Khi những dòng sông bị "mổ bụng"

Cuộc chiến tận thu vàng sa khoáng ở Lai Châu bắt đầu từ năm 2004. Đến nay, đỉnh điểm của nó là khi mà cả Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lai Châu – ông Khiếu Công Khanh, cùng nhiều đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của xã Chăn Nưa… bị khởi tố và đang bóc lịch trong nhà tạm giam.

Cơn lốc vàng đã và sẽ cuốn bay nhiều cán bộ vào chốn đề lao.

Đã có 5 lãnh đạo bị khởi tố

Tây Bắc đang mùa mưa. Những mùa hoa ban trắng, hoa vông gạo đỏ rực đang đếm lùi đến cái ngày hàng tỉ mét khối nước của lòng hồ thuỷ điện Sơn La dâng lên. Một phần quyến rũ đệ nhất của xứ sở sặc sỡ này sẽ vĩnh viễn chìm trong nước bạc. Và người ta tiến hành mổ bụng các dòng sông kỳ vĩ để tận thu những mỏ vàng sa khoáng khổng lồ trước khi bị thuỷ thần nuốt mất.

Con đường 100km từ thị xã Lai Châu về xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ) cứ bám dọc sông Nậm Na hun hút mà đi. Nậm Na gầy guộc, đá to bằng gian nhà cứ hộc lên giữa dòng nước dữ dằn trắng xoá. Đường đi trên đỉnh núi, sông xẻ dọc thung lũng mà chồm đi. Thác nước lớn chui qua cống ngầm của đường nhựa, thả mình vắt qua sườn núi xanh rì hàng trăm mét bay như một dải tóc trắng để xuống với Nậm Na.

Sự hùng vĩ ấy, từ thuở tạo sơn đã biến Nậm Na, Nậm Tè (khúc thượng lưu của sông Đà) thành một trong những vựa vàng sa khoáng màu mỡ đệ nhất của Việt Nam. Câu chuyện về những bản làng người Thái ven sông Đà, khi bà con mổ con vịt suối ra, thấy cái diều của nó lấp lánh những mẩy vàng là có thật.

Khi sông Nậm Na sắp nhập vào sông Đà ở thị xã Mường Lay – kết thúc hành trình chém đứt lìa núi non chất ngất ở khu vực nóc nhà Đông Dương của mình – thì nó nhỏ nhẻ chảy qua xã Chăn Nưa. Với hơn 4.000 dân, chủ yếu là đồng bào Thái làm ruộng nước ở nhà sàn, nằm ở vùng thấp của huyện vùng cao Sìn Hồ, Chăn Nưa đẹp mơ màng như bất cứ bản người Thái ven sông nào mà tôi từng đến. Bất giác, ta giật mình: Nơi này, chẳng bao lâu nữa sẽ vùi chôn vĩnh viễn trong lòng hồ thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, kể cũng tiếc thật.
 
Cũng vì lý do nước sắp dềnh lên ấy, mà xã Chăn Nưa đang giữ một kỷ lục buồn khó tin về số lượng cán bộ xã đồng loạt bị khởi tố. Vì đoạn sông Nậm Na chảy qua xã có quá nhiều mỏ vàng sa khoáng, khi các doanh nghiệp và các cá nhân đem tàu đến khai thác, cán bộ xã đã đặt ra những quy định trái pháp luật rồi nhận hối lộ tới hàng trăm triệu đồng. Có được những khoản tiền khổng lồ, ông Chủ tịch Màng Văn Tướng bắt đầu ăn chơi khét tiếng.

Trong khi xã vùng sâu vùng xa này chưa có sóng di động, ông Tướng lúc nào cũng hai tay hai điện thoại, vì ông toàn sống trác táng ở ngoài nhà nghỉ, khách sạn “trong vùng phủ sóng” của các thị xã. Tiền các chủ tàu vàng cống nộp, ban lãnh đạo xã họp lại hý hoáy đếm rồi chia chác xôm trò. Vụ việc vỡ lở khi Màng Văn Tướng cùng 5 đối tượng khác đang sát phạt nhau trên chiếu bạc tại trụ sở đội thu thuế liên xã Chăn Nưa thì bị công an tóm.
 
Tính đến giờ phút này, bộ “tứ trụ xã nhà” bị khởi tố và bắt tạm giam gồm: Chủ tịch UBND xã Màng Văn Tướng; Phó Chủ tịch Lò Văn Lý; Bí thư Đảng uỷ xã Lò Văn Xưng; Phó Bí thư Lò Văn Khạnh; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Lường Văn É.

Sau khi lực lượng công an tổ chức bắt khẩn cấp Nguyễn Danh Dư, một chủ tàu vàng tại nhà riêng của y ở xã Minh Châu, Ba Vì, Hà Tây; Dư khai: Từ tháng 12/2004, Dư đã phải ký hợp đồng với “đội ngũ lãnh đạo” (bị khởi tố kể trên) xã Chăn Nưa để đấu thầu khai thác vàng. Cơ quan điều tra đã thu giữ được hợp đồng bất chấp pháp luật này. Lãnh đạo xã Chăn Nưa (bấy giờ) đã tự ý cắt từng khúc sông Nậm Na ra bán cho các chủ tàu vàng, để họ mổ bụng sông, bới đất từ đáy sông lên đắp cao như núi đồi làm thay đổi hoàn toàn dòng chảy của sông!

