thất bại đó là do yếu tố di truyền trong nhân tế bào của con vật cho làm thoái hóa yếu tố di truyền của các thế hệ tiếp sau. Các phát hiện của nhóm nghiên cứu của ông Nagashima cho thấy, những loài động vật có vú lớn, như trong trường hợp này là lợn, có thể được nhân bản qua nhiều thế hệ mà không bị thoái hóa.

Các nhà khoa học Mỹ cũng đã từng nhân bản thành công những chú chuột thế hệ thứ 6. Nhưng giáo sư Nagashima cho rằng, dự án của ông hữu dụng hơn vì lợn có sự tương đồng với người hơn là chuột. Ông tin tưởng rằng, thành công của dự án nghiên cứu này có thể mở đường cho việc tìm ra các phương pháp điều trị bệnh cho con người.

Giáo sư Hiroshi Nagashima, trường Đại học Meiji, Nhật Bản cho biết: “Chúng ta có thể áp dụng phương pháp điều trị bệnh và phẫu thuật của con người cho lợn vì kích thước cơ thể lợn gần giống với con người. Vì vậy, những con lợn nhân bản này sẽ hữu ích cho quá trình nghiên cứu bệnh lý và các phương pháp điều trị bệnh cho con người”.

Các nhà di truyền học Nhật Bản cho biết, kết quả nghiên cứu này là rất quan trọng cho việc duy trì nòi giống các loài động vật lớn khác như ngựa đua hay bò đực, mở ra những phương pháp mới trong việc lưu giữ các loài động vật quý hiếm.