Làm thế nào có thể “trồng”… plastic?

Cần nhấn mạnh rằng chúng ta đang sống trong một cái “cổ chai”. Có nghĩa, sau nhiều thế kỷ dư thừa tài nguyên thiên nhiên, con người đang tiến đến cái cổ chai, trong đó, tài nguyên dần cạn kiệt mà nhu cầu cũng như dân số ngày càng nhiều. Chừng 80 năm nữa, trữ lượng dầu toàn cầu sẽ có thể cạn kiệt; khí thiên nhiên tồn tại thêm 70 năm và than đá chừng 700 năm.

Những gì liên quan đến nguồn năng lượng thiên nhiên đều được xem xét lại, trong đó có nhựa. Nhiều công ty lớn thật ra đã tiến hành nghiên cứu vấn đề này từ vài năm nay, trong đó có Cargill (tập đoàn nông nghiệp khổng lồ), Dow Chemical (chuyên ngành hóa). Hai công ty trên đã hợp tác trong dự án nghiên cứu rút đường từ ngô và vài thực vật khác để tạo thành sản phẩm nhựa gọi là polylactide (PLA).

Quá trình này xảy ra như sau: Dùng vi sinh vật biến đường thành acid lactic và kết nối các phân tử acid lactic thành chuỗi plastic (tương tự polyethylene terephthalate – PET, chất plastic hóa dầu dùng trong nhiều sản phẩm trong đó có chai nước ngọt). Ngoài ra, một công ty khác – Imperial Chemical Industries – cũng đang nghiên cứu chế tạo nhựa polyhydroxyalkanoate (PHA). Như PLA, PHA làm từ đường thực vật và có thể tự phân hủy. Trong trường hợp PHA, vi khuẩn ralstonia eutropha được sử dụng để biến đường thành plastic. Một dự án tham vọng hơn đang nằm trong phòng thí nghiệm tập đoàn nông nghiệp Monsanto: trồng cây lấy nhựa, theo quy trình lấy nhựa trực tiếp từ cây chứ không gián tiếp như PLA và PHA. Điểm cốt lõi trong nghiên cứu này là hiệu chỉnh gien để cây có thể tự tổng hợp chất nhựa.

Cho đến nay, tính bất khả thi của dự án trồng cây lấy nhựa không phải là vấn đề kỹ thuật mà là chi phí. Trong khảo sát gần đây nhất, Tillman U. Gerngross thuộc Đại học Dartmouth cho biết để có 1 kg PHA từ cây ngô, người ta cần 300% năng lượng nhiều hơn 29 megajoule cần trong sản xuất lượng tương đương khi chế tạo nhựa polyethylene (PE) từ dầu thô. Nói khác đi, cần 2,65 kg dầu thô để sản xuất 1 kg PHA! Tuy nhiên, dù còn nhiều thách thức, việc nghiên cứu trồng cây lấy nhựa vẫn được tiếp tục nghiên cứu, trong kế hoạch tạo ra “nhựa xanh” (green plastic – chế tạo từ thực vật), giúp hạn chế dùng tài nguyên dầu đồng thời bảo vệ môi trường.