Lệ phí mà Dư và đồng bọn phải nộp để được hạ thuỷ con tàu trị giá 1 tỉ đồng kia xuống bới khoét dòng sông là 30 triệu đồng. Tiền đút túi rồi, các cán bộ xã này để mặc Dư và tàu vàng của y bị một doanh nghiệp khác cùng hai cán bộ địa phương đến đình chỉ không cho hoạt động. Sau đó, Lò Văn Lý, Phó Chủ tịch còn viết giấy bắt Dư lên xã giải trình, đòi Dư phải nộp 5 triệu đồng tiền mặt mới yên chuyện. Dư khai, sau đó còn hai lần lên xã đưa tiếp 20 triệu đồng nữa cho êkíp cán bộ xã chia nhau.
 
Những “ông tướng” ngồi trên mỏ vàng

Khi đoàn giám sát của HĐND tỉnh Lai Châu về làm việc tại điểm nóng Chăn Nưa thì được nghe các tổ chức, cá nhân khai thác vàng kêu cứu. Bà Tăng Thuý Anh, giám đốc một doanh nghiệp có 5 tàu khai thác vàng sa khoáng ở Chăn Nưa tố: Khi giấy phép hết hạn, “ông Tướng” (Chủ tịch UBND xã Màng Văn Tướng) gọi bà lên uỷ ban, đòi bà nộp 10 triệu đồng/tháng. Bà đồng ý, ông Tướng qua thẳng nhà bà… lấy tiền đút túi.

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ một tàu khai thác vàng sa khoáng ở Chăn Nưa, kể: Chủ tịch Tướng bảo, muốn làm ăn ở “khúc sông nhà ông Tướng” phải tòi ra 70 triệu đồng. Cán bộ xã còn ngầm thu của mỗi tàu 1,5 cây vàng gọi là tiền lệ phí. Riêng tiền bến bãi thì tuỳ tàu lớn nhỏ, mỗi tàu phải đóng từ 400 – 700 nghìn đồng/tháng. Tiền này cán bộ xã dành chủ yếu để đi nhậu nhẹt.

Đấy là chưa kể, cán bộ xã thừa nhận, và ông Đỗ Văn Hán, Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh Lai Châu cũng kể với PV Lao Động: Nếu không nghe lệnh của “ông Tướng” thì lập tức tàu vàng bị cắt dây cáp neo tàu, bị đám lâu la ném đá thừa sống thiếu chết.
Những gì Màng Văn Tướng khai nhận đủ để người ta thảng thốt trước sự lộng hành của một ông quan xã vùng hoang vu.

Tàu nào cần khai thác vàng ở địa bàn, cứ nộp tiền cho Tướng là xong hết, chả cần giấy phép với môi trường hay an toàn gì sất. Nguyễn Danh Dư hạ thuỷ 2 con tàu xuống Nậm Na, lập tức phải chấp nhận nộp đều đặn 1/6 số vàng khai thác được trong tháng cho Tướng. Đến lúc bị bắt, Tướng vẫn còn giấu  ở nhà 2 cây vàng mà Dư cống nạp, vợ Tướng là Điêu Thị Ngải đã thành khẩn đem nộp cơ quan điều tra xử lý.

Tướng khai nhận: Y đã lấy của Dư hàng chục triệu đồng, có lần nói là để đi chạy cấp trên cho Dư (thực chất hắn đút túi); có lần nói là bồi dưỡng cán bộ xã. Có lần Dư đưa tiền tại nhà Bí thư Đảng uỷ xã, có lần đưa cho Tướng. Cũng có lần toàn bộ êkíp lãnh đạo xã gồm 6 người (chủ tịch, bí thư, chủ tịch hội đồng và các cấp phó) đã tổ chức họp tại Văn phòng Đảng uỷ xã với doanh nghiệp của Dư rồi ra “nghị quyết mồm” là sẽ tạo điều kiện bao sân cho Dư khai thác vàng, đổi lại Dư phải bồi dưỡng chia chác cho cán bộ xã.

Nhận tiền, cán bộ xã đếm chia nhau ngay lập tức, ông to nhận nhiều, ông bé nhận ít. Cũng có khi, chủ tàu vàng đem tiền cống cho ông bé (phó chủ tịch chẳng hạn) để ông này đem chia cho cấp trên. Họ dúi tiền cho nhau, nói là “tiền tàu vàng”, “tiền thưởng”, “tiền để chú đi chơi” (như lời khai trước cơ quan điều tra), cứ như trẻ con chia nhau ăn kẹo.

Đêm, tôi đi dọc bờ sông Nậm Na, ngó hàng trăm bóng điện lớn (chạy máy nổ) sáng trên sông. Ngày, tôi đi dọc sông Đà, nghe tiếng gầm rít từ những con tàu tiền tỉ đang nghều ngào lôi ruột sông lên vun thành ngọn núi lớn, thật hãi hùng và chua xót. Những dòng sông của núi rừng Tây Bắc đang bị biến thành thuỷ quái, khi tàu vàng đã khiến sông bị đổi dòng, lòng sông trở nên hung hiểm giết chết bao nhiêu người, lưỡi nước gầm lên gặm mất cửa nhà ruộng nương.

Cơn lốc vàng còn cuốn mất bao nhiêu cán bộ nữa, sau khi Lai Châu mất cả cán bộ cấp lãnh đạo của tỉnh (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường bị tạm giam) xuống đến cả toàn bộ êkíp lãnh đạo chủ chốt của xã như Chăn Nưa?

Chăn Nưa gần hết cán bộ, một xã đội trưởng người Thái lên làm chủ tịch UBND xã, một cán bộ trên huyện được điều về làm bí thư Đảng uỷ; một trung tá quân đội cắm về cơ sở để ổn định tình hình. Nhưng thử hỏi, trong cuộc chiến vàng da vàng mắt kia, các dòng sông và những phận người bị cuốn theo cơn lốc vàng sẽ đi về đâu?