Xử lý ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh: Cần nhiều giải pháp căn cơ và dài hơi

ThienNhien.Net – Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày càng nghiêm trọng. Thực tế này đòi hỏi thành phố cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang ở mức độ cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân thành phố.

Ô nhiễm không khí gia tăng 

Hiện mạng lưới quan trắc không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm 20 vị trí quan trắc cố định, thực hiện quan trắc các chỉ tiêu NO2, CO, SO2, bụi, PM10 và tiếng ồn với tần suất 10 ngày/tháng nhằm theo dõi, đánh giá tổng quát hiện trạng chất lượng môi trường không khí của thành phố.

Cũng theo số liệu của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ trung bình giờ của khí CO, hàm lượng trung bình giờ của bụi lơ lửng hiện nay tăng cao so với số liệu đo được năm 2014 và 2015, trong khi đó, mức ồn đo được không những tăng cao mà còn vượt tiêu chuẩn cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Cụ thể, tại 20 vị trí quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố đo được hiện nay, nồng độ trung bình giờ của khí CO dao động từ 4,39 – 13,28 mg/m3 (milligram/m3), trong khi đó, nồng độ đo được năm 2014 là 4,45 – 11,10 mg/m3. Hàm lượng trung bình giờ bụi lơ lửng dao động từ 90,45 – 768,75 ug/m3 (microgram/m3), tăng cao so với số liệu đo được năm 2015 (172,30 – 560,88 ug/m3). Đặc biệt, mức ồn đo được là 53,9 – 83,4 dBA, cao hơn so với số liệu đo được năm 2014 và 2015 và vượt Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN: 45 – 70 dBA).

Nhân viên y tế sử dụng kỹ thuật phun hơi nóng diệt muỗi phòng chống vi rút Zika tại ký túc xá Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ảnh: Phương Vy – TTXVN.

Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cao Trung Sơn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng có 3 nguồn phát sinh ô nhiễm không khí gồm hoạt động giao thông, hoạt động xây dựng và dịch vụ, các hoạt động công nghiệp.

Cụ thể, trên địa bàn thành phố có 7,43 triệu xe gắn máy và hơn 1 triệu xe gắn máy của người dân từ các tỉnh khác đến thành phố làm ăn sinh sống. Hàng triệu xe gắn máy, nhất là những xe đã quá hạn sử dụng, xe tự chế thải khí độc và gây bụi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí.

Bên cạnh đó, các hoạt động phá dỡ, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, các thiết bị máy móc phục vụ hoạt động xây dựng, các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, vui chơi đều là nguồn phát sinh ô nhiễm không khí, tiếng ồn.

Ngoài ra, nguồn thải của công ty, nhà máy tại 16 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Ảnh hưởng lớn đến người dân 

Bà Nguyễn Thị Định, người dân sinh sống gần ngã tư An S ương, Quận 12 , cho biết: Khu vực này rất đông xe qua lại và nhiều bụi, vì vậy khi ở nhà thì gia đình chúng tôi luôn đóng kín các cửa, kể cả cửa sổ, các ô thông gió. Khi đưa con gái nhỏ đi học thì hai mẹ con phải đeo khẩu trang, bịt mặt, mặt quần áo che kín tay chân để tránh bụi. Nhà cửa thường xuyên phải lau dọn vì luôn bị bám bụi từ ngoài đường. Thời gian qua, người trong gia đình thường hay bị các bệnh đường hô hấp như ho, viêm phế quản.

Khu vực ngã tư Hàng Xanh cũng là một trong những nơi đo được hàm lượng bụi, nồng độ các khí độc hại và mức ồn cao trong các vị trí quan trắc chất lượng không khí. Theo quan sát, tại khu vực này, nhà dân thường đóng kín cửa, các cửa hàng dùng vải, túi ni lông bao bọc các sản phẩm, hàng hóa nhằm tránh bụi, nơi chế biến tại các cửa hàng ăn uống được dời vào bên trong và được che đậy kĩ.

Bà Nguyễn Thị Tâm, người kinh doanh ăn uống khu vực ngã tư Hàng Xanh, cho biết: Khi có kẹt xe vào các giờ cao điểm trong ngày thì có rất nhiều bụi, khói xe, mùi hôi của xăng dầu và tiếng ồn còi xe làm người dân rất khó chịu. Chúng tôi luôn phải che chắn, đậy kĩ nguyên vật liệu chế biến để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho thực khách. Tình trạng ô nhiễm như thế này ảnh hưởng lớn đến doanh thu của cửa hàng.

Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, n ồng độ các chất ô nhiễm quan trắc đo được tại khu vực ngã tư An Sương, Gò Vấp, Cát Lái, Hàng Xanh có giá trị cao nhất trong 20 vị trí quan trắc chất lượng không khí.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng Khoa hô hấp (Bệnh viện Chợ Rẫy), Chủ tịch Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Ô nhiễm môi trường không khí tác động lên hệ hô hấp gây ra một số bệnh như tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, ung thư phổi. Tùy vào cơ địa mỗi người và cường độ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm không khí mà các bệnh này xuất hiện sớm hay muộn. Với tình hình ô nhiễm không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay thì người dân hàng ngày phải tiếp xúc với ô nhiễm không khí nên số lượng người mắc bệnh ngày càng nhiều với mức độ nặng. Khoa Hô hấp (Bệnh viện Chợ Rẫy) trong thời gian luôn xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân từ 120 – 130%, phần lớn là các bệnh liên quan đến hệ hô hấp.

Theo các chuyên gia y tế, khí CO (carbon monoxit), một trong những khí độc có trong không khí ô nhiễm, là khí không mùi vị, có độc tính cao với sức khỏe con người và cực kỳ nguy hiểm do việc hít phải một lượng lớn khí CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ôxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh, có thể là nguy cơ gây tử vong.

Cần những giải pháp xử lý căn cơ và dài hơi 

Trước thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh , T iến sĩ Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh), lo ngại: Với tình hình như hiện nay, dân số và số lượng phương tiện giao thông càng ngày càng tăng cùng các hoạt động khác như dịch vụ, xây dựng, công nghiệp cũng gia tăng thì chất lượng không khí sẽ khó cải thiện trừ khi có các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí có hiệu quả lâu dài.

Theo ông Trần Văn Ngọc, Trưởng Khoa hô hấp (Bệnh viện Chợ Rẫy), Chủ tịch Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh, ô nhiễm không khí là vấn đề chung cần có giải pháp khắc phục từ chính quyền địa. Nhưng trước hết, để bảo vệ bản thân trong tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, người dân khi ra đường, đến những nơi có ô nhiễm không khí nghiêm trọng cần sử dụng các loại khẩu trang có than hoạt tính để lọc bụi, chất độc nhằm tránh mắc các bệnh về phổi cũng như hệ hô hấp.

Về góc độ chuyên gia nghiên cứu, Tiến sỹ Hồ Quốc Bằng đề xuất: Thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp kiểm soát phát thải khí thải xe gắn máy và cả xe cơ giới hiệu quả ; kiểm soát phát thải khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, tiến tới xây dựng các định mức phát thải khí thải, giấy phép xả thải khí thả i tại cơ sở sản xuất có nguồn phát thải lớn. Đồng thời, t hành phố phải tiến hành một nghiên cứu toàn diện về khả năng tiếp nhận xả thải khí thải từng khu vực của thành phố. Kết quả này sẽ làm cơ sở cho quy hoạch kinh tế – xã hội của thành phố , k hu nào nên phát triển công nghiệp, khu nào nên phát triển dân cư .

Trong khi đó, ở cấp độ quản lý Nhà nước, ông Cao Trung Sơn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra 5 nhóm giải pháp chính giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, thành phố đang thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp nhằm giảm thiểu khí thải trong sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất sạch, sử dụng các nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học thay thế nhiên liệu truyền thống.

Trong công tác quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng như các hoạt động xây dựng.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các biện pháp tổ chức giao thông khoa học nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, xây dựng và hoàn chỉnh các tuyến đường, trục chính đô thị, các nút giao thông, cầu, hầm vượt sông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông. Một giải pháp khác nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí mà thành phố đang và tiếp tục thực hiện là tăng cường mở rộng diện tích cây xanh, vườn hoa, công viên, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố và các khu đô thị, khu dân cư mới.