Châu Á cam kết khắc phục các vấn đề sức khoẻ liên quan đến môi trường

ThienNhien.Net – Mỗi năm, thế giới có gần 7 triệu ca tử vong bởi các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí do sự thay đổi của khí hậu. Đó là kết quả vừa đuợc công bố trong một hội nghị tại Băng Cốc (Thái Lan) hôm thứ năm, 09/08/2007. Tại đây, 14 quốc gia Châu Á cũng đã cam kết ngăn chặn các vấn đề môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đặc biệt là ô nhiễm không khí.

Các nước ở Đông và Đông Nam châu Á – bao gồm cả các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Trung Quốc cho đến cả các quốc gia nghèo như Lào – đã đồng thuận tăng cường sự hợp tác giữa các bộ ngành sức khỏe và môi trường, cùng nhau thực hiện để tạo lập khuôn khổ quốc gia nhằm chống lại những vấn đề về sức khỏe do môi trường.
“Chúng ta cần đến sự đồng thuận giữa các chính phủ, và chúng ta đã đạt được điều đó hôm nay,” ngài Supat Wangwongwatana, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan đã phát biểu sau hội nghị.
“Mười bốn quốc gia đã nhất trí hợp tác và bắt tay chiến đấu nhằm chống lại những vấn nạn về môi trường đồng thời cải thiện tình hình sức khỏe của người dân,” ông  Supat nói. “Đó là mục tiêu của chúng tôi”.
Thế nhưng, không một khoản quỹ nào được thông qua trong suốt hai ngày họp – ngoại trừ Bản tuyên bố về Môi trường và Sức khỏe Băng Cốc – và các quốc gia này cũng không đưa ra được một lộ trình cụ thể nào.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước và hoang mạc hóa đất đai nghiêm trọng cũng được xem là các vấn đề môi trường có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Lần đầu tiên xuất hiện trong khu vực, diễn đàn này đã chỉ rõ mối liên hệ giữa xu hướng gia tăng vấn đề suy giảm sức khỏe và những thay đổi về môi trường, đặc biệt khi mà sự nóng lên của Trái đất là do lượng khí thải nhà kính ngày một cao.
Tổ chức y tế thế giới (WHO)  đã tính toán rằng khí hậu thay đổi đã  giết chết hơn 1 triệu người trên toàn cầu kể từ năm 2000 bằng nhiều cách thức khác nhau từ trực tiếp đến gián tiếp. Cũng theo WHO, mỗi năm có khoảng 800,000 người chết ở khắp nơi có liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Tháng trước, các quan chức y tế từ hơn 12 nước đã họp ở Malaysia cùng lắng nghe tình hình tại Nepal khi mà nhiệt độ tăng cao gây thiệt hại về người còn lớn hơn do các vụ lở đất, sự gia tăng dịch xuất huyết xuyên suốt châu Á, và lũ lụt hoành hành ở Ấn Độ và Băng-la-đét.
Ủy ban liên chính phủ về vấn đề thay đổi khí hậu, một cơ quan thuộc Liên hợp quốc gồm 2.000 nhà khoa học đã dự đoán từ đầu năm: hạn hán do nhiệt độ tăng cao sẽ làm giảm sản lượng thu hoạch gây tình trạng thiếu lương thực ở nhiều nơi, làm bùng nổ các căn bệnh như tiêu chảy.
Ủy ban này cũng cho biết dân cư sống tại các vùng duyên hải thấp hơn mực nước biển có thể phải đối mặt nhiều hơn với bão lũ và sự xâm mặn nguồn nước ngọt dành cho các nhu cầu thiết yếu.
Các Bộ trưởng tham gia hội nghị đều cho rằng hầu hết mọi quốc gia trước đây đã tự giải quyết vấn đề về sức khỏe và môi trường theo cách của mình, nhưng với Bản tuyên bố ngày 09/08 vừa qua, họ hi vọng tình hình sẽ thay đổi.
“Khả năng của mỗi quốc gia ở khu vực trong việc giải quyết vấn đề môi trường là rất hạn chế, vì vậy chúng ta cần có sự hợp tác hành động quốc tế tốt hơn,” ngài Vallop Thainuea, một quan chức của Bộ y tế Thái Lan đã phát biểu như vậy khi kết thúc hội nghị.