Rác thải tràn ngập “thủ đô resort”

Vào mùa này trên bãi biển Mũi Né, rác bị nước biển cuốn vào bờ trải dài hàng cây số. Bên cạnh vấn nạn rác biển làm ô nhiễm môi trường, việc quy hoạch không đồng bộ và nước thải chưa qua xử lý của các resort, nhà nghỉ thải trực tiếp ra biển cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý.

Rác ngoài khơi – rác địa phương
Ông Đặng Duy Thông, Trưởng Ban quản lý khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né cho biết: do điều kiện tự nhiên, Mũi Né là bãi ngang nên vào mùa gió tây nam, các dòng hải lưu sẽ mang tất cả rác trên biển đổ hết vào. Không chỉ ngư dân của Việt Nam mà cả ngư dân trong khu vực cũng tha hồ thải rác xuống biển, dân địa phương đi nhặt rác đôi khi nhặt được đôla Mỹ, Hồng Kông, Singapore
“Ghé thăm” bãi biển Múi Né vài ngày, núi rác kia sẽ theo nước biển trôi đi nơi khác và năm nào cũng thế, đến mùa rác lại xuất hiện ở Mũi Né dày đặc.
Để có giải pháp lâu dài khắc phục tình trạng hàng núi rác thải tấp vào bãi biển Mũi Né như hiện nay, ông Lê Ngọc Hà, Giám đốc Resort Hoàng Ngọc, cho rằng: “Nguyên nhân đầu tiên là do ý thức của cư dân và các thuyền đánh cá thải rác ra biển. Giải pháp trước mắt chính quyền địa phương nên cho các khu du lịch dùng lưới ngăn rác từ ngoài khơi, nhưng về lâu dài thì cần phải tuyên truyền ý thức giữ vệ sinh môi trường biển, “.
Bên cạnh vấn nạn rác biển làm ô nhiễm môi trường, việc quy hoạch không đồng bộ và nước thải chưa qua xử lý của các resort, nhà nghỉ thải trực tiếp ra biển cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý.
Theo quy định, các nhà nghỉ, resort phải xây dựng hồ chứa và hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay chỉ có khoảng 50% resort có hệ thống xử lý nước thải, với những resort chưa có chính quyền địa phương quy định thời hạn chót là năm 2006. Nhưng do đã đi vào hoạt động, xây dựng hệ thống xử lý nước thải sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị, nên các resort lại được gia hạn đến cuối năm 2007.
Quy hoạch không theo kịp đà phát triển
Theo ông Hà, Giám đốc resort Hoàng Ngọc: “Mặc dù Mũi Né đã được đưa vào khai thác du lịch từ nhiều năm qua và chính quyền địa phương cũng đã làm hết sức, nhưng ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây còn kém. Để bảo vệ môi trường du lịch biển tốt, chính quyền cần tổ chức đội cảnh sát bảo vệ môi trường sẵn sàng phạt tiền những ai xả rác ở bờ biển và trên biển. Nếu đội cảnh sát môi trường được thành lập thì các chủ resort sẵn sàng hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động”.
Sau khi xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần, chỉ trong một thời gian ngắn, Mũi Né đã trở thành “thủ đô resort”, với tốc độ phát triển quá nhanh đã để lại nơi đây nhiều “di chứng”, từ việc cấp đất cho các chủ đầu tư đến quy hoạch tổng thể.
Có một số nhà đầu tư tự thương lượng mua đất của cư dân địa phương xây resort và không theo một quy hoạch nào. Các resort cái thì quá lớn, cái thì chỉ khoảng 1 ha. Do quỹ đất nhỏ nhiều resort đã lấn biển, làm cho bãi biển Mũi Né ngắn đi và không còn cảnh quan thiên nhiên. Không ít khách du lịch phải tiếc nuối, giá mà bãi biển Mũi Né đừng bị khai thác quá triệt để và được giữ lại nhiều cảnh quan tự nhiên hơn chút nữa thì sẽ rất tuyệt vời!
Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cho biết: “Tôi đã từng khảo sát Phunket của Thái Lan. Về mặt tự nhiên, rõ ràng Mũi Né không thua kém gì, nhưng chúng ta còn thua họ về qui hoạch. Hơn nữa, trong vấn đề môi trường, quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ của chúng ta vẫn còn yếu…”.
Tiềm năng đa dạng cho phát triển du lịch ở Mũi Né – Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung là rất lớn, cảnh quan tự nhiên phong phú, độc đáo không chỉ ở vùng biển phía đông mà cả vùng trung du. Vùng đồi núi phía tây của tỉnh vẫn chưa được khám phá và khai thác. Hệ thống giao thông, dịch vụ hạ tầng phục vụ du lịch đã và đang đầu tư khá đồng bộ. Những năm qua Bình Thuận đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện có 671 dự án đầu tư được UBND tỉnh Bình Thuận chấp nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 19.270 tỷ đồng. Dự án đầu tư du lịch chiếm tỷ trọng cao với 370 dự án trên 2.601 ha đất, tổng vốn đăng ký 8.657 tỷ.
Từ một làng chài nghèo ít người biết đến, ngày nay Mũi Né đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, do không theo kịp đà phát triển, Mũi Né đã xuất hiện resort kiểu “da beo”, lớn nhỏ không đồng bộ. Về lâu về dài, vấn nạn môi trường và một bộ phận lớn dân nghèo rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương.