Hơn 54% mẫu thịt lợn, gà tại Hà Nội, Hà Nam ô nhiễm vi sinh vật

Có tới 54,54% lượt mẫu thịt lợn, thịt gà tại cơ sở giết mổ, kinh doanh tại hai tỉnh Hà Nội, Hà Nam bị ô nhiễm vi sinh vật (Salmonella, E.coli…).

Người dân Hà Nội vẫn chưa từ bỏ được thói quen sử dụng thịt nóng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng, khiến tỷ lệ các mẫu thịt lợn, thịt gà bị ô nhiễm vi sinh vật cao. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Choáng với thịt ô nhiễm vi sinh vật tại Hà Nội

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Thú y đã kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm 19 cơ sở giết mổ và 19 cơ sở kinh doanh thịt lợn, thịt gà tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, TP. HCM và Long An.

Tại các đợt kiểm tra, Cục Thú y lấy mẫu thịt lợn, thịt gà tại các cơ sở nêu trên để kiểm tra các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư kháng sinh.

Kết quả giám sát cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt lợn, thịt gà tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh không đạt yêu cầu đối với chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật vẫn còn cao (26,31%).

Đặc biệt, tỷ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh vật tại cơ sở giết mổ, kinh doanh tại Hà Nội, Hà Nam chiếm tỷ lệ rất cao (54,54%, tương ứng với 98 trong tổng số 180 lượt mẫu) không đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu kiểm tra (gồm vi sinh vật tổng số, Salmonella, E.coli).

Thịt lợn được bày bán tràn lan tại các sạp, không có biện pháp che chắn, bảo quản dẫn đến bị ô nhiễm vi sinh vật. (Ảnh: Lam Nghi)

Còn tại TP. Hồ Chí Minh và Long An, tỷ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh vật chiếm tỷ lệ thấp 1%.

Cục Thú y cho biết, đối với các sơ sở có mẫu giám sát không đạt yêu cầu, đơn vị thực hiện giám sát ban hành công văn cảnh báo gửi Chi cục Thú y/Chăn nuôi và Thú y các tỉnh và các cơ sở giết mổ có mẫu không đạt yêu cầu, đồng thời yêu cầu các cơ sở có hành động khắc phục và giao Chi cục Thú y các tỉnh giám sát việc thực hiện.

So với kết quả giám sát thường kỳ năm 2019, tỷ lệ mẫu không đạt các chỉ tiêu vi sinh vật tăng 17,31% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 chỉ 9% số mẫu thịt lợn, thịt gà không đạt yêu cầu đối với chỉ tiêu vi sinh vật).

Hà Nội, “rốn” thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật?

Năm 2019 Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP).

Cụ thể, đã tổ chức thanh, kiểm tra 446 lượt cơ sở, kết quả có 110 cơ sở có vi phạm, chiếm 24,7%, xử phạt 108 trường hợp với số tiền hơn 900 triệu đồng.

Ngoài ra, trạm chăn nuôi và thú y 30 quận, huyện phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra 20.477 lượt cơ sở, xử lý 1.236 trường hợp vi phạm. Cảnh cáo 483 trường hợp, tiêu hủy 124 trường hợp, phạt tiền 629 trường hợp với số tiền 1,37 tỉ đồng, buộc phải tiêu hủy trên 20 tấn sản phẩm không đảm bảo.

Công tác đảm bảo ATTP của thành phố đang đối diện với không ít khó khăn, cụ thể: Lực lượng làm công tác ATTP nông nghiệp tuyến cơ sở chủ yếu dựa vào lực lượng nhân viên thú y, bảo vệ thực vật tại các xã, phường, thị trấn và cán bộ phòng kinh tế các quận huyện thị xã.

Trong khi số này thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền chưa hiệu quả.