Nấu ăn bằng năng lượng mặt trời

Một buổi biểu diễn nấu ăn bằng năng lượng mặt trời vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng. Những con mực tươi rói, dưới nắng mùa hè chói chang, đã nhanh chóng chín tới trong cái bếp hình hộp khi nhiệt độ tăng dần lên trên 100 độ. Hoạt động này nhằm chào mừng Ngày Quốc tế Môi trường 5/6 và là một phần trong dự án Bếp năng lượng mặt trời đang được tiến hành ở Việt Nam.

Dự án bắt đầu từ năm 2000, do Trung tâm Nghiên cứu thiết bị áp lực và năng lượng mới, thuộc ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, phối hợp với Tổ chức Phục vụ Năng lượng mặt trời (Solar Serve) xây dựng. Tổ chức này tại Việt Nam do ông Johannes Van Beek, đại diện các tổ chức từ thiện Hà Lan, sáng lập. Theo Ban Giám sát dự án, Việt Nam là nước giàu nguồn năng lượng mặt trời, nhưng rất ít người biết tận dụng nguồn năng lượng sẵn có đó vào việc đun nấu.

Bếp năng lượng mặt trời, hiện rất phổ biến trên thế giới, có thể giúp bảo vệ sức khoẻ, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện có 2 dạng bếp được sử dụng. Bếp hình hộp dùng để đun nước và nấu cơm, có giá khoảng 300.000 đồng/cái. Hướng các tia nắng mặt trời vào trung tâm của một cái chậu nhôm. Đặt nồi đựng thực phẩm vào trong chậu nhôm. Đậy một tấm kính lên miệng chậu có gắn tấm phản chiếu ở phía sau. Nhiệt độ sẽ tăng dần lên đến 120-140 độ C. Sau 1-2 giờ đun nấu, thực phẩm bên trong sẽ chín.

Loại thứ 2 mới được sản xuất năm qua là bếp hình parabol, gồm một chảo parabol nhằm tập trung tia nắng mặt trời tại một điểm để đun nấu. Bếp có giá thành hơi cao, khoảng 1 triệu đồng/cái, song bù lại bếp nấu rất nhanh và đạt nhiệt độ cao như đun nấu bằng nhiên liệu bình thường. Nó còn có thể được dùng để xào, rán, nướng… và tỏa mùi thơm phưng phức như tôm, cua, cá, mực “hóa kiếp” trong buổi biểu diễn ngày 2/6 trước Công viên nước TP Đà Nẵng.

Nhưng năng lượng mặt trời, đâu chỉ để nấu ăn. Nó còn được dùng để tích điện sử dụng trong nhiều việc khác như xem truyền hình, thắp sáng ban đêm. Tại buổi biểu diễn ở Đà Nẵng, còn có thiết bị xử lý nước nhiễm bẩn thành nước sạch, tức sau đó dùng được như khi chưa nhiễm bẩn!

Chưa hết, Tổ chức Phục vụ Năng lượng mặt trời cho biết, đang nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thiết bị năng lượng mặt trời trong việc chưng cất nước lợ nhiễm mặn và nước biển thành nước uống tinh khiết cho cư dân vùng thiếu nước ngọt, vùng biển đảo. Chỉ với một bộ chưng cất nước gồm một hộp đựng nước không thấm được làm bằng gỗ hay xi măng, với một tấm kính trắng đậy lên. Một thiết bị kích cỡ 1-2 m có thể lọc được 5-10 lít nước tinh khiết mỗi ngày.