“Nước mắt” của rừng…

Khu rừng cấm Cát Tiên được thành lập từ năm 1978 và tổ chức UNESCO đã công nhận nơi đây là Khu dự trữ sinh quyển thứ 2 của Việt Nam. Vậy mà từ đó đến nay, khu rừng nguyên sinh – chốn sơn kỳ thủy tú này vẫn chưa được một ngày bình yên.

Sau những ngày luồn rừng lội suối ở Cát Tiên, bạn sẽ cảm nhận thấy nơi đây quả là chốn thủy tú non xanh. Cảnh đẹp đến mức các nhà khoa học tôn nơi đây như thánh địa của thiên nhiên. Với 1.610 loài thực vật,133 loài cá, 79 loài bò sát, 351 loài chim, 105 loài thú có trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Vẻ đẹp ngời thiêng như sự ưu ái của Trời và Đất…
Và rồi được thấy, được nghe những gì con người đang tác động vào sự bình yên hoang dã vốn có của nơi đây, tôi mới thấy giật mình và lo lắng…
Có một câu chuyện đau lòng mà cán bộ rừng kể: “Đám thợ săn vào rừng bẫy trộm thú, con bò tót to vài trăm cân bị mắc bẫy, nhưng kẻ diệt rừng kia không lấy thịt mà chỉ dùng dao rừng chặt lìa cổ con bò để lấy cặp sừng… làm cảnh. Anh em kiểm lâm đi tuần rừng phát hiện thấy xác con bò thối rữa mà tìm mãi không thấy thủ nó đâu. Và cứ như vậy, trong rừng già yên tĩnh, những đống xương thú bị chết tăng theo thời gian”.
Lúc ngồi ở bản Dak Lua bên rìa rừng cấm Cát Tiên, một người tên là Thắng cho biết, ở thị trấn Đồng Nai – Lâm Đồng bán thịt thú rừng nhiều đến mức vào nhậu, chủ quán mở thùng đông lạnh thấy xếp chồng chất nào hươu, nào tay gấu, tê tê… Anh này thật thà nói: “Xong việc tôi đưa anh đến đó nhưng anh tự vào một mình nhé. Ở đây chủ quán nhẵn mặt tôi rồi”- anh Thắng dặn trước.
Trong cái quán ở thị trấn vùng cao nguyên chẳng có gì gọi là sang trọng, nhưng khi thực khách cầm tờ “menu” lên thì than ôi đồ ăn cao cấp nhất của rừng toàn là thịt thú rừng quý hiếm. Chẳng còn gì dã man hơn nhìn thấy mấy con nai, gấu bị thương nhốt trong lồng sắt. Con nào cũng chỉ còn 3 chân đang rên lăn lộn với cái chân be bét máu. Tôi đã chứng kiến những hình ảnh đó khi đi ra sau nhà anh chủ quán đặc sản thịt thú rừng.
Thật ra, cái thị trấn Đồng Nai này tìm quán không bán thịt thú rừng mới khó, chứ quán có bán thịt thú rừng thì không phải tìm. Mọi người ở đây đều công nhận và tôi cũng nhận thấy thế. Vào quán nào cũng thấy xếp những tiêu bản của thú rừng. Những con gấu, con nai nhồi trấu đứng trên kệ trừng trừng mắt bi ve nhìn thực khách. Của rừng của núi có khác, cứ thoải mái giết dùng, đến cái móc áo, treo mũ của khách cũng là sản phẩm của thú. Những cái ngạc hươu, sừng bò tót như những ngạc cây khô đóng trên bờ tường, cột nhà hàng đặc sản.
Ông Trần Văn Thành – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cát Tiên, cho biết: “Hạt chỉ xử lý những vụ vi phạm nhỏ, số lượng ít. Những vụ vi phạm lâm luật tang vật có trị giá từ 5 triệu không xử lý hành chính được mà phải bàn giao công an để xử lý theo pháp luật. Nhưng muốn xử lý theo pháp luật thì phải có văn bản giám định tang vật của cơ quan chức năng. Mà cơ quan chức năng có thẩm quyền giám định tang vật trong lĩnh vực này là Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật Việt Nam ở tận Hà Nội. Theo quy định, giám định mỗi mẫu vật phải trả chi phí từ 3-5 triệu đồng, một con thú (voọc, cầy hương…). Trong khi toàn bộ kinh phí dành cho giám định cả năm cũng chỉ được khoảng 200 triệu đồng/năm. Vậy là việc giám định khó có thể thực hiện được. Tang vật thì chết thối trong… kho”.
Trên đường theo anh Nguyễn Văn Sơn – Đội cơ động kiểm lâm đi tuần rừng ở Bầu Sấu, tôi được chứng kiến nhiều chiếc bẫy đã giăng sẵn đợi bẫy thú và… người. Nhiều con thú đã bị “dính” từ lúc nào, những con chồn, con cheo đã chết bị kiến bu đen. “Như thế này anh em đi tuần rừng không chú ý  thì người cũng “dính” chứ không phải là thú. Cách đây ít hôm ở đội tôi đã có người bị bẫy sập vào chân, nhưng may không việc gì. Loại này mạnh lắm, khỏe như bò tót bị sập cũng không giẫy ra được”- anh Sơn chỉ vào chiếc cạm nói.
Trong cánh rừng rậm rạp, cây cối như thiên la địa võng, bẫy của những kẻ “giết rừng” đặt ở khắp nơi như vậy không cẩn thận thì có người chết rũ xương trong rừng có ngày. Xương người thì chưa gặp, chứ xương động vật như trâu rừng, bò tót, hươu, nai… thấy nhiều.
Chuyện giữ rừng, bảo vệ thú hoang như một bài ca đã cũ và nhàm. Nhưng, để những con gấu, beo, hươu, nhím… ở rừng cấm nguyên sinh nhất xứ sở này bị làm thịt quá nhiều quả là không thể chấp nhận được.
Hàng chục con gấu, tê tê, hươu, vượn… được Hạt kiểm lâm thu giữ thả trả lại rừng. Nhưng hầu như kẻ vận chuyển buôn bán lại thoát thân cả, và đương nhiên chúng chỉ mất chuyến hàng ấy thôi. Còn hơi sớm để người ta có thể nói về sự bao che dung túng của cán bộ đối với những người “giết rừng”, song sự làm ngơ là có thật. Còn người thì còn bẫy. Đám con buôn mang nhu yếu phẩm, lương thực vào tiếp cho đồng bào thiểu số để xúi bà con nằm rừng bẫy thú kiếm ăn.
Người bẫy được ít thì bán cho nhà hàng, quán ăn. Kẻ bẫy chuyên nghiệp hơn thì có đường dây móc nối với đầu mối khác mang đi giao cho một số nhà hàng, khách sạn lớn. Cách đây chưa lâu, lực lượng Công an Hà Nội và cơ quan chức năng đã bắt giữ một xe ô tô khách chở tê tê. Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã khám phá vụ buôn bán động vật hoang dã tinh vi chưa từng có, đối tượng đã làm giả xe chuyên dụng đặc biệt để vận chuyển động vật hoang dã